Bốn doanh nhân Việt Nam sở hữu khối tài sản trị giá lần lượt là 4,3 tỷ USD; 3,1 tỷ USD; 1,8 tỷ USD và 1,3 tỷ USD, đang mang trên mình sứ mệnh lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, với khát vọng vươn tầm.
THACO: Chờ đợi ngày lên sàn
Trong thư gửi cán bộ, nhân viên THACO, Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương chia sẻ, năm 2018, là năm đầu tiên hội nhập ASEAN hoàn toàn với thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN đã về mốc 0%. Công nghiệp ô tô trong nước phải cạnh tranh rất khốc liệt và không cân xứng với các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia - những nước đã có nền kinh tế đi trước, cao hơn Việt Nam nhiều lần với thị trường ô tô rất lớn và ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh, ổn định lâu đời trong hơn 70 năm qua.
Tại THACO, ông Trần Bá Dương xác định, năm 2018 là năm khởi đầu của một chiến lược phát triển mới. Mục tiêu THACO đặt ra là trở thành “Tập đoàn công nghiệp đa ngành của Việt Nam mang tầm khu vực ASEAN, trong đó sản xuất, kinh doanh ô tô là chủ lực”.
Sứ mệnh trong hành trình xây dựng THACO nằm gọn trong quan điểm: “Mang lại giá trị cho khách hàng, xã hội thông qua sản phẩm và dịch vụ của mình đồng thời có đóng góp thiết thực cho đất nước”.
Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh ô tô, THACO vừa thông báo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước việc bổ sung 4 ngành nghề mới và bỏ một điểm trong Điều lệ (Mức cổ tức đối với cổ phần từng loại), nhằm mở rộng kinh doanh và chia sẻ lợi ích như nhau đến các nhà đầu tư sở hữu cổ phần của doanh nghiệp này.
Ông Dương là doanh nhân duy nhất trong 4 doanh nhân được ghi nhận tỷ phú USD năm 2017 chưa đưa doanh nhân lên sàn chứng khoán. Với vốn điều lệ 16.580 tỷ đồng (ông Trần Bá Dương sở hữu 28,1 triệu cổ phiếu), THACO là một trong những doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn chưa niêm yết, nhưng thực thi khá tốt nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định của Luật Chứng khoán. Doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính, báo cáo quản trị định kỳ cùng các thông tin quan trọng khác theo quy định trên TTCK Việt Nam.
Năm 2013, THACO đã lưu ký cổ phiếu của Công ty tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán với mã THA, nhưng chưa chọn đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Trên thị trường tự do, cổ phiếu này hầu như không có giao dịch.
Với nền tảng kinh doanh tốt, văn hóa doanh nghiệp hướng theo triết lý “Hùng mạnh mà yêu thương, kinh doanh mà nhân ái”, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng THACO sẽ sớm lên sàn niêm yết, để có cơ hội góp vốn cùng ông chủ tỷ USD thực thi khát vọng vươn tầm.
Những tỷ phú gắn doanh nghiệp với TTCK
Ngoài ông Trần Bá Dương, 3 doanh nhân được vinh danh tỷ phú USD đều là những cái tên quen thuộc với sàn chứng khoán. Vingroup do ông Phạm Nhật Vượng sáng lập và dẫn dắt niêm yết cổ phiếu vào năm 2007 với số vốn 800 tỷ đồng.
Sau hơn 10 năm cổ phiếu VIC hiện diện trên sàn, Vingroup đã thực hiện 12 đợt tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu/trái phiếu chuyển đổi huy động vốn mới, trả cổ tức bằng cổ phiếu…, nâng vốn điều lệ hiên nay lên 26.377 tỷ đồng. Với vốn điều lệ lớn và thị giá cổ phiếu cao, vốn hóa thị trường của Vingroup dao động quanh mức 250.000-280.000 tỷ đồng trong vài tháng gần đây.
Đây là một trong những yếu tố chính giúp khối tài sản là cổ phiếu VIC của doanh nhân Phạm Nhật Vượng có giá trị tăng mạnh. Hiện ông Vượng sở hữu 27,5% vốn điều lệ tại Tập đoàn Vingroup, đó là chưa kể những người trong gia đình ông cũng sở hữu lớn cổ phiếu này.
Ông Vượng ghi danh tỷ phú USD của Việt Nam đầu tiên vào năm 2016 và năm nay, tên ông được nhắc đến trong danh sách tỷ phú thế giới ở vị trí Top 500 người giàu nhất hành tinh.
Với 16 năm hoạt động và đạt tới tầm vóc doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, nhưng ông Phạm Nhật Vượng lại chọn thông điệp “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” trong tâm thư gửi cổ đông đầu năm 2017.
