Khát vọng Việt Nam thịnh vượng: Hành trình tìm kiếm giá trị của từng người dân, doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Tưởng như Covid-19 có thể đã làm gián đoạn hành trình thực hiện khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, nhưng mong muốn về một Việt Nam lớn mạnh, phát triển bền vững lại mãnh liệt hơn bao giờ.
Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đang cơ cấu lại hoạt động, hướng tới các ngành công nghệ, hướng ra thị trường toàn cầu. Trong ảnh: Chuyến hàng xuất khẩu xe bus Thaco sang Thái Lan

Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đang cơ cấu lại hoạt động, hướng tới các ngành công nghệ, hướng ra thị trường toàn cầu. Trong ảnh: Chuyến hàng xuất khẩu xe bus Thaco sang Thái Lan

1. Buổi sáng cuối tuần, tại nơi từng là Dinh thự Bảo Đại (quận Ba Đình, Hà Nôi) vừa tròn 110 tuổi, khoảng 30 doanh nhân trẻ của Hội Doanh nghiệp Hà Nội có buổi cà phê sáng. Phần lớn trong số này là các doanh nhân thế hệ 7x, 8x và cả 9x, đang làm chủ, điều hành những doanh nghiệp rất trẻ, có tuổi đời khoảng 10-15 năm.

Lần này, họ ngồi với nhau để bàn về câu chuyện phát triển bền vững. Những câu hỏi phát triển doanh nghiệp thế nào để mang lại giá trị cho người lao động, đóng góp được cho sự phát triển của xã hội, của đất nước được đặt ra một cách nghiêm túc và có trách nhiệm.

Có thể đây là một chủ đề không hợp thời, khi doanh nghiệp của nhiều người trong số này vẫn đang chao đảo vì Covid-19.

Chỉ sau một năm, không ít kế hoạch vài ngàn tỷ đồng được bàn đến, nhưng giờ đã không còn xuất hiện trên các cuộc họp bàn của doanh nghiệp nữa. Thậm chí, một nữ doanh nhân khá tên tuổi, đang nắm giữ chuỗi thời trang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh vài năm qua còn thổ lộ về cuộc gặp đầu năm với 10 nhà cung cấp thân thiết tại nhà riêng, thay cho cuộc gặp hoành tráng ở khách sạn 5 sao, với hàng trăm đối tác như thông lệ trước đó.

“Covid-19 có thể làm gián đoạn hành trình của nhiều doanh nghiệp, nhưng cho chúng ta bài học lớn rằng, nếu muốn tồn tại, muốn vượt qua những cơn bão, các cuộc khủng hoảng…, cách duy nhất là phát triển bền vững”, ông Nguyễn Khoa Bảo, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển công nghệ (FSI) chia sẻ quan điểm.

Mục tiêu phát triển bền vững ở đây được xác định gồm từ việc lựa chọn ngành nghề, mô hình kinh doanh, văn hóa kinh doanh. Thậm chí, như ông Bảo chia sẻ, tư duy thấy cơ hội, thấy lời lãi là lao vào hay phải cạnh tranh bằng mọi giá đã thay đổi.

Thực tế, không phải dễ dàng làm được những điều này, nhất là khi doanh nghiệp của ông Bảo và nhiều doanh nhân trẻ đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên, nhu cầu phát triển nhanh, tích tụ vốn nhanh rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam đang được định vị là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư khu vực và toàn cầu.

Bản thân FSI đang được xếp trong Top 10 doanh nghiệp chuyển đổi số của châu Á, lại hoạt động trong ngành được hưởng lợi tự nhiên từ Covid-19, hoàn toàn có thể giành giật thời điểm để lớn nhanh. Nhưng ông Bảo và nhóm cộng sự vẫn chọn cách nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn bị sức mạnh nội lực.

“Điều này không có nghĩa chúng tôi giảm nhiệt cạnh tranh, mà muốn cạnh tranh được ở những sân chơi rộng hơn, lớn hơn, phải có sự chuẩn bị nền tảng. Chúng tôi đã nói với nhau về sự phụng sự xã hội, phụng sự đất nước…”, ông Bảo tâm sự.

2. Cùng thời điểm với Buổi cà phê của các doanh nhân trẻ, đầu tháng 4/2021, thông tin về tỷ phú người Việt trong danh sách của Forbes 2021 được truyền thông làm đậm. Là đầu tiên Việt Nam được ghi nhận 6 tỷ phú USD.

So với năm ngoái, tỷ phú Vượng vẫn đứng đầu, nhưng khối tài sản đã tăng lên từ 5,6 tỷ USD lên 7,3 tỷ USD. Nhưng điều người Việt đang quan tâm hơn cả lại là thông tin VinFast của ông Vượng đang tính tới IPO hay hình thức sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC) tại Mỹ, sau khi đã được cấp chứng chỉ thử nghiệm xe điện tự lái tại California...

Covid-19 có thể làm gián đoạn hành trình của nhiều doanh nghiệp, nhưng cho chúng ta bài học lớn rằng, nếu muốn tồn tại, muốn vượt qua những cơn bão, các cuộc khủng hoảng…, cách duy nhất là phát triển bền vững.

“Đây là những thông tin vô cùng tuyệt vời!”, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam hào hứng.

