Lãi suất DN huy động vốn bằng trái phiếu cao nhất hiện lên đến 23%/năm.

Lãi suất DN huy động vốn bằng trái phiếu cao nhất hiện lên đến 23%/năm.

Khát vốn, doanh nghiệp đua phát hành trái phiếu lãi suất cao

(ĐTCK-online) Nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang công bố thông tin về phương án huy động trái phiếu với mức lãi suất trên dưới 20%/năm, trong khi DN thậm chí đang trong tình trạng kinh doanh thua lỗ.

DN đua phát hành trái phiếu lãi suất cao

Đầu tháng 9/2011, CTCP Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico- mã SJS) đã phát hành 700 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu kỳ hạn 3 năm với mức lãi suất ban đầu là 22%/năm, 6 tháng điều chỉnh một lần bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của Techcombank cộng biên 6%/năm. Ở mức lãi suất tiền gửi hiện 14%/năm, SJS sẽ phải trả mức lãi suất trái phiếu khoảng 20%/năm, chưa kể các loại phí.

Tuy nhiên, mức lãi suất 22%/năm chưa phải là con số lãi suất trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cao nhất mà ĐTCK ghi nhận được. Theo thông tin từ CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbanksc) cho biết, ngày 12/10/2011, Vietinbanksc đã tư vấn phát hành thành công 730 tỷ đồng TPDN cho CTCP Cơ điện Minh Quang. Trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, lãi suất điều chỉnh 3 tháng một lần, trong đó lần đầu tiên là 23%/năm.

Cuối tháng 9, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) công bố thông tin phát hành thành công 50 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu kỳ hạn 2 năm, với mức lãi suất cố định 21,5%/năm. Mục đích của việc huy động trái phiếu là đầu tư dự án Căn hộ cao cấp Spring Life, KDH được quyền mua lại trái phiếu trước đáo hạn 6 tháng.

Ngoài những DN đã phát hành nói trên, nhiều DN niêm yết khác cũng đang công bố kế hoạch phát hành trái phiếu với mức lãi suất cao. Cuối tháng 9/2011, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agriseco - mã AGR) cũng đã thông qua kế hoạch phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất năm đầu cố định (chưa công bố cụ thể), các năm sau thả nổi bằng lãi suất bình quân tiền gửi cá nhân kỳ hạn 1 năm của 4 ngân hàng (Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank) công biên tối đa 5%. Với tình hình lãi suất hiện tại, mức lãi suất phát hành trái phiếu của Agriseco sẽ ở mức xấp xỉ 19%/năm. Một CTCK khác là CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cũng đã công bố phương án phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu, trong đó đợt 1 phát hành dự kiến 250 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 18%/năm, 6 tháng điều chỉnh 1 lần, cộng thêm 2% phí tư vấn và bảo lãnh phát hành.

 

Lấy ngắn nuôi dài

Thống kê của ĐTCK từ các DN niêm yết cho thấy, mức lãi suất mà các DN chịu đựng tốt nhất chỉ ở mức khoảng 14%/năm. Đa số những DN đã có kế hoạch phát hành lãi suất cao như trên có hiệu quả sinh lời trên đồng vốn thấp hơn mức lãi suất huy động trái phiếu, thậm chí là âm, như trường hợp của SHS. Câu hỏi đặt ra là, tại sao DN lại chấp nhận vay với lãi suất cao như vậy?

Đối với các CTCK như SHS, AGR, câu trả lời có thể nằm ở dịch vụ mới được cấp phép triển khai, đó là giao dịch ký quỹ (margin). Với mức lãi suất cho vay khách hàng bình quân khoảng 21%/năm, việc huy động vốn cung cấp cho khách hàng sử dụng dịch vụ margin, kỳ vọng của các CTCK có thể không chỉ ở việc hưởng chênh lệch lãi suất huy động - cho vay, mà cả ở mục tiêu tăng trưởng thị phần môi giới.

Đối với các DN bất động sản, việc phải huy động trái phiếu lãi suất trên 20%/năm lúc này không phải là điều khó lý giải. Với thực tế khó khăn huy động vốn vay ngân hàng và cả mức lãi suất cho vay bất động sản đa phần không dưới 22%/năm, thì huy động trái phiếu với mức lãi suất dưới… 22% xem ra vẫn là phương án tốt hơn.

Đối với nhiều DN sản xuất, phát hành TPDN trong 2 năm gần đây là một xu hướng, dù lãi suất cao. Theo lý giải, ở một số DN, nếu so sánh phương án phải ngừng sản xuất dẫn đến lỗ toàn bộ chi phí cố định do không có vốn, so với việc phải huy động vốn với lãi suất cao để bù đắp một phần chi phí cố định thì chấp nhận lãi suất 20%/năm vẫn là một giải pháp. Chấp nhận huy động vốn cao để lấy ngắn nuôi dài có lẽ là điều mà nhiều chủ DN đang buộc phải chấp nhận.

 

Câu hỏi ngỏ

Hiện đã có sự đồng thuận của các NHTM trong việc giảm lãi suất huy động về mức tối đa 14%/năm. Thông thường, mức lãi suất cộng biên khoảng 3-4%/năm được cho là đủ để một NHTM có thể kiếm lời. Vậy tại sao ngoại trừ một vài nhóm DN cụ thể, đa phần DN vẫn phải vay vốn với mức lãi suất tới khoảng trên 21%/năm?

Phát biểu tại hội thảo "Giải pháp tài chính cho DN Việt Nam thời khủng hoảng" do Hội Doanh nhân trẻ kết hợp với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tổ chức ngày 14/10, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nêu ra 2 vấn đề đáng chú ý là quản trị thanh khoản DN và mâu thuẫn trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay của DN.

Vấn đề thanh khoản, nếu không cẩn trọng, DN sẽ phải đối diện với nguy cơ phá sản. Chính sách tiền tệ hiện tại đang khiến DN trở nên khó khăn, khi NHNN đang phối hợp sử dụng đồng thời cả công cụ nới lỏng tiền tệ (là giảm lãi suất huy động, bơm tiền cải thiện thanh khoản cho các NHTM thiếu thanh khoản) và công cụ thắt chặt tiền tệ (tỷ lệ tăng trưởng tín dụng và tăng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu). Ông Thành cho rằng, đây là một trong những điểm khiến Việt Nam sẽ khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu bình ổn thời gian tới.

Nhiều NHTM đã quảng bá, cung cấp các sản phẩm nhằm gia tăng công cụ huy động tài chính cho DN, nhưng trên thực tế, DN vẫn chủ yếu đang loay hoay với 3 kênh huy động là trái phiếu DN, tín dụng ngân hàng và huy động vốn chủ. Với chính sách thắt chặt tiền tệ, liệu lúc nào đó, DN của Việt Nam có rơi vào cái guồng quay "vỡ tín dụng đen" hàng loạt như đã bắt đầu xảy ra?