Sự thay đổi chính sách khấu hao ước tính giúp PVD tiết kiệm được khoảng 20 triệu USD (tương ứng hơn 440 tỷ đồng) trong năm nay

Sự thay đổi chính sách khấu hao ước tính giúp PVD tiết kiệm được khoảng 20 triệu USD (tương ứng hơn 440 tỷ đồng) trong năm nay

Khấu hao: “Người hùng” hay “tội đồ” của doanh nghiệp?

(ĐTCK) Sự thay đổi chính sách khấu hao ước tính giúp PVD tiết kiệm được hơn 440 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận 9 tháng đầu năm chỉ đạt 86 tỷ đồng, nếu không có sự thay đổi chính sách kịp thời này, gần như chắc chắn PVD đã rơi vào tình trạng thua lỗ hằng trăm tỷ đồng.

Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Dầu khí (PVD) đã tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí và thoát lỗ ngoạn mục trong năm 2016 đầy khó khăn chỉ nhờ một sự thay đổi trong phương pháp tính khấu hao. Trong trường hợp này, khấu hao trở thành “người hùng” của doanh nghiệp, nhưng cũng có nhiều trường hợp, công cụ này trở thành “kẻ tội đồ”.

Đây chính là lý do những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán luôn chú ý đến ảnh hưởng của việc hạch toán chi phí khấu hao. Đặc biệt với những doanh nghiệp có đầu tư tài sản, máy móc thiết bị quy mô lớn mới đi vào hoạt động, chi phí đầu tư và khấu hao lớn trong khi lợi nhuận chưa đạt điểm hòa vốn dễ khiến lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm.

Khấu hao và những thay đổi cứu cánh cho doanh nghiệp

“Khấu hao” là sự phân bổ giá trị hao mòn của một tài sản đã hình thành trước đó của doanh nghiệp trong kỳ kế toán. Tuy không trực tiếp chi ra bằng tiền mặt, nhưng do hạch toán vào chi phí nên sẽ tác động làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Đặc biệt là trong những ngành sản xuất, công nghiệp cần đầu tư lớn về nhà xưởng, máy móc.

Tại thuyết minh số 8, mục IV - các chính sách kế toán áp dụng trong báo cáo tài chính của năm 2016, PVD đã thay đổi từ phương pháp đường thẳng sang khấu hao theo số giờ hoạt động đối với khoản mục tài sản giàn khoan. Theo báo cáo hợp nhất quý III/2016, lũy kế 9 tháng, khấu hao đạt 26,3 triệu USD, giảm 20 triệu USD (tương ứng 43%) so với cùng kỳ năm 2015 (46,3 triệu USD).

Như vậy, sự thay đổi chính sách khấu hao ước tính giúp PVD tiết kiệm được khoảng 20 triệu USD (tương ứng hơn 440 tỷ đồng). Với mức lợi nhuận 9 tháng đầu năm chỉ đạt 86 tỷ đồng, nếu không có sự thay đổi chính sách kịp thời này, gần như chắc chắn PVD đã rơi vào tình trạng thua lỗ hằng trăm tỷ đồng.

Trước PVD, thị trường cũng ghi nhận những trường hợp doanh nghiệp thay đổi phương pháp khấu hao đem lại lợi nhuận đột biến.

Ngày 19/12/2014, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) công bố nghị quyết HĐQT, trong đó có nội dung kéo dài thời gian trích khấu hao tài sản Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2 áp dụng từ 1/1/2014. Nguyên nhân do PPC đạt được hợp đồng giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dài hạn 18 năm cho nhà máy này. Do đó, để đảm bảo tính phù hợp của doanh thu và chi phí, hạn chế biến động về lợi nhuận trong quãng đời của dự án, PPC quyết định kéo dài thời gian khấu hao ra 20 năm và thời gian khấu hao còn lại của nhà máy là 12 năm thay vì 2 năm. Trước đó, ở khung 10 năm, chi phí khấu hao mỗi năm của PPC lên tới 700 tỷ đồng.

Theo báo cáo của SSI Research, việc giãn khấu hao đã khiến lợi nhuận sau thuế của PPC tăng thêm 451 tỷ đồng cho năm 2014 và 462 tỷ đồng cho năm 2015 sau khi được áp dụng.

Từ ngày 1/7/2014, Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) đã thay đổi thời gian khấu hao tài sản cố định từ 10 năm lên tới 14 năm đối với máy móc thiết bị hình thành từ việc đầu tư xây dựng Nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2.

Việc thay đổi từ tháng 7/2014 đã giúp NT2 giảm được 145,8 tỷ đồng chi phí khấu hao trong năm 2014, kéo theo biên lợi nhuận gộp tăng trưởng mạnh. Trong năm 2015, chính sách khấu hao mới giúp NT2 tiết kiệm thêm 147 tỷ đồng chi phí nữa, trước khi ổn định trong năm 2016.