Không phải lần đầu ông Thiên bị thu hút bởi sự chuyển dịch về chiến lược hoạt động của những tên tuổi lớn của khu vực kinh tế tư nhân. Khi TH Truemilk của nữ doanh nhân Thái Hương trỗi dậy, ông Thiên đã gọi bà là doanh nhân khác thường, bởi đã chọn nông nghiệp – lĩnh vực khó nhằn nhất để khởi nghiệp, cho dù có trong tay nhiều bất động sản, có thể làm nhiều ngành, lĩnh vực ra tiền nhanh hơn. Và bà Hương đã không dừng lại ở đó. TH Truemilk đã xây dựng nhà máy Australia, ở Nga…

Các bước đi thành tỷ phú USD của nữ tỷ phú đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của Việt Nam là Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air hay ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng là những câu chuyện truyền cảm hứng mà ông Thiên hay kể.

“Nhiều năm trước, khi đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển, chúng tôi còn nhận được những băn khoăn rằng, doanh nghiệp Việt quá nhỏ, quá yếu, có thể tiếp cận được những công nghệ cao nhất, hiện đại nhất hay không, có thể bứt phá không. Bây giờ, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt Nam đã trả lời câu hỏi đó một cách đầy thuyết phục. Có thể có nhiều lý do, nhưng tôi tin là những con người này có động lực từ tầm nhìn, khát vọng của một doanh nghiệp người Việt”, ông Thiên nói.

Thậm chí, trong bối cảnh Covid-19, ông Thiên còn nhìn thấy nền tảng cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai từ những bước chuyển của các tập đoàn kinh tế tư nhân, khi họ chọn hướng nhiều tới công nghệ cao, công nghệ nguồn và hướng ra thị trường toàn cầu.

Theo ông Thiên, thời đại này đang ủng hộ các nỗ lực tạo nội lực, thực lực cho tương lai. Vì Covid-19 đã cho thấy những lạc hậu của cấu trúc phát triển cũ. Nhiều cách thức, mô hình sản xuất kinh doanh truyền thống đã thay đổi thậm chí đã bị loại bỏ. Đây có thể là lý do chính mà nhóm quyền lực big tech đã bứt phá rất nhanh trong khi các hoạt động kinh doanh truyền thống sụt giảm.

“Tôi muốn nhìn vào sự bật dậy của Trung Quốc trong quý I/2021, với mức tăng trưởng 18,3% để chứng minh xu hướng này. Đây là mức tăng cao nhất trong một quý mà Trung Quốc đạt được từ năm 1992. Nhưng phải nhấn mạnh rằng, đây là giai đoạn Trung Quốc xác định phải có những đột phá trong nghiên cứu, phát triển công nghệ cốt lõi nhờ vào khả năng tự lực cánh sinh trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chính là các doanh nghiệp nội địa của họ. Sau đại dịch, tôi tin là nền kinh tế Trung Quốc sẽ chuyển sang đẳng cấp cao hơn”, ông Thiên nói.

Đây cũng là lý do ông Thiên vô cùng hào hứng khi thấy các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt chọn những mô hình của tương lai để bước vào, để sang một đẳng cấp mới.

3.

Khi bàn về kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025, và định hướng phát triển đến năm 2045, PGS-TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó ban Kinh tế Trung ương đã nói: “Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, khác về chất, mang tính chất bền vững hơn, bao trùm hơn, mục tiêu chúng ta đặt ra cũng khát vọng hơn”.

Ông Sơn đã nhắc đến những mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định. Đó là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Tầm nhìn xa hơn, đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Riêng giai đoạn 2021-2025, các chỉ tiêu phát triển kinh tế được xác định là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD. Đóng góp của TFP vào tăng trưởng khoảng 45%.

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%. Kinh tế số đạt khoảng 20% GDP...

Vì vậy, để đạt được sự khác về chất, sự cao hơn về mục tiêu đó, ông Sơn một lần nữa nhắc đến yêu cầu phát triển dựa vào hiệu quả các nguồn lực và quan trọng hơn là những thể chế để thực thi.

Thực tế, đây không phải là yêu cầu mới, nhưng lại phải đặt trong bối cảnh mới, mà ông Sơn gọi là dựa nhiều vào đổi mới, sáng tạo, tận dụng được các thành quả của khoa công – công nghệ, của cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số…

Cụ thể, ông Sơn đề cập đến các chính sách thúc đẩy các khu vực kinh tế, gồm cả trong nước, nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước, với mục tiêu là các khu vực đều phải tốt, hiệu quả, để từ đó có sự tương tác, kết nối với nhau theo nghĩa cộng sinh, cùng phát triển chứ không phải là ký sinh. Đó là các cơ chế thúc đẩy các cực tăng trưởng tạo nên sức bật, cơ chế cải cách, đổi mới giáo dục, đào tạo, cách tiếp cận vấn đề với chuyển đổi số… để nâng cao năng lực tham gia của người dân với kinh tế số, chuyển đổi số.

Khi nghe ông Sơn nói, ông Đàm Quang Hùng, Tổng giám đốc Thingo Group đã đặt nhiều kỳ vọng, vì các doanh nghiệp đang tìm cách thay đổi, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất truyền thống cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, cả doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các tập đoàn kinh tế lớn.

“Nhà nước đã có định hướng, những chính sách ban đầu, nhưng chúng tôi cần cơ chế, hàng lang pháp lý hoàn thiện, để hiểu và nắm được sẽ phải đi như thế nào. Khi cơ chế hậu thuẫn cho sự thay đổi, sáng tạo thì tôi tin là cả nền kinh tế và từng doanh nghiệp sẽ cùng thực hiện khát vọng với nội lực mạnh mẽ và hợp thời đại”, ông Hùng nói.

Có nghĩa là, những góc nhìn thể chế cần sẵn sàng cho xu hướng phát triển mới, cách chơi mới, mô hình kinh doanh mới của của nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp. Đây là phần việc của Nhà nước.

Tin bài liên quan