Ông xác định, Vingroup phấn đấu trở thành doanh nghiệp kiến tạo, là một nhân tố tạo động lực và truyền cảm hứng cho xã hội về tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm.
Chủ tịch Vingroup nhận được nhiều sự ngưỡng mộ, không chỉ với nhà đầu tư, các cổ đông, mà với cả giới doanh nhân trên TTCK khi ông chia sẻ thông điệp trên cùng việc xác định sứ mệnh của Tập đoàn là “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt”.
Ông rất ít khi xuất hiện trước công chúng, nhưng dấu ấn tăng trưởng và cống hiến của Tập đoàn đã góp phần quan trọng giúp cổ phiếu VIC tăng mạnh trên TTCK.
Trong 1 năm trở lại đây, cổ phiếu VIC tăng trên 100%, từ mức 45.000 đồng/cổ phiếu lên gần 100.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm Forbes xếp ông Vượng vào Top 500 tỷ phú giàu nhất hành tinh.
Người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam vào danh sách tỷ phú USD, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, hiện sở hữu 8,76% vốn tại Công ty cổ phần Hàng không Vietjet. Doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán vào ngày 28/2/2017, sau 1 năm, cổ phiếu đã tăng gần 100% so với giá khởi điểm.
Giá cổ phiếu tăng khiến vốn hóa thị trường của Vietjet tăng gấp đôi và giá trị cổ phiếu VJC mà bà Thảo sở hữu cũng tăng tương ứng. Ngoài sở hữu lớn tại Vietjet, bà Thảo còn sở hữu lớn tại một số doanh nghiệp, trong đó đáng kể là Ngân hàng TMCP HDBank. Ngân hàng này mới lên sàn niêm yết vào tháng 1/2018. Ở mức định giá trên 40.000 đồng/cổ phiếu, khối tài sản mà bà Thảo sở hữu đã tăng mạnh theo giá HDBank.
Chưa kể các tài sản khác mà bà Thảo đứng tên sở hữu, nếu cổ phiếu Vietjet và HDBank tiếp tục vững giá trên sàn chứng khoán thì cơ hội để bà Thảo ghi danh tỷ phú USD trong các năm tới là rất lớn.
Với doanh nhân Trần Đình Long, triết lý lãnh đạo Hòa Phát của ông gói gọn trong một giá trị: “Cam kết trách nhiệm đảm bảo sinh lời cho từng đồng vốn của cổ đông".
Thực tế, Tập đoàn Hòa Phát chi trả mức cổ tức cao, đều đặn từ khi niêm yết trên HOSE, năm cao nhất lên tới 60%, còn năm thấp nhất cũng lên tới 20%. Để có thể chia được cổ tức cho cổ đông là một bài toán khó, chia cao lại khó hơn rất nhiều, nhưng HPG đã làm được và làm được đều đặn cho thấy những nỗ lực vượt bậc của người đứng đầu cũng như cả Tập đoàn trong việc tạo ra giá trị mới hàng năm.
Báo cáo phân tích của một số công ty chứng khoán cũng như tâm tư của nhiều nhà đầu tư cho rằng, giá cổ phiếu HPG trên sàn niêm yết chưa phản ánh đúng giá trị thực và tiềm năng phát triển trong tương lai. Ở mức giá quanh 60.000 đồng/cổ phiếu, chỉ số P/E (giá trên thu nhập mỗi cổ phần) của HPG mới chỉ 11 lần, thấp hơn rất nhiều so với định giá chung trên sàn chứng khoán Việt Nam (P/E khoảng 19 - 20 lần).
Có lẽ vì cổ phiếu HPG chưa được định giá “bằng chị bằng em” (VIC hiện được định giá ở mức PE 61 lần, VJC có PE ở mức 21 lần), nên ông Trần Đình Long đứng ở vị trí cuối trong danh sách bốn tỷ phú Việt Nam xếp theo giá trị tài sản sở hữu.
Ông Long hiện sở hữu 25,1% vốn tại HPG và nếu HPG cải thiện tình trạng giá cổ phiếu đang được xác định thấp hơn mặt bằng định giá chung trên TTCK thì khối tài sản của riêng Chủ tịch Tập đoàn có thể tăng thêm 1 tỷ USD.
Dù ở vị trí nào, việc Việt Nam có nhiều doanh nhân hơn lọt vào danh sách tỷ phú USD đang tạo nên những nét vẽ đẹp trong bức tranh kinh doanh tại Việt Nam, góp phần mang đến thế giới một thông điệp về sức bật của nền kinh tế. Và nét đẹp đáng ghi nhận khác là ở tâm thái kinh doanh minh bạch và nỗ lực cống hiến, khi các doanh nhân đặc biệt này gắn DN với TTCK, để vừa thực thi khát vọng kinh doanh, vừa sẵn sàng chịu sự giám sát của toàn xã hội.