Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu như vậy tại Diễn đàn Doanh nghiệp cuối kỳ 2019.
Đồng thời khẳng định, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Chưa bao giờ vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, phát triển xanh... được làm nóng như thời gian gần đây.
Bên cạnh các thông điệp chỉ đạo của Chính phủ, của lãnh đạo bộ, ngành, điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam quan tâm, xây dựng nền tảng cần thiết để phát triển bền vững, với khát vọng đủ sức đi xuyên qua những thách thức, biến động của kinh tế toàn cầu.
Trên trường quốc tế, không ít học giả, nhà chuyên môn đã nhận định rằng, năm 2020, kinh tế toàn cầu bước sang một giai đoạn biến động nhanh chóng, không còn dễ dự báo với nhiều biến số mới xuất hiện.
Bên cạnh biến động địa chính trị, sự phát triển của khoa học công nghệ khiến con người trở nên thông minh hơn, hành động nhanh hơn và đây được ví như “cỗ máy ly tâm khổng lồ” sẽ quay vòng, phân loại nền kinh tế thế giới.
Cùng với đó, biến động nhân khẩu học và sự bùng nổ của đô thị hóa cũng đang tạo nên những sự chuyển dịch xã hội và mở ra những cơ hội cho nhiều ngành công nghiệp.
Trong guồng chuyển động đó, làm thế nào để doanh nghiệp đứng vững và tiếp tục đi lên?
Trăn trở đó cũng là chủ đề chung được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ trong số báo đặc biệt của Ðầu tư Chứng khoán mừng Xuân Canh Tý với chủ đề “Chuyện của người tiên phong”.
Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân mang trong mình một khát vọng phát triển, một sứ mệnh với cuộc sống và vì thế có cách chọn lựa con đường, giải pháp khác nhau.
Tuy nhiên, xuyên suốt trong tầm nhìn và giải pháp của các doanh nghiệp, doanh nhân được chia sẻ trong số báo đặc biệt này là mong muốn xây dựng nên những doanh nghiệp, những thương hiệu đủ sức chinh phục người Việt Nam và vươn tầm ra thế giới.
Trong khát vọng phát triển, việc mở rộng tìm kiếm các nguồn lực từ bên ngoài, nhất là đối tác ngoại đã và đang là cách nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn.
Nhưng ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài cũng ngày càng đặt ra những yêu cầu cao hơn khi quyết định rót vốn đầu tư, trong đó yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ các quy chuẩn phát triển bền vững.
Khi bên có vốn và cần vốn cùng gặp nhau ở một quan điểm, một khát vọng phát triển bền vững, chắc chắn “hạt mầm” cho tương lai bền vững sẽ nở hoa.
Năm 2020 là một năm đặc biệt của đất nước. Ðây là năm bản lề, năm thực hiện quyết liệt các mục tiêu của Chiến lược 2011 - 2020 và Kế hoạch 2016 - 2020, để từ đó tạo nền tảng phát triển bền vững cho thập kỷ sau.
Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Ðiều này khẳng định vị trí, vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế, mở ra cơ hội rộng lớn hơn cho doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế.
Ðất nước đang đón một mùa Xuân mới với quyết tâm sáng tạo hơn, năng động hơn để hoàn thành các mục tiêu phát triển trong thập niên mới.
Khát vọng đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng nhiều hơn lan tỏa trong khát vọng phát triển của các doanh nghiệp, doanh nhân, thêm nguồn sức mạnh cho những con người tiên phong tiếp tục dấn bước dẫn dắt sự phát triển, trở thành cội nguồn sức mạnh cho quốc gia hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng.
Cùng chào đón Xuân Canh Tý với niềm tin và khát vọng vững tiến!