Doanh nghiệp trong nước có đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước
Đáng chú ý là tỷ trọng đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân luôn được duy trì ở mức cao, với 43%, nhưng khối doanh nghiệp nhà nước giảm nhẹ từ 29% năm 2010 xuống còn 26% năm 2018 (Hình 1).
Điều đó có thể được lý giải, do kết quả của quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ nên đóng góp của nhiều doanh nghiệp trước đây được ghi nhận theo khối doanh nghiệp nhà nước, nhưng sau giai đoạn cổ phần hóa có thể được ghi nhận sang khối doanh nghiệp tư nhân.
Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp nhà nước giảm từ 12.000 doanh nghiệp năm 1990 xuống còn 500 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ở 11 bộ, ngành, lĩnh vực của nền kinh tế vào cuối năm 2018.
Thách thức và cơ hội
Bên cạnh những thành công và đóng góp đáng ghi nhận, khối doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân đều hoạt động kém hiệu quả nếu so với mức trung bình và đặc biệt khi so sánh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mặc dù khối FDI đang gặp khá nhiều rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và tập quán kinh doanh.
Cụ thể, năm 2011, với 32,7% khối lượng vốn, khối doanh nghiệp nhà nước đóng góp được 43,3% lợi nhuận nhưng đến năm 2016, lượng vốn giảm xuống còn 28,4% thì phần lợi nhuận thu được chỉ đạt 27,7%.
Đáng nói hơn, năm 2011, khối doanh nghiệp tư nhân chiếm 51,3% khối lượng vốn và chỉ tạo ra 25,2% khối lượng lợi nhuận. Năm 2016, khối lượng vốn được tăng lên 53,5% nhưng chỉ tạo ra được 26,4% tổng lợi nhuận của tất cả các loại hình doanh nghiệp (Hình 2).
Trong khi đó, chỉ với 16% lượng vốn vào năm 2011, khối doanh nghiệp FDI tạo ra 31% tổng lợi nhuận, và đến năm 2016, khối này chỉ nâng lượng vốn lên 18,1% nhưng họ đã tạo ra gần 46% lợi nhuận của toàn bộ loại hình doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam (Hình 2).
Giới truyền thông thường nói nhiều đến những doanh nghiệp nhà nước thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng như Vinashin, Vinalines... nhưng dường như quên mất một lực lượng quan trọng là khối tư nhân, có đóng góp lớn cho GDP, cũng đang hoạt động kém hiệu quả nếu nhìn từ số liệu tài chính của Tổng cục Thống kê. Thực chất có đúng như vậy?
Hay còn một lý do nào khác vì khối này lẽ ra phải là khối hiệu quả hơn khối doanh nghiệp nhà nước?
Liệu có phải chúng ta đang thua ngay trên sân nhà? Với các nguồn lực như trụ sở, nhà xưởng, cùng các cơ chế ưu đãi, cơ sở khách hàng, kinh nghiệm hoạt động, am hiểu thị trường và thị hiếu người Việt của khối doanh nghiệp nhà nước cũng như sức trẻ, sự năng động và nhạy bén của khối tư nhân mà chúng ta dường như đang không chiếm được ưu thế ngay trên sân nhà.
Nhiều nhà nghiên cứu, các bộ ngành đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp. Tác giả chỉ xin nhấn mạnh và đề xuất 7 nhóm giải pháp dưới đây, với hy vọng góp thêm tiếng nói cùng các cơ quan xây dựng chính sách cũng như cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
Đẩy mạnh cổ phần hóa
Trước hết, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn một cách thực chất ra khỏi những lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần phải nắm giữ.
Mặc dù nhiều trường hợp thành công của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước như trường hợp Tập đoàn Viettel có thể làm ta nảy sinh suy nghĩ việc cổ phần hóa không phải là giải pháp duy nhất giúp các doanh nghiệp hiệu quả.
Điều đó có thể đúng, vì ngoài cơ cấu sở hữu, công tác quản trị và điều hành là một mấu chốt quan trọng giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, lý thuyết đã chứng minh, đây là giải pháp đúng đắn, cần thiết và cần được đẩy mạnh.
Vì cổ phần hóa không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch và giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn dài hạn trên thị trường vốn, mà quan trọng hơn quá trình này còn giúp Chính phủ giải phóng nhiều nguồn lực để tập trung vào vai trò quản lý nhà nước.
