Ông Lê Mạnh Hùng cho biết, chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính suy giảm nghiêm trọng, khoảng 3 USD/thùng, trong khi điểm hòa vốn của Nhà máy lọc dầu Dung Quất là 5 USD/thùng, còn Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn là 12 USD/thùng.
Do Nghi Sơn (liên doanh với các nhà đầu tư Nhật) có cam kết bao tiêu của Chính phủ, sản xuất ra bao nhiêu phải tiêu thụ hết bấy nhiêu và thanh toán tiền cho doanh nghiệp ngay, nên Dung Quất ở tuyến đầu thử thách, tồn kho có thời điểm lên tới 90% sức chứa.
Nhưng đó là thời điểm cuối tháng 2/2020, khi giá dầu còn dao động trên 50 USD/thùng.
Sang tuần đầu tháng 3, các nhà máy lọc dầu trên thế giới tiếp tục choáng váng vì đại dịch Covid-19 lan ra khắp toàn cầu, càn quét châu Âu, châu Á, Mỹ.
Bên cạnh đó, cuộc chiến giành giật thị phần giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ đã đẩy giá dầu giảm xuống ngưỡng 30 USD/thùng.
Ðến trung tuần tháng 3, bản lĩnh của các nhà máy lọc dầu bị thử thách dữ dội khi giá dầu giảm sốc xuống sát 20 USD/thùng, mức giá chưa từng được dự báo của bất cứ tổ chức quốc tế nào khi đề cập đến triển vọng giá dầu năm 2020.
Với đặc thù về sản xuất, Nhà máy Dung Quất luôn phải duy trì một lượng dầu thô lớn và cần thời gian chế biến để từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán, nên khi giá dầu thô và sản phẩm giảm mạnh, giá trị hàng tồn kho trở nên cao hơn nhiều so với giá thị trường.
Từ đầu năm đến nay, chênh lệch giảm giá hàng tồn kho tăng nhanh, trong khi chênh lệch giá sản phẩm lọc dầu và dầu thô luôn thấp, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) buộc phải chấp nhận lỗ.
Khi nào đại dịch sẽ được khống chế? Câu hỏi này không thể trả lời, bởi vậy, các nhà máy lọc dầu như Dung Quất luôn phải dự liệu cho những kịch bản xấu.
Trước hết, nhu cầu sẽ giảm mạnh. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, đại dịch sẽ làm kinh tế thế giới thiệt hại từ 77 - 347 tỷ USD.
Dịch bệnh khiến các hoạt động kinh tế đình trệ, nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu theo đó giảm mạnh. Như tại Trung Quốc, nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay ước tính giảm 36% trong quý I. Tương tự là Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu...
Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng, dầu giảm từ 30 - 40% so với cùng kỳ các năm trước, trong đó sản phẩm nhiên liệu bay Jet A1 có mức giảm sâu nhất.
Theo hợp đồng năm 2020, tổng khối lượng xăng dầu BSR giao mỗi tháng cho các khách hàng vào khoảng 634.000 m3.
Tuy nhiên, việc đóng cửa biên giới, ngừng các đường bay khiến tồn kho xăng dầu của BSR tăng nhanh, đến ngưỡng tối đa, các khách hàng đều giảm bình quân tới 30% kế hoạch, do tiêu thụ và sức chứa gặp nhiều khó khăn.
Ðối với sản phẩm LPG và hạt nhựa PP, nhiều khách hàng cũng đề nghị giảm sản lượng nhận hàng và giãn thời gian giao nhận hàng.
Thách thức của ngành dầu khí là rất lớn, giá dầu còn tiếp tục bất định. Nhưng lo sợ và co cụm sẽ chỉ làm khó khăn nhân lên.
“Chúng tôi chọn đối mặt với sự bất ổn và minh bạch thông tin, minh bạch quá trình đưa ra các quyết định, tập trung thời gian để giải quyết mọi vấn đề nảy sinh”, ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc BSR chia sẻ.
Một mặt, BSR tích cực làm việc với từng khách hàng, đưa ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ để tối đa hoá khả năng tiếp nhận hàng hoá của khách hàng, một mặt Công ty từng bước điều chỉnh giảm công suất của nhà máy để phù hợp với sức chứa của nhà máy và khả năng tiếp nhận của khách hàng.
Phương án gửi hàng hoá tại tổng kho của các đầu mối phân phối lớn đã được nghiên cứu và triển khai khi thị trường tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, nhằm đảm bảo kho chứa tại nhà máy không bị tank-top (đầy kho) và nhà máy vẫn sản xuất an toàn.
Bên cạnh đó, BSR đang tích cực làm việc với các nhà cung cấp dầu thô để thương lượng giãn tiến độ nhận hàng và kêu gọi các giải pháp hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn.
Mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với đặc thù của một nhà máy lọc dầu đang trong giai đoạn còn khấu hao, BSR tiếp tục duy trì vận hành nhà máy để vượt qua vùng lỗ do lượng dầu thô tồn kho mua tại thời điểm giá cao để có cơ hội chế biến dầu thô giá thấp trong giai đoạn hiện nay.
Ðồng thời, Công ty đang bám sát tình hình thị trường để có các quyết định sản xuất - kinh doanh phù hợp và kịp thời, thậm chí là dừng nhà máy một thời gian nếu tình hình thị trường diễn biến phức tạp, bất lợi, dẫn đến doanh thu không bù đủ biến phí.
Khả năng dừng nhà máy là có thể, nhưng rất khó xảy ra, vì theo tính toán, ngay cả tình huống BSR vận hành nhà máy không bù đủ biến phí thì khoản nộp ngân sách nhà nước vẫn lớn hơn nhiều khoản BSR chịu lỗ (trong khi nhà máy dừng thì khoản nộp ngân sách bằng 0).
BSR đang nỗ lực báo cáo Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ để có thể chia sẻ một phần khó khăn với các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, qua đó giúp BSR tiếp tục ổn định sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, BSR đã “đối mặt” với 2 lần giảm giá dầu, đó là cuối năm 2014 và cuối năm 2018.
Ở lần giảm giá dầu vào cuối năm 2018, BSR đã áp dụng đồng loạt các giải pháp như thúc đẩy bán hàng, giảm hàng tồn kho dầu thô và sản phẩm đến mức tối ưu, tăng cường kiểm soát định mức tiêu hao.
Ðặc biệt, áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ và tối ưu hóa sản xuất. Các giải pháp này cũng đang được thực hiện, nhất là việc triệt để tiết giảm chi phí.
Một thách thức khác đối với BSR là đảm bảo an toàn sức khoẻ cho cán bộ, công nhân viên trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, nhất là với đội ngũ kỹ sư, công nhân vận hành, bảo dưỡng Nhà máy Dung Quất, bởi công tác vận hành an toàn đối với các nhà máy lọc hóa dầu đòi hỏi mức cao nhất.
Nếu có bất kỳ sự cố nào thì tổn thất, thiệt hại con người, tài sản sẽ không thể tính hết, hậu quả vô cùng lớn.
Ðể đảm bảo nhà máy vận hành liên tục, ổn định và an toàn, BSR đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 để chỉ đạo sát sao công tác này.
Theo đó, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, BSR còn đưa ra những quy định riêng, cụ thể nhằm tăng cường việc ngăn ngừa khả năng lây nhiễm, trang bị các công cụ, dụng cụ hỗ trợ người lao động, đồng thời xây dựng các kịch bản xảy ra nguy cơ lây nhiễm để có giải pháp ứng phó kịp thời.
“Chúng tôi đang nỗ lực để có chung tiếng nói, cả Ban lãnh đạo Công ty và người lao động đều hiểu rất rõ, phải gồng mình, phải nỗ lực hơn gấp bội. Nói gì, làm gì để cả bộ máy không lo lắng, bi quan, nhưng cũng không được chủ quan, xem nhẹ tình hình”, ông Tiến trăn trở và mong rằng, ở những thời điểm thách thức như hiện nay, rất cần sự bình tĩnh và bản lĩnh vững vàng của mỗi người, của cả tập thể.
Là người chèo lái một doanh nghiệp đại chúng, ông Tiến hiểu rất rõ sự lo lắng của các nhà đầu tư, các cổ đông trong những thời điểm thị trường chao đảo như hiện nay.
Tại nhiều quốc gia có quy định về việc doanh nghiệp phải công bố các dự báo trong tương lai để cân nhắc phương án giải quyết khi môi trường kinh doanh thay đổi.
Thậm chí, Ủy ban Chứng khoán Mỹ còn quy định chi tiết khi nào các công ty phải công bố thông tin về những thay đổi trọng yếu làm ảnh hưởng đến lợi nhuận trong tương lai.
Ðề cập đến câu chuyện này, Tổng giám đốc BSR cho biết, Công ty và ông luôn cầu thị, mong được chia sẻ và sẵn sàng chia sẻ thực tế của doanh nghiệp.
Người BSR đang căng mình chống bão Covid-19 và cả bão giá dầu, nhưng luôn vững tin, khó khăn không thể đánh gục những con người luôn kiên cường bám trụ với nghề.
Họ đang chủ động hành động để hạn chế bớt các ảnh hưởng tiêu cực từ khó khăn kép gây ra, đồng thời tiếp tục bình tĩnh ứng phó với những diễn biến có thể phức tạp hơn trong thời gian tới.