Khi quỹ đầu cơ “thọc gậy” vào “bánh xe” tái cơ cấu nợ công

Khi quỹ đầu cơ “thọc gậy” vào “bánh xe” tái cơ cấu nợ công

(ĐTCK) Không thỏa hiệp, đó là phương châm mà một vài quỹ đầu cơ đã thành công trong việc đòi được nguyên nợ từ một số chính phủ.

Trong quá khứ, pháo hạm thường được các thế lực lớn trên thế giới dùng để trừng phạt các nước nhỏ hơn nếu các nước này thất hứa trả nợ. Nhưng trong hầu hết khoảng thời gian của một thế kỷ qua, các quốc gia có nguy cơ vỡ nợ hầu như không bị một sự trừng phạt nào.

Chỉ đến khi Kenneth Dart, hậu duệ của một đế chế cướp biển, khởi phát một vụ kiện táo bạo chống lại Brazil và việc tái cơ cấu khoản nợ 40 tỷ USD của nước này vào năm 1994 thì điều đó mới bắt đầu thay đổi. Nhà đầu tư bí mật người Mỹ này đã kiếm được một gia tài nho nhỏ sau khi Brazil quyết định thanh toán khoản nợ đó. Thành công của ông đã góp phần sản sinh ra một loại hình đầu tư thường bị gọi một cách phỉ báng là “quỹ kền kền”.

Các nhà đầu tư dạng này gần đây đã giành được một vài chiến thắng ngoạn mục trước các nước từ Hy Lạp đến Argentina , làm dịch chuyển cán cân quyền lực giữa các quốc gia nợ và chủ nợ.

Người ta lo ngại rằng, hệ thống tái cơ cấu nợ công dù không hoàn hảo nhưng đang vận hành có thể sẽ bị đổ vỡ bởi hoạt động “cứng đầu” của các quỹ đầu cơ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang nghĩ cách sửa đổi quy trình tái cơ cấu và dự kiến cuối tuần này sẽ công bố các tài liệu và biên bản cuộc họp Ban điều hành về vấn đề trên.

IMF đã cố gắng - và thất bại - trong việc triển khai các cải cách trước đây. Chẳng hạn, trong bối cảnh vỡ nợ của Argentina hồi năm 2001, Quỹ đã đề xuất một cơ chế tái cơ cấu nợ công (SDRM), tựa ​​như một tòa án phá sản cho các nước. Nhưng sáng kiến ​​này đã bị dập tắt bởi Mỹ - nước đóng góp nhiều nhất cho IMF. Điều này chủ yếu do một thực tế là các nước đang được che đỡ bởi một vỏ bọc bất khả xâm phạm: sự miễn trách nhiệm quốc gia. Theo đó, rất khó để kiện một chính phủ nào đó và việc thi hành một kết luận của tòa án (nếu có) là hầu như không thể, khiến hầu hết chủ nợ miễn cưỡng đồng ý chịu mất mát.

“Bạn có thể khởi kiện các nước tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, nhưng rất khó để có được tiền”, Whitney Debevoise, một cộng sự của Công ty Luật Arnold & Porter và là cựu Giám đốc quốc gia Mỹ của Ngân hàng Thế giới, nhận xét. Thật vậy, các chủ nợ “bất thỏa hiệp” - điển hình, nhưng không luôn luôn, là các quỹ đầu cơ - không phải là một trở ngại cho việc tái cơ cấu thành công.

Tuy nhiên, năm vừa qua đã phát lộ một vài khe hở nhỏ nhưng quan trọng trong “bộ áo giáp chủ quyền” của các nước, khiến nhiều luật sư và quan chức ủng hộ việc xem xét lại toàn bộ hệ thống. Hy Lạp, năm ngoái, đã có thể áp đặt các khoản lỗ cắt cổ đối với những chủ nợ trong nước, nhưng các quỹ đầu cơ và các nhà đầu tư như ông Dart đã tích lũy được một lượng đủ lớn trái phiếu quốc tế của Hy Lạp để ngăn chặn việc cơ cấu lại. Athens đã miễn cưỡng chấp nhận việc hạ giá trái phiếu, và cho đến nay đã quyết định trả nợ họ đầy đủ.

Có lẽ, quan trọng nhất là, các quỹ đầu tư do Elliott Management quản lý gần đây đã đạt được một vài chiến thắng lớn trong cuộc chiến pháp lý lâu nay của họ chống lại Argentina . Elliott được điều hành bởi tỷ phú Mỹ Paul Singer, một luật sư lão luyện, người đã biến chiến lược bất thỏa hiệp của Dart thành một nghệ thuật.

Elliott đã lập luận thành công trong các tòa án New York rằng, một điều khoản trong các khoản nợ của Argentina có tên là pari passu (đối xử bình đẳng) có nghĩa là Buenos Aires không thể tiếp tục thanh toán cho các trái chủ đã được tái cấu trúc mà không trả cho Elliott và các đối tác còn lại. Điều này mở ra một loại vũ khí mạnh mẽ, có thể được sử dụng để chống lại các nước đang vỡ nợ.

Nhưng các chuyên gia lo ngại rằng, hiệu ứng tích tụ của nó và hình ảnh Hy Lạp phải thanh toán đầy đủ cho các quỹ đầu cơ có thể truyền cảm hứng cho các chủ nợ khác tiến hành các phi vụ lớn hơn trong tương lai, biến một sự phiền toái thành cái gì đó khó giải quyết hơn.

Tranh chấp về nợ công là rất hiếm, nhưng đang gia tăng. Một nghiên cứu gần đây của Đức cho thấy, trong số 108 vụ kiện nợ trong khoảng thời gian từ năm 1976 đến năm 2010, có tới hơn một nửa phát sinh từ năm 2000. Nghiên cứu cũng kết luận rằng, kiện cáo đang ngày càng được thực hiện bởi các quỹ đầu cơ. Đây cũng là những đối tượng thường khởi kiện trong một thời gian dài hơn và với số tiền lớn hơn.

Câu hỏi đặt ra là phải làm gì? “Trong G20, Liên hợp quốc và Ban điều hành IMF, tất cả mọi người đều nhận ra là phải làm điều gì đó, nhưng không thống nhất được đó là gì”, một quan chức cho biết.