Mồ hôi rơi trong mắt, nước mắt rơi trong tim
Tại nhà riêng Đại sứ Australia ở Việt Nam (66 - Lý Thường Kiệt, Hà Nội) trong Lễ ra mắt Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) thông qua Dự án Investing in Women (Đầu tư cho phụ nữ) - một sáng kiến của Chính phủ Australia - xuất hiện nhiều gương mặt quen thuộc. Trong đó, bà Hà Thu Thanh, CEO Công ty Deloitte Việt Nam, kiêm Chủ tịch VBCWE là người phụ nữ duy nhất diện bộ áo dài truyền thống gây ấn tượng đặc biệt với các vị quan khách.
“Khi có thêm nhiều phụ nữ tham gia vào thị trường lao động và có môi trường làm việc thuận lợi, khi phụ nữ có cơ hội bình đẳng được bổ nhiệm vào những công việc hàng đầu và khi khoảng cách về thu nhập giữa nam và nữ được thu hẹp, các nền kinh tế sẽ phát triển mạnh mẽ hơn”, lời Đại sứ Craig Chittick khiến ký ức “một thời vang bóng” của bà Thanh lại ùa về.
Trong 30 năm Việt Nam mở cửa đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ngành kiểm toán độc lập đã phát triển ở Việt Nam 27 năm, trong đó, bà Thanh có 20 năm giữ cương vị CEO của Deloitte Việt Nam.
Ngành kiểm toán độc lập đi cùng quá trình mở cửa của kinh tế Việt Nam, vì nó là công cụ của nền kinh tế thị trường, trợ giúp cho nhà đầu tư và kết nối tư tưởng kinh doanh thị trường nước ngoài sang Việt Nam.
Khó khăn của bà Thanh trong công việc từ bước khởi đầu cũng nằm trong những khó khăn chung của đất nước thời mở cửa, đó là pháp luật về đầu tư nước ngoài và kiểm toán độc lập chưa hoàn thiện. Ngoài rào cản ngôn ngữ, người Việt cũng chưa có kiến thức về kiểm toán độc lập.
“Có khoảng 20 người Việt Nam cùng lứa với tôi đã vô cùng khó khăn trong giai đoạn đầu đó. Chúng tôi gọi đó là lúc mồ hôi rơi trong mắt, nước mắt rơi trong tim”, bà Thanh bồi hồi nhớ lại. Khi đó, bà nghĩ đó là sự hy sinh, nhưng giờ nhìn lại, đó chính là sự lựa chọn dựa trên khát vọng được làm một nghề mới chưa từng có ở Việt Nam và làm mọi cách để cho nghề phát triển.
Năm 1995, bà Thanh là người Việt Nam đầu tiên đi Mỹ để học về kiểm toán độc lập mà chưa biết gì về tiếng Anh. Ba năm sau, bà trở về và trở thành người phụ nữ duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngồi vị trí CEO Deloitte tại Việt Nam trong bối cảnh mạng lưới kiểm toán trên toàn cầu chỉ có 2 người là phụ nữ.
Các đồng nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… luôn có ánh mắt dò xét mỗi khi bà xuất hiện ở các cuộc họp lãnh đạo cấp cao của Deloitte. “Họ tò mò không biết tôi có chồng, con chưa mà theo công việc vất vả, khô cứng này…”, bà Thanh kể. Thời đó, các nhân sự trở thành lãnh đạo của doanh nghiệp trong và ngoài nước đều có điểm chung là tự tôn dân tộc, ưu tiên phát triển nghề nghiệp, cởi mở và không ngừng học hỏi.
Cho đến bây giờ, dù kinh tế Việt Nam đã lọt vào top các nước mới nổi, trình độ đã dần thu hẹp so với các nước phát triển, nhưng vẫn còn khoảng cách. Để tồn tại lâu như vậy ở vị trí lãnh đạo cấp cao, bà Thanh cảm nhận được lực đỡ rất lớn từ chính sách phát triển trên toàn cầu của các tập đoàn lớn. “Unilever, Deloitte cho chúng tôi thêm cơ hội mà những công ty khác chưa đạt đến, họ tôn trọng và tin tưởng người Việt”, bà Thanh chia sẻ.
Cùng thời với bà Hà Thu Thanh, bà Nguyễn Thị Bích Vân, 46 tuổi, hiện là người Việt Nam duy nhất giữ vị trí Chủ tịch Công ty Unilever Việt Nam. Dù phải mất khoảng 20 năm phấn đấu, làm việc mới có thể ngồi vào “chiếc ghế nóng” đó, nhưng bà Vân đã có một khởi đầu may mắn, khi năm 2017, Unilever Việt Nam tăng trưởng kinh doanh tốt và nhận được nhiều giải thưởng từ Unilever toàn cầu và Chính phủ Việt Nam.
Tiếp quản Unilever khi thương hiệu này đã có dải sản phẩm rộng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nhanh của người dân Việt Nam, từ chăm sóc răng, tóc, đến các sản phẩm vệ sinh nhà cửa, ăn uống, trà, kem..., nhiệm vụ của bà Vân là không hề dễ dàng, khi bà phải đặt ra những tham vọng, những nấc thang mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Unilever.
