Khám phá nét đẹp văn hoá doanh nghiệp

(ĐTCK) Văn hóa doanh nghiệp là chủ đề được nhắc tới rất nhiều trong những năm gần đây. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không chỉ là nỗi trăn trở của những doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp, mà cả những doanh nghiệp đã có bề dày hoạt động.

Văn hóa doanh nghiệp, điều tưởng rất mơ hồ, vì sao lại đóng vai trò quan trọng tới như vậy?

Có một câu chuyện sống động về vai trò của văn hóa doanh nghiệp được Giáo sư Phan Văn Trường, một người Việt thành danh trên môi trường kinh doanh toàn cầu, người từng đảm nhiệm trọng trách lớn tại nhiều tập đoàn công nghiệp hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất đầu máy phát điện, xe lửa, máy lọc nước trên thế giới chia sẻ.

Đó là vào năm 1987, Tập đoàn Alsthom của Pháp sáp nhập với General Electric UK của Anh và thành lập ra GEC - Alsthom. Năm 1989, ông Trường, nguyên Chủ tịch Alsthom châu Á được bổ nhiệm vào vị trí Phó tổng giám đốc chịu trách nhiệm điều hành chính Alsthom Power, công ty thành viên lớn nhất của Tập đoàn GEC - Alsthom.

Lúc này, Công ty đang trong tình trạng hỗn loạn, doanh số đi xuống, lợi nhuận suy giảm, nhân viên bỏ việc theo từng cụm. Đa văn hóa là một vấn đề lớn của Alsthom Power, khi có tới 25.000 nhân viên của Tập đoàn phân bổ tại 60 quốc gia.

Thách thức lớn nữa mà ông Trường phải đối mặt là đội ngũ hơn 5.000 kỹ sư có văn hóa kiêu ngạo, tự mãn. Họ đều là những người giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm được đào tạo từ những trường đại học danh tiếng của nước Pháp. Sau khi xác lập được uy tín với nhóm lãnh đạo cấp trung nhờ việc chỉ đạo thành công một thương vụ lớn, ông Trường bắt tay vào xây dựng văn hóa chung của Alsthom Power. Khẩu hiệu “thân thiện và chuyên nghiệp” được đưa ra trước toàn bộ nhân sự.

Sau 9 tháng, từ 200 vị lãnh đạo cấp cao tới 25.000 nhân viên từ nhiều nền văn hóa, quốc tịch đã được lan tỏa văn hóa chung của Tập đoàn, tạo nên sự thống nhất, gắn bó. Thành tựu mà Alsthom Power đạt được sau 4 năm ông Trường đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc là từ vị trí số 6 trên thế giới đã leo lên vị trí số 1, ký kết thành công hợp đồng lớn nhất lịch sử ngành điện lúc đó, dự án 5 tỷ USD với công suất 9.000 MW tại Đức, “phỗng tay trên” của Siemens và 15 siêu dự án lớn nhất thế giới tiếp sau.

Một chuyên gia tư vấn quản trị nhân sự chia sẻ câu chuyện, công ty chị từng được mời tư vấn cho một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Doanh nghiệp này vốn là một công ty nhà nước, sau cổ phần hóa được một tập đoàn tư nhân trong nước thâu tóm. Dù có lợi thế thương hiệu lâu năm, xác lập quan hệ được với nhiều bạn hàng quốc tế và sở hữu nhiều quỹ đất tại vị trí đắc địa tại trung tâm Thủ đô, rất thuận lợi cho khai thác kinh doanh, doanh số hàng năm của công ty cũng lên tới cả ngàn tỷ đồng, nhưng hiệu quả kinh doanh rất thấp, lợi nhuận sau cổ phần hóa không đáng kể.

Nguyên nhân chính là bộ máy nhân sự vẫn giữ nguyên tác phong, lề thói làm việc cũ, quan liêu, thiếu trách nhiệm, kém hiệu quả. Trong buổi đầu tiên tới văn phòng công ty này, đoàn chuyên gia đã được chứng kiến cảnh tượng một nhân viên kinh doanh đang tranh cãi  gay gắt  với khách hàng. Không chỉ tư vấn về sắp xếp lại bộ máy, giải tán các chi nhánh, phòng ban không hiệu quả, chuẩn hóa quy chế lương thưởng, các chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp “thổi” vào doanh nghiệp văn hóa mới: tận tâm, chuyên nghiệp, sáng tạo. Từ đó, những chiến lược từ tập đoàn mẹ được doanh nghiệp triển khai hiệu quả, tạo  bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh.

Văn hóa doanh nghiệp không phải là cúi chào, thưa gửi, mà chính là sự thống nhất từ tư