Kho dự trữ đang giảm dần, có nguy cơ thúc đẩy cuộc khủng hoảng hàng hóa toàn cầu lan rộng

Kho dự trữ đang giảm dần, có nguy cơ thúc đẩy cuộc khủng hoảng hàng hóa toàn cầu lan rộng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự trữ một số mặt hàng quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu đang ở mức thấp trong lịch sử - do nhu cầu bùng nổ và thiếu hụt nguồn cung - có nguy cơ thúc đẩy áp lực lạm phát trên toàn thế giới.

Từ kim loại công nghiệp, năng lượng cho đến nông nghiệp, sự đổ xô đối với nguyên liệu thô và lương thực thực phẩm đã được phản ánh trên thị trường tương lai, trong đó một số lượng lớn hàng hóa đã chuyển sang trạng thái backwardation (bù hoãn bán) - một cấu trúc giá báo hiệu sự tăng giá.

Có nhiều vấn đề đặc biệt xung quanh giá kim loại, trong đó giá giao ngay của một số hợp đồng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đang giao dịch cao hơn giá tương lai do các nhà giao dịch trả phí cao hơn để đảm bảo nguồn cung ngay lập tức.

Nicholas Snowdon, nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết: “Đó là một chuỗi kịch bản chưa từng có”.

Tình trạng thiếu hụt diễn ra trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cao liên tục, được thúc đẩy bởi sự gián đoạn hậu cần và nhu cầu bị dồn nén khi các nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn ngừng hoạt động do đại dịch. Giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng với tốc độ hàng năm nhanh nhất trong 4 thập kỷ vào tháng trước và đạt 7,5%.

Dự trữ đồng tại các sàn giao dịch hàng hóa lớn chỉ ở mức hơn 400.000 tấn, thể hiện mức tiêu thụ toàn cầu chưa đầy một tuần. Dự trữ nhôm cũng ở mức thấp do các nhà máy luyện kim ở châu Âu và Trung Quốc buộc phải cắt giảm công suất vì áp lực tài chính lớn do chi phí năng lượng tăng cao.

Michael Widmer, nhà phân tích tại Bank of America cho biết: “Hàng tồn kho thấp, không chỉ trong các kho hàng trao đổi mà còn trong toàn bộ chuỗi cung ứng”. Giá nhôm đã đạt mức cao nhất trong 13 năm, đạt trên 3.200 USD/tấn vào tuần trước sau khi Goldman Sachs cho biết kho dự trữ có thể cạn kiệt vào năm 2023.

Chỉ số Bloomberg Comodity Spot Index

Chỉ số Bloomberg Comodity Spot Index

Việc cắt giảm sản lượng chỉ là một yếu tố đằng sau sự thiếu hụt nguồn cung, khiến chỉ số Bloomberg Commodity Spot tăng hơn 10% kể từ đầu năm và đạt mức cao kỷ lục trong tháng này. Theo dữ liệu từ Refinitiv, 9 trong số 23 hợp đồng tương lai thuộc các chỉ số hàng hóa của Bloomberg đang trong trạng thái backwardation (bù hoãn bán).

Ngoài ra, các nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung bao gồm thiếu đầu tư vào các mỏ và mỏ dầu mới, thời tiết xấu và những hạn chế trong chuỗi cung ứng do sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Hôm thứ Sáu (11/2), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng, giá dầu thô thể tăng cao hơn nữa khi tập đoàn sản xuất OPEC và các đồng minh của họ đấu tranh để phục hồi sản xuất sau đợt đại dịch tồi tệ nhất.

Tại châu Âu, giá khí đốt cũng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng đối với Ukraine và dòng chảy khí đốt từ Nga giảm. Theo công ty tư vấn hàng hóa ICIS, các cơ sở lưu trữ khí đốt chỉ lấp đầy 35% và thấp hơn mức trung bình theo mùa trên khắp châu Âu.

Thomas Rodgers, nhà phân tích khí đốt châu Âu tại ICIS cho biết: “Nguy cơ thiếu hụt vào cuối mùa đông là xa vời vào thời điểm này, nhưng thị trường sẽ vẫn cần đảm bảo nguồn cung đáng kể trong suốt mùa hè để ngăn chặn những lo ngại đó quay trở lại vào mùa đông năm sau”.

Trên thị trường nông sản, dự trữ cà phê arabica, loại hạt chất lượng cao hơn được những người hâm mộ cà phê espresso yêu thích đã giảm xuống mức thấp nhất trong 22 năm.

Sự gián đoạn nguồn cung và xuất khẩu thấp hơn từ các nhà sản xuất ở Trung Mỹ đã khiến dự trữ hạt arabica trên sàn giao dịch tương lai ICE xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ, do người mua cà phê vội vàng mua để đáp ứng nhu cầu.

Carlos Mera, nhà phân tích cấp cao của Rabobank cho biết, sự sụt giảm trong tồn kho cà phê tính đến năm 2022 là “đáng kinh ngạc”. Việc giảm thêm này có thể làm tăng đáng kể “khả năng giá cả tăng vọt không kiểm soát được”.

Giá arabica trên sàn giao dịch kỳ hạn ICE gần đây đã đạt mức cao nhất trong 10 năm là 2,59 USD/pound, tăng 13% kể từ đầu năm nay và cao hơn gấp đôi so với một năm trước.

Vấn đề thiếu hụt nguồn cung cũng đang xuất hiện ở các thị trường khác. Citigroup dự đoán nhu cầu đối với lithium, nguyên liệu sản xuất pin quan trọng sẽ vượt cung tới 6% trong năm nay do doanh số bán xe điện tăng cao.

Giá lithium cacbonat tăng hơn 400% vào năm 2021 lên trên 50.000 USD/tấn. Với lượng hàng tồn kho hạn chế, các nhà phân tích tại Citigroup tin rằng sẽ cần phải định giá “quá mức” để “tiêu diệt nhu cầu” và đưa thị trường về trạng thái cân bằng.

Tin bài liên quan