Ông Đỗ Quang Vinh, CEO T&T Hoa Kỳ chia sẻ góc nhìn từ thị trường Hoa Kỳ và những hỗ trợ của T&T Group cho doanh nghiệp xuất khẩu trên nền tảng Amazon

Ông Đỗ Quang Vinh, CEO T&T Hoa Kỳ chia sẻ góc nhìn từ thị trường Hoa Kỳ và những hỗ trợ của T&T Group cho doanh nghiệp xuất khẩu trên nền tảng Amazon

Khi ngân hàng đi bán hàng cùng doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Hình ảnh doanh nghiệp tự đến gõ cửa ngân hàng vay vốn, rồi tự xoay xở với đồng vốn vay, đã đi vào dĩ vãng…

Liên kết mới thời đại 4.0

Tại Hội thảo “Thương mại điện tử xuyên biên giới với Amazon - Cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt” diễn ra tuần trước, khi ông Đào Trần Nhân, nguyên Tham tán công sứ thương mại Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ giới thiệu những đầu mối liên lạc nhờ tìm hiểu về đối tác tại Mỹ, hàng trăm chiếc điện thoại giơ lên để chụp, lưu lại những silde có nội dung thông tin này.

Hình ảnh trên sẽ là rất bình thường tại các cuộc gặp gỡ trong giới nghệ thuật, nhưng lại khá bất ngờ tại một cuộc hội thảo thương mại thuần túy khi hàng trăm ánh đèn flash của điện thoại nhấp nháy. Thậm chí, đến khi trình bày xong phần trao đổi của mình, ông Nhân có chia sẻ thêm số điện thoại và địa chỉ thư điện tử cá nhân cùng với lời đề nghị sẵn sàng hỗ trợ nếu các doanh nghiệp cần tìm hiểu về thị trường Mỹ, điện thoại lại đồng loạt giơ lên để chụp lại thông tin quý báu này.

Một hình ảnh khác biệt nữa tại hội thảo khi đại diện các doanh nghiệp đến dự không phải là những khuôn mặt trung niên thành đạt với trang phục trang trọng, cầu kỳ, thơm phức mùi nước hoa đắt tiền, mà là những bạn trẻ rất đơn giản ở khía cạnh hình thức. Sự kiện đến 11h30 là kết thúc, không nghỉ giữa giờ, nhưng khán phòng vẫn đông người, trật tự, chịu khó lắng nghe, ghi chép…

Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, trung gian thương mại điện tử và ngân hàng trong thời đại công nghệ 4.0 được mở rộng từ “bốn nhà” lên “sáu nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng (ngân hàng) và nhà báo

E là sẽ làm mất thời gian quý báu khi đến dự sự kiện nên đợi rất lâu phóng viên mới dám bắt chuyện Đinh Thị Thủy, một cô gái trẻ ngồi cạnh, hiện phụ trách Phòng kinh doanh Công ty Xuất nhập khẩu Anh Thái.

Câu chuyện luôn bị ngắt quãng bởi những vấn đề “nóng” đối với thương mại điện tử được các diễn giả đề cập liên tục, nhưng Thủy cũng tranh thủ cho biết, công ty cô sản xuất matcha xuất khẩu, hiện hoạt động xuất khẩu sang thị trường quốc tế chững lại do không có đơn hàng, thị trường nội địa cũng hạn chế về sức tiêu thụ nên sản xuất của doanh nghiệp khá cầm chừng. Trước đây, công ty vay vốn tại VPBank, nhưng thời gian qua đã ngừng vay.

“Chúng tôi đang chuyển hướng qua thương mại điện tử nhưng gặp khá nhiều khó khăn như thiếu thông tin, thiếu kinh nghiệm…, cho nên tôi đến hội thảo để tìm lời giải cho hoạt động doanh nghiệp mình thời gian tới”, Thủy nói.

Một liên kết mới trong thời đại công nghệ 4.0 là mô hình giữa doanh nghiệp, trung gian thương mại điện tử và ngân hàng đang đòi hỏi sự gắn bó chặt chẽ hơn. Thực tế, mô hình tương tự đã ra đời vào năm 2013, khi Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Liên đoàn Lao động, Ngân hàng Nhà nước và Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam ban hành văn bản liên tịch phối hợp xây dựng liên kết “bốn nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Và tới đây sẽ là một quy mô rộng hơn với “sáu nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng (ngân hàng) và nhà báo.

Ngân hàng và bài toán “khó phải tự gỡ”

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết: “Đã qua rồi thời nhân viên ngân hàng ở nhà và doanh nghiệp tự đến gõ cửa ngân hàng vay vốn, rồi doanh nghiệp tự xoay xở với đồng vốn vay. Hình ảnh nhân viên tín dụng hiện nay là hàng ngày gặp gỡ doanh nghiệp để tìm hiểu, tháo gỡ những vướng mắc từ đầu vào nguyên liệu đến đầu ra sản phẩm không còn là chuyện lạ” và chia sẻ thêm, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp với phương châm “giúp người là giúp mình”, song thực tế ở đây là vừa đi gỡ khó, vừa giải bài toán “khó phải tự gỡ”.

Trong một chuyến công tác kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ với phóng viên: “Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngành ngân hàng tăng cường triển khai chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp không chỉ trong tiếp cận vốn, mà còn kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau”.

Số liệu cũng cho thấy ngành ngân hàng đã sát sao trong việc tổ chức các hội nghị, các buổi gặp gỡ, đối thoại để kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Cụ thể, trong năm 2016 là 733 cuộc; năm 2017 là 1.070 cuộc và năm 2018 là 1.500 cuộc.

Riêng trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức 6 hội nghị lớn quy mô lớn về công tác tín dụng tại 3 thành phố lớn và 3 khu vực kinh tế trọng điểm, cùng với 350 cuộc gặp gỡ, đối thoại trên cả nước do chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tổ chức. Trong những tháng đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều hội nghị tại 15 tỉnh, thành phố nhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trở lại câu chuyện với Đinh Thị Thủy, cô đã không lãng phí một buổi sáng đến hội thảo khi ông Đỗ Quang Vinh, Tổng giám đốc (CEO) T&T Hoa Kỳ (chi nhánh của T&T Group tại Hoa Kỳ) đã khẳng định, T&T Hoa Kỳ sẽ trở thành “cánh tay nối dài” của doanh nghiệp Việt tại thị trường Mỹ.

“Từ 1/1/2021 đến 31/3/2021, T&T Hoa Kỳ sẽ cung cấp gói tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp để giải quyết sự cố khi lưu kho theo hình thức FBA. Công ty cũng sẽ miễn phí tư vấn nghiên cứu thị trường trong năm đầu tiên, hỗ trợ miễn phí kết nối với các cơ quan chính phủ và phi chính phủ, nhà cung cấp, luật sư quốc tế, vận chuyển, môi giới hải quan và giảm 50% phí tư vấn thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Mỹ trong năm 2021”, ông Vinh nói.

Từ phía ngân hàng, ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp SHB cho biết, Ngân hàng cam kết hỗ trợ gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn để bán hàng trên Amazon. Cũng trong gói tín dụng này, doanh nghiệp được tận hưởng các sản phầm, dịch vụ ưu đãi do SHB thiết kế đặc biệt dành cho doanh nghiệp. SHB cũng hợp tác với đối tác thanh toán Payoneer để hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên Amazon thực hiện các giao dịch thanh toán.

Ngoài ra, T&T Hoa Kỳ và SHB còn cam kết sẽ phối hợp cùng với Amazon và Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) để đào tạo miễn phí cho tối thiểu 1.000 doanh nghiệp về các kỹ năng bán hàng trên Amazon và kỹ năng marketing số.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội chia sẻ, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và tiếp tục tác động tiêu cực lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

“Trong sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và được xem là lĩnh vực sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam, là công cụ không thể thiếu đối với doanh nghiệp để mở rộng kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa… Đây là xu hướng tất yếu, sẽ từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và phương thức kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi mong rằng, trong thời gian tới, các bên sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau để giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa…”, bà Lan nói.

Tin bài liên quan