Thế hệ nữ doanh nhân Việt chủ động nắm lấy tương lai
Những nữ doanh nhân Việt ở những độ tuổi khác nhau, đến từ những lĩnh vực khác nhau, có xuất thân và tính cách rất khác nhau, nhưng điểm chung của họ là vẻ đẹp đến từ sự mạnh mẽ, tự tin và trí tuệ.
Họ không chỉ có khả năng làm chủ cuộc đời mình, mà còn tạo ảnh hưởng tích cực tới những người xung quanh và cả xã hội. Đa số những phụ nữ thành công trong cuộc sống và công việc đều rất mạnh mẽ. Có lẽ, lúc này không cần phải bàn nhiều đến chuyện họ cần được trao quyền thế nào, mà hãy bàn tới việc họ kiến tạo tương lai như thế nào; cách họ làm việc, lãnh đạo, tổ chức; cách họ sống, yêu thương, đối xử với môi trường, với bản thân ra sao.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã nghiệm ra rằng, theo đuổi giấc mơ của mình để xây dựng doanh nghiệp là công việc khó khăn, đầy thử thách, nhưng sự nghiệp kinh doanh này thật xứng đáng để đi, đòi hỏi sự cống hiến, kỷ luật, quyết tâm và niềm đam mê.
Theo bà Tiên, nhiệm vụ của người lãnh đạo là truyền cảm hứng, thúc đẩy nhân viên tham gia vào sự liên kết chiến lược để đạt được các mục tiêu kinh doanh. Đồng thời, phải đủ linh hoạt để xoay trục, chuyển qua các chiến lược mới khi cần thiết, đảm bảo tính cạnh tranh và sự sống còn của doanh nghiệp.
Đặc biệt, để thúc đẩy và tạo ra thế hệ kinh doanh mới, cần khuyến khích những người trẻ đóng góp cho xã hội, cho họ cái cần câu, chứ không cho con cá. Đó là tiêu chí của IPPG trong việc hỗ trợ những người cần sự giúp đỡ theo hướng bền vững để họ tự xây dựng tương lai tốt đẹp hơn bằng chính đôi tay của mình.
“Làm kinh doanh và để doanh nghiệp phát triển bền vững cần nhiều yếu tố. Điều quan trọng là định hướng chiến lược phát triển đúng đắn. Kinh doanh bền vững là đầu tư dài hạn, có thể chiến lược này sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận trước mắt, nhưng sẽ cho phép chúng ta trở thành người dẫn đầu thị trường trong những năm tới”, bà Thủy Tiên chia sẻ.
Phụ nữ Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp rất cao.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Nữ doanh nhân Việt Nam
Facebook từng công bố một báo cáo rất thú vị, đó là, nếu hỏi 5 người phụ nữ tại Việt Nam, thì có tới 4 người có mong muốn khởi nghiệp. Nếu chỉ cần một nửa trong số đó có cơ hội khởi nghiệp thành công, thì Việt Nam sẽ tạo ra 1,1 triệu doanh nghiệp mới và 3,9 triệu việc làm đến năm 2021.
Mặc dù có những lực nỗ lực như vậy, nhưng nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn “đơn độc” trong khởi nghiệp. Không phải phụ nữ nào khởi nghiệp cũng nhận được sự ủng hộ của người thân trong gia đình, thậm chí, các đối tác cũng chưa dành nhiều tin tưởng cho những doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Tự tin không thể đến từ vẻ bề ngoài.
Crystal Lâm, Giám đốc điều hành Vinawood
Vinawood là công ty gia đình chuyên xuất khẩu mành gỗ với khoảng 700 nhân viên và hầu hết là nam giới.
Tôi trở về Việt Nam được hơn 10 năm và mới bắt đầu học tiếng Việt. May mắn là mọi người trong Công ty không ngại điều chỉnh, nếu tôi dùng từ ngữ không phù hợp.
Phải cảm thấy cuộc sống của mình may mắn thì mới có nhiều động lực. Với tôi, may mắn đó là người Việt Nam, được sống tại Việt Nam, quốc gia không có chiến tranh và sự tôn trọng với phụ nữ đang ngày càng tăng cao hơn.
Phụ nữ cần sự tự tin, ít nhất phải hiểu được những gì mình đang làm nhằm mục đích gì, hướng đến điều gì. Tôi thấy, những người phụ nữ ngày càng biết nhận ra đâu là điểm mạnh của bản thân và những điểm yếu nào cần sửa chữa. Tự tin không thể đến từ vẻ bề ngoài, mà chính từ những kiến thức của bản thân. Muốn có được điều đó, phải thường xuyên trau dồi, vun đắp. Tôi thường đọc sách - đó là nguồn kiến thức vô hạn.
Phụ nữ phải biết cách tân bản thân.
Hoàng Thị Mai Hương, CEO Saatchi & Saatchi Vietnam
Rất nhiều người phụ nữ Việt Nam thiếu tự tin, trong khi mỗi người đều có những điều đặc biệt của riêng mình.
Xuất phát từ sự thiếu tự tin đó, nhiều phụ nữ khởi nghiệp luôn kỳ vọng có cố vấn giỏi hơn mình, thành công hơn mình, đẹp hơn mình…
Tuy nhiên, nếu chính bản thân họ không có sự tự tin nhất định vào bản thân, thì dù có cố vấn cũng khó có thể phát triển hơn được.