Sự xuất hiện và tham gia của cổ đông lớn trong DN đại chúng là một yếu tố tích cực xét trên quan điểm chất lượng quản trị DN

Sự xuất hiện và tham gia của cổ đông lớn trong DN đại chúng là một yếu tố tích cực xét trên quan điểm chất lượng quản trị DN

Khi “nhân tố mới” bước chân vào doanh nghiệp

(ĐTCK) Đã có không ít phát biểu rằng, khi có sự “xâm nhập” của yếu tố bên ngoài, DN sẽ bị khủng hoảng, quyền lợi của cổ đông bị thiệt hại.

Nhưng thực tế cho thấy, nếu nhân tố mới tham gia DN với mục đích đầu tư nghiêm túc, thì đây chính là động lực quan trọng để thúc đẩy sự minh bạch, tăng hiệu quả kinh doanh cho DN.

Nhân tố mới của DN

Ngày 7/3, thông tin về cổ đông Đỗ Văn Bỉnh sở hữu trên 15% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) khiến thị trường xôn xao. Không hoàn toàn vì số tiền lớn mà NĐT cá nhân này chi ra cho việc sở hữu, mà còn bởi sự kỳ vọng vào tương lai của SJS sau khi có nhân tố mới này.

Giới phân tích cho rằng, bản thân những xung đột kéo dài trong đội ngũ ban lãnh đạo, điều hành SJS thời gian qua bắt nguồn từ quan điểm khác nhau liên quan đến lợi ích tại Dự án Nam An Khánh. Một cổ đông lớn sẽ là động lực quan trọng để dung hòa lợi ích các bên, từ đó thống nhất được đội ngũ lãnh đạo vốn đang có nhiều điểm bất đồng.

Để lượng hóa được lợi ích từ nhân tố mới đối với DN thì phải chờ sau cuộc họp ĐHCĐ, thậm chí là chờ cho đến khi Dự án Nam An Khánh cơ bản hoàn tất. Nhưng các NĐT nhỏ lẻ được hưởng lợi trước mắt, khi cổ phiếu SJS có được phiên tăng giá ấn tượng, dù thị trường chung giảm điểm mạnh.

Đối với CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC), ngày 19/3/2012 sẽ là ngày một khá đặc biệt. Đó là lần đầu tiên NSC tổ chức ĐHCĐ với sự xuất hiện của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trong vai trò cổ đông sở hữu 25% vốn điều lệ. Sự song hành của một bên là công ty hàng đầu sản xuất giống cho nông nghiệp, với một bên là tổ chức tài chính chuyên nghiệp được kỳ vọng sẽ khởi đầu cho một quá trình phát triển mới của NSC.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo NSC cho biết, việc SSI đầu tư lớn vào DN này như một mối cơ duyên khi cả 2 (NSC và SSI) cùng có điểm chung là tầm nhìn dài hạn và tâm huyết phát triển DN. 5 năm qua, NSC tăng trưởng lợi nhuận gần 8 lần, với tỷ lệ cổ tức (bằng tiền) duy trì ở mức khá cao. Chính hiệu quả kinh doanh ổn định và ngành nghề hoạt động cơ bản, nên NSC đã được SSI lựa chọn và quyết định song hành để phát triển Công ty, phát triển ngành giống và rộng hơn là phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.

 

Và câu chuyện đổi mới

Không chỉ tại NSC, nhiều DN niêm yết khác trong mùa ĐHCĐ năm nay cũng sẽ có thêm nhân tố mới, đó là sự xuất hiện và tham gia vào quá trình điều hành của cổ đông/nhóm cổ đông lớn. Báo chí gần đây đưa nhiều thông tin về các cuộc mua bán, sáp nhập (M&A) và đây đó có quan điểm rằng, M&A sẽ khiến DN bị mất quyền kiểm soát, cổ đông điêu đứng. Có DN đã phản ứng bằng cách không niêm yết hoặc hủy niêm yết để chống đỡ quá trình này.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của mình, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI cho rằng, sự xuất hiện và tham gia của cổ đông lớn/nhóm cổ đông lớn trong DN đại chúng là một yếu tố tích cực xét trên quan điểm chất lượng quản trị DN và quyền lợi của cổ đông đại chúng. Với việc có thêm nhân tố mới, những nhân tố cũ sẽ có thêm động lực đổi mới để hoàn thiện và thích nghi,  đồng thời tạo thêm những tiếng nói đối trọng để các quyết sách trong điều hành DN minh bạch hơn, hiệu quả hơn.

TTCK mang lại cho DN cơ hội huy động vốn từ công chúng, nhưng đổi lại, khi DN đã tham gia TTCK là phải chấp nhận sự xâm nhập của các nhân tố mới đến từ thị trường. Đôi khi sự xâm nhập này gây khó chịu cho Ban điều hành đương nhiệm, nhưng nếu các bên biết chọn lọc và hợp tác trên cơ sở đặt quyền lợi của công ty, của cổ đông đại chúng lên trên hết, thì sự xuất hiện của nhân tố mới sẽ mang theo những giá trị gia tăng mới.

Tất nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Với những DN đặc thù, sự thay đổi ban lãnh đạo sau khi xuất hiện nhân tố mới có thể dẫn tới những thiệt hại đáng kể. Đầu tư Chứng khoán cũng ghi nhận một số trường hợp, nhân tố mới tham gia chỉ với mục đích kiếm lợi ngắn hạn, trục lợi cá nhân…, gây ảnh hưởng đến những cổ đông còn lại. Nhưng khi cuộc chiến xảy ra giữa ban lãnh đạo cũ và nhân tố mới, đó không phải bởi quyền lợi của cổ đông nhỏ.