Tại Việt Nam, các phương pháp trích khấu hao tài sản được quy định tại điều 13, Thông tư 45/2013/TT-BTC và được hướng dẫn chi tiết tại phụ lục 2 của thông tư này. Theo đó, doanh nghiệp sẽ lựa chọn phương pháp khấu hao sao cho phù hợp với tình hình sử dụng của từng loại tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ tự quyết định phương pháp – thời gian trích khấu hao và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi thực hiện. Thông thường, chính sách khấu hao được đăng ký và duy trì trong suốt thời gian “sống” của tài sản. Trong trường hợp thay đổi phương pháp phân bổ, doanh nghiệp phải giải thích rõ sự thay đổi về cách sử dụng tài sản và thông báo đến cơ quan thuế, mỗi tài sản chỉ được thay đổi phương pháp trích khấu hao 1 lần trong quá trình sử dụng. 

Gánh nặng khấu hao từ các tài sản mới

Tháng 7/2015, Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) đưa nhà máy Vĩnh Long vào hoạt động sau thời gian dài đầu tư. Theo cập nhật của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) và đại diện của TCM, đến cuối quý I/2016, nhà máy mới vận hành được 60% công suất và dự kiến gánh lỗ khoảng 2 triệu USD (hơn 40 tỷ đồng) trong năm 2016. Con số này tương đối lớn so với mức lợi nhuận đạt được trong năm 2015 là 153 tỷ đồng.

Tính đến hết quý III/2016, chi phí khấu hao của TCM đã tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2015. Điều này góp phần đẩy lợi nhuận 9 tháng của TCM giảm tới hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Một điều khá trùng hợp là từ khi nhà máy Vĩnh Long đi vào hoạt động (tháng 7/2015) đến nay, giá cổ phiếu TCM đã giảm hơn 60%.

Cuối quý III/2013, Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) đưa nhà máy sản xuất lốp Radian giai đoạn 1 vào hoạt động với tổng chi phí đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng.

Từ đây, các khoản lãi vay không còn được vốn hoá liên quan đến dự án Radial đã tạo áp lực lớn lên kết quả kinh doanh của DRC. Năm 2014, lãi vay tăng gần 2,15 lần, khấu hao tăng 1,6 lần so với năm 2013. Mặc dù trong năm 2014, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm nhưng lợi nhuận của Công ty vẫn sụt giảm sau 4 năm tăng trưởng liên tục.

Tính đến hết năm 2015, công suất của giai đoạn 1 mới đạt 59% và chưa đến điểm hòa vốn (công suất cần đạt khoảng 80%). Đến hết quý II/2016, sản lượng tiêu thụ lốp Radian của DRC mới hoàn thành 38,2% kế hoạch năm. Như vậy, sau 3 năm đi vào hoạt động, nhà máy mới chưa đóng góp được nhiều vào kết quả kinh của doanh nghiệp.

Trên thị trường, còn không ít những câu chuyện tương tự khi chi phí khấu hao cho nhà máy mới đè nặng lên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (VSC) với cảng Vip Green hay Công ty cổ phần Cao su Miền Nam với nhà máy Radian mới...

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực triển khai đầu tư các dự án nhà máy, dây chuyền mới như Công ty cổ phần Đạm Phú Mỹ với dự án NH3-NPK, Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng với dự án di dời nhà máy về Hà Nam, hay như DRC hiện đang đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy Radian… Trong trường hợp này, các doanh nghiệp đều sẽ phải chịu gánh nặng khấu hao từ tài sản mới.

Đầu tư mới luôn là xu hướng chung và là yêu cầu bức thiết để doanh nghiệp tăng trưởng và tiếp tục phát triển, đặc biệt trong bối cảnh các điều kiện kinh doanh hiện tại đã bão hòa hay cạnh tranh khốc liệt. Nếu sản phẩm được thị trường chấp nhận, dự án đầu tư hiệu quả, mức doanh thu và lợi nhuận đem lại sẽ bù đắp các chi phí tăng thêm và mang đến tăng trưởng cho doanh nghiệp, tiêu biểu như trường hợp của Công ty cổ phần CMC (CVT).

Nhờ thị trường thuận lợi, khi đưa các nhà máy, dây chuyền mới vào hoạt động, dù chi phí tăng nhưng không những lợi nhuận của CVT không sụt giảm mà còn tăng trưởng mạnh trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đôi khi doanh nghiệp phải chấp nhận “lùi một bước để tiến hai bước”, khi sản phẩm mới cần thời gian để thị trường chấp nhận hay phải đi trước đón đầu với tầm nhìn dài hạn như TCM, VSC, DRC,… và chịu một thời gian khó khăn. Do vậy, để đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tiềm năng tăng trưởng, cần nhiều thông tin hơn những con số đơn thuần về tăng giảm trong doanh thu, lợi nhuận và chi phí.

Trong trường hợp thay đổi cách hạch toán trong khấu hao đem lại lợi nhuận đột biến hoặc giúp doanh nghiệp thoát khỏi thua lỗ, con số lợi nhuận sẽ không còn phản ánh thực sự chính xác những gì doanh nghiệp tạo ra trong kỳ mà đơn giản chỉ làm báo cáo tài chính đẹp hơn.

Đây cũng là một yếu tố mà nhà đầu tư cần thận trọng khi phân tích những doanh nghiệp có lợi nhuận đột biến từ thay đổi phương pháp kế toán hoặc đánh giá chính xác hơn tiềm năng của doanh nghiệp trong tương lai.          

Tin bài liên quan