Áp dụng quản trị hiện đại
Phải áp dụng quản trị doanh nghiệp hiện đại theo nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp nhà nước phải xác định mục tiêu kinh doanh hiệu quả, trong đó, hiệu quả tài chính phải đặt lên hàng đầu.
Để thực sự đạt được hiệu quả cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, cần để cho các doanh nghiệp này hoạt động sản xuất - kinh doanh theo cơ chế thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cần giao cho họ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm với hiệu quả hoạt động của chính mình, tức là ứng xử công bằng với mọi loại hình doanh nghiệp.
Thu hút nhân tài, đặc biệt người đứng đầu
Công tác nhân sự, thu hút nhân tài, đặc biệt là người đứng đầu có lẽ là giải pháp giải quyết các yếu kém nhanh nhất không chỉ với các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, mà có thể áp dụng với bất kỳ doanh nghiệp nào.
Bởi lẽ, một người đứng đầu giỏi thì chính người này sẽ giảm thiểu các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém hiệu quả của doanh nghiệp.
Nhưng để thu hút được nhân tài, đặc biệt là người đứng đầu giỏi, Chính phủ cần thí điểm các cơ chế mạnh mẽ.
Ví dụ, thay vì cơ chế bổ nhiệm thì áp dụng cơ chế thi tuyển, ứng tuyển tự do, cho phép tuyển dụng người ngoài ngành, thậm chí quốc tịch nước ngoài như trường hợp tuyển Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang Seo.
Trao quyền
Cần phải gắn quyền lợi của đội ngũ chủ chốt với hiệu quả hoạt động, thưởng xứng đáng với lợi nhuận họ mang lại và phạt thích đáng với tình trạng hoạt động yếu kém, thua lỗ của doanh nghiệp.
Hơn nữa, người giỏi không chưa đủ, cần trao quyền điều hành doanh nghiệp cho họ với các quyền điều hành cần thiết như lựa chọn, bổ nhiệm và sa thải nhân sự dưới quyền, quyền quyết định chi tiêu và quản lý tài chính trong thẩm quyền của họ cũng như quyền điều hành hoạt động doanh nghiệp hàng ngày…
Tạo sân chơi bình đẳng
Để kích thích khối doanh nghiệp tư nhân phát triển, Chính phủ cần tiếp tục tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần tạo động lực và nâng cao tinh thần doanh nhân Việt.
Giám sát chặt việc tăng vốn
Riêng đối với khối doanh nghiệp tư nhân, tác giả cho rằng, các chỉ số tài chính, đặc biệt khi so sánh tỷ lệ vốn góp và lợi nhuận có thể phản ánh chưa chân thực hiệu quả hoạt động thực sự của khối doanh nghiệp này do việc giám quá trình tăng vốn còn thiếu chặt chẽ và doanh nghiệp có thể tận dụng.
Ví dụ như quá trình tăng vốn của doanh nghiệp trước khi niêm yết thì báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương. Kết quả phát hành chủ yếu theo cơ chế tự báo cáo, tự chịu trách nhiệm và quá trình cấp phép niêm yết của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ yếu dựa trên thẩm tra hồ sơ, giấy tờ.
Quá trình tăng vốn của doanh nghiệp chưa có sự phối hợp, giám sát liên thông chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng nên có thể dẫn đến việc tăng vốn chưa phản ánh đúng thực chất.
Nghiên cứu báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp, chúng ta có thể thấy quá trình tăng vốn diễn ra rất nhanh với khối lượng lớn trước khi doanh nghiệp xin niêm yết.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra giám sát quá trình tăng vốn, đặc biệt hoạt động phát hành thêm của khối doanh nghiệp tư nhân cả trước và sau khi niêm yết.
Tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động thuế
Nếu như chúng ta có niềm tin rằng hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân hiệu quả và cần phải đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để đa dạng cơ cấu sở hữu, tăng quyền tự chủ, đổi mới quản trị giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, thì có lẽ một giải pháp khác, đặc biệt với khối doanh nghiệp tư nhân, là cần phải tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp nhiều nghi vấn.
Cùng với công tác giám sát quá trình tăng vốn, thanh kiểm tra hoạt động thuế ít nhất có thể góp phần tạo nên bức tranh chân thực về hiệu quả hoạt động của từng khối doanh nghiệp trước khi thực hiện các giải pháp khác.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tổ chức mà người viết đang công tác