Lợi nhuận tăng trưởng tốt - Tăng thu từ dịch vụ
Trong vòng 3 năm gần nhất, mức lợi nhuận của ngân hàng tăng trưởng bình quân gần gấp đôi giữa các năm. Đặc biệt, trong năm 2018 – năm đầu tiên cổ phiếu TPB lên sàn, TPBank báo lãi trước thuế 2.258 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục mà TPBank đạt được từ ngày thành lập tính tới thời điểm đó.
Nửa đầu 2019, ngân hàng tăng trưởng 58% lãi trước thuế so với cùng kỳ, đạt 1.620 tỷ đồng đồng thời thực hiện 51% kế hoạch đề ra.
Lợi nhuận của TPBank tăng mạnh nhờ vào hầu hết các mảng kinh doanh đều khả quan. Đặc biệt, thu từ dịch vụ tăng đến 98%, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 156% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2018, nguồn thu từ dịch vụ của TPBank thuộc top tăng trưởng cao nhất trong hệ thống. Cụ thể, lãi thuần từ dịch vụ của TPBank gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2017, đạt hơn 676 tỷ đồng.
Tăng trưởng thu nhập dịch vụ của các ngân hàng niêm yết. Đvt: %
TPBank đang có đà tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận mạnh mẽ. Cùng với MBB, ACB, TCB, VPB, TPBank là 1 trong 5 ngân hàng được phê duyệt và nới thêm 4% tăng trưởng tín dụng, nâng hạn mức từ 12-13% lên 16-17%.
Trong năm 2018, các ngân hàng không ngừng tăng tốc nâng cao vốn chủ sở hữu nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN và TPBank cũng không ngoại lệ trong năm đầu tiên lên sàn này. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của TPBank lại tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu, do đó tỷ lệ ROE vẫn được duy trì ở mức cao, nhảy vọt lên 20.87%, cho thấy ngân hàng đang sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả.
Hoạt động kinh doanh của Ngân hàng đang tăng trưởng và ổn định thể hiện qua tỷ lệ ROE tăng dần qua các năm. Đây là một trong những mục tiêu được nhà điều hành lẫn nhà đầu tư quan tâm vì lợi nhuận cao sẽ giúp các ngân hàng bảo toàn vốn, tăng thị phần và thu hút đầu tư.
Tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của TPBank cũng tăng lên trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt sau khi lên sàn năm 2018 thì lọt vào top ngân hàng có NIM cao nhất.
Thực tế, NIM tăng không phải do ngân hàng tăng lãi suất cho vay, vì vẫn phải đảm bảo tính cạnh tranh so với thị trường, mà do Ngân hàng đã tối ưu hoá danh mục tín dụng để có được thu nhập từ lãi tốt nhất, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng không quá dồi dào dù đã được điều chỉnh tăng thêm sau khi tuân thủ sớm Basel II.
Theo số liệu cập nhật mới nhất từ TPBank thì trong 8 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ ROA là 1,22%, ROE đạt 15,45% và NIM ở mức 2,87%. Với đà tăng trưởng đó, số liệu dự phòng tỷ lệ ROE của TPBank cho năm 2019 là 23,18%, tỷ lệ ROA là 1,83% và NIM là 4,31%
Một số chỉ tiêu tài chính của TPBank giai đoạn 2009 - 2018
Tại báo cáo Triển vọng ngành 6 tháng cuối năm 2019 phát hành ngày 27/08/2019, CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định mặc dù dư địa tăng NIM trở nên hạn chế hơn do áp lực huy động vốn trung dài hạn, TPBank vẫn là một trong những nhà băng được đánh giá NIM sẽ tiếp tục tăng tích cực.
Thu nhập dịch vụ sẽ còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, cụ thể là thu nhập từ thanh toán dự kiến tăng trưởng tích cực do ngân hàng chú trọng đầu tư mở rộng ngân hàng số. Ngoài ra, TPBank cũng dự kiến có tăng trưởng thu nhập từ phí hoa hồng.
Lãi trước thuế 8 tháng đầu năm xấp xỉ cả năm 2018, xóa xong nợ xấu tại VAMC
Năm 2019, TPBank đặt mục tiêu lãi trước thuế 3.200 tỷ đồng, tổng tài sản năm 2019 đạt 158,000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng lên 10.000 tỷ đồng. Nhà băng cũng đặt mục tiêu huy động vốn trên 142.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 101.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 2%.
Tính đến 30/06/2019, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 145.716 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ cho vay của TPBank đạt 88.957 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của TPBank được kiểm soát ở mức 1,47% và thấp hơn tỷ lệ trung bình ngành.
Theo TPBank, trong 8 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng đã thực hiện gần 70% kế hoạch lãi trước thuế với hơn 2.159 tỷ đồng, xấp xỉ con số lợi nhuận đạt được của cả năm 2018. Lợi nhuận sau thuế 8 tháng đầu năm đạt hơn 1.727 tỷ đồng.
Tiếp tục định hướng ngân hàng bán lẻ, đặc biệt hướng tới phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng của TPBank tiếp tục tăng trưởng ổn định, dư nợ cho vay đạt 90,850 tỷ đồng tính đến cuối tháng 8, thực hiện được gần 90% kế hoạch năm.
Về phần huy động vốn, TPBank ghi nhận 95.082 tỷ đồng tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá, thực hiện được 67% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu vẫn kiểm soát được dưới 2%.
Đáng chú ý hơn, TPBank cũng đã thực hiện mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt đã bán cho VAMC trước thời hạn với tổng giá trị 756,5 tỷ đồng, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro cho toàn bộ khoản nợ xấu này.
Được biết, TPBank sẽ tập trung phát triển các dự án ngân hàng số mới ứng dụng giải pháp và kinh nghiệm trên thế giới, mở rộng mạng lưới hoạt động đặc biệt chú trọng các mô hình số như LiveBank, ứng dụng eBank, Savy - ứng dụng tiết kiệm vạn năng, QuickPay – thanh toán bằng mã QR code… Nhà băng dự kiến mở thêm 100 điểm LiveBank mới, nâng tổng số lượng mô hình này lên 200 điểm trên toàn quốc.
Trong 11 năm phát triển, vốn điều lệ của TPBank hầu như chỉ biến động mạnh 2 lần. Việc tăng vốn điều lệ từ 3,000 tỷ đồng lên 5,550 tỷ đồng trong năm 2012 được xem là bước cuối cùng để khẳng định đề án tái cơ cấu toàn bộ hoạt động của Ngân hàng. Và lần gần đây nhất, chỉ sau vài tháng niêm yết trên sàn chứng khoán, vốn điều lệ của Ngân hàng đã tăng từ 5,842 tỷ đồng lên hơn 8,566 tỷ đồng từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu thưởng và cổ phiểu trả cổ tức hồi tháng 6 và tháng 10/2018.
Vốn điều lệ của TPBank trong giai đoạn 2011 – 31/08/2019. Đvt: Tỷ đồng