Nhiều tài sản được xem là có độ an toàn cao, hiện đã tăng giá quá mức.

Nhiều tài sản được xem là có độ an toàn cao, hiện đã tăng giá quá mức.

Khi các “vịnh tránh bão” trở nên nguy hiểm

Năm nay, tâm lý ngại rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu đã đẩy nhu cầu đối với các tài sản được xem là có độ an toàn cao như vàng, trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng Franc Thụy Sỹ tăng giá mạnh. Tuy nhiên, hãng tin Reuters nhận định rằng, những tài sản này đã tăng giá cao đến mức khó có thể còn được xem là “vịnh tránh bão” nữa.

Nhiều nhà đầu tư và phân tích đã chỉ ra khả năng cả ba tài sản trên có thể rơi vào một đợt bán tháo trên diện rộng một khi tình hình kinh tế toàn cầu khởi sắc trong những tháng tới. Thậm chí, hoạt động bán tháo cũng có thể diễn ra khi mà giá các tài sản này đều đã quá cao trong bối cảnh không xảy ra một thảm họa tài chính nào như lo ngại trước đó.

 

“Tài sản an toàn là thứ sẽ an toàn trong mọi môi trường kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư nên đảm bảo chắc chắn rằng dự báo của anh ta là đúng”, Giám đốc đầu tư William De Vijlder của BNP Paribas Investment Partners phát biểu.

 

Nhưng đến lúc này đã có những tín hiệu cho thấy nhu cầu đối với các “vịnh tránh bão” đang giảm, ít nhất là trên thị trường vàng và đồng Franc Thụy Sỹ.

 

Tuy nhiên, do cả ba tài sản được cho là an toàn nói trên đều có những đặc điểm riêng biệt, nên ba tài sản này chịu ảnh hưởng không giống nhau từ nhu cầu gia tăng trở lại của thị trường đối với những tài sản có độ rủi ro cao. Chẳng hạn, vàng có thể chống chọi tốt hơn đối với tâm lý ham thích rủi ro quay lại, vì nhu cầu đối với vàng không chỉ dựa vào sự e dè của thị trường đối với những tài sản rủi ro.

 

Mặc dù vậy, không có một tài sản nào là “an toàn” trong mọi trường hợp, và sự tăng giá mạnh mẽ của vàng, trái phiếu kho bạc Mỹ cùng đồng Franc Thụy Sỹ năm nay có thể mang tới nguy cơ cho những ai nắm giữ các tài sản này.

 

Trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm gần đây được giao dịch với mức lợi suất dưới 2%, thấp nhất trong vài thập kỷ. Từ đầu năm, đồng Franc Thụy Sỹ đã tăng giá lần lượt 15,3% và 8,5% lên mức kỷ lục so với đồng USD và Euro, buộc Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) phải can thiệp để ngăn chặn sự leo thang tỷ giá.

 

Nhưng vàng mới là tài sản có mức tăng giá gây sốc nhất. Từ đầu năm, mức tăng giá của vàng đã lên tới 33%. Cách đây ít lâu, giá vàng đã vượt 1.900 USD/oz. Giá kim loại này đang bước sang năm tăng thứ 11 liên tục, với tổng mức tăng đã lên tới hơn 600%.

 

Tuy vậy, từ tuần trước tới nay, vàng đã bị bán tháo mạnh, làm gia tăng những cảnh báo rằng đợt tăng giá đang diễn ra của tài sản này đang rơi vào trạng thái “hụt hơi”.

 

“Không khó để nhận thấy là vàng có thể điều chỉnh giảm mạnh”, ông Ashok Shah, Giám đốc đầu tư của London & Capital, phát biểu. Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng, sự điều chỉnh giảm hiện nay của giá vàng không hẳn sẽ xói mòn xu hướng tăng giá trong dài hạn của kim loại này.

 

Trong số ba tài sản được hưởng lợi từ sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, môi trường lãi suất thấp, và cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu nói trên, vàng được cho là tài sản có khả năng thương tổn thấp nhất trong trường hợp xảy ra sự đảo chiều của giá.

 

Điểm khác biệt của vàng là tài sản này không đem đến lợi suất hay cổ tức, và có thể tăng giảm giá nhanh chóng chị dựa trên nỗi lo sợ của nhà đầu tư. Tuy nhiên, những động lực phía sự tăng giá của vàng là rất đa dạng và vàng có thể giữ giá tốt hơn những tài sản khác khi các điều kiện kinh tế thay đổi.

 

Nhu cầu vàng của thế giới đã dược thúc đẩy bởi hoạt động gom mua của các ngân hàng trung ương. Đây là một phần trong chiến lược đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của các quốc gia.

 

Đáng kể hơn là hoạt động mua vàng tích trữ của tầng lớp người dân mới giàu lên ở các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) ước tính, từ quý 2/2010 đến quý 2/2011, nhu cầu vàng của người tiêu dùng Trung Quốc đã tăng khoảng 25%.

 

Đặc biệt, vàng cũng không chịu tác động của thứ mà chuyên gia De Vijlder của BNP Paribas gọi là “vòng lặp phản hồi” (“feedback loop”) – phản ứng xảy ra khi sự tăng giá mạnh mẽ trên một thị trường nào đó bắt đầu có ảnh hưởng tới kinh tế và buộc các chính phủ phải điều chỉnh chính sách.

 

Đồng Franc Thụy Sỹ không thể có được ưu thế này. Chẳng hạn, đà tăng giá của đồng tiền này mới đây đã bị chặn lại khi SNB can thiệp vào thị trường tiền tệ, bằng cách hạ lãi suất cơ bản về gần 0% và bơm tiền ra thị trường. Đây mới chỉ là một vài trong những việc mà

 

Chính phủ Thụy Sỹ có thể làm để chặn sự gia tăng tỷ giá, đồng nghĩa với việc giới đầu tư sẽ phải rất chật vật để bảo vệ thành quả cho danh mục đầu tư. Điều này cho thấy, cái danh “vịnh tránh bão” dành cho đồng Franc Thụy Sỹ là không hoàn toàn đúng trong mọi điều kiện.

 

Ông Charlie Morris, một chuyên gia của HSBC Global Asset Management, cho rằng, các nhà đầu tư đã đưa đồng Franc Thụy Sỹ lên một địa vị mà đồng tiền này thực chất không có. “Người ta đã dễ dàng quên mất rằng đồng Franc Thụy Sỹ là một đồng tiền khá nhỏ và có độ thanh khoản toàn cầu không cao”, ông Morris nói.

 

Trong khi đó, trái phiếu kho bạc Mỹ giờ chỉ có thể đem đến cho giới đầu tư khoản lợi nhuận nhỉnh hơn chút ít so với việc cất tiền trong két. Cũng giống như vàng, tài sản này được hỗ trợ bởi những yếu tố bên ngoài thị trường như hoạt động mua vào của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Trung Quốc. Những dòng vốn này có thể có sự thay đổi nếu kinh tế Mỹ khởi sắc hoặc Bắc Kinh đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.

 

Nhưng mức lợi suất 0,2% dành cho các trái phiếu ngắn hạn và 2% cho các trái phiếu dài hạn vẫn là những mức lợi nhuận chẳng đáng là bao. Nên chỉ cần lạm phát tăng mạnh một chút hay kinh tế khởi sắc phần nào là giới đầu tư có thể bán tháo trái phiếu do Washington phát hành.

 

“Trái phiếu kho bạc Mỹ chẳng có nhiều hiệu quả trong ngắn hạn, thậm chí còn nguy hiểm trong dài hạn. Nếu môi trường kinh tế là giảm phát, thì mức lợi suất là rất nhỏ bé. Còn nếu lạm phát gia tăng, thì giới đầu tư trái phiếu có khi chẳng còn áo mà mặc”, ông Morris phát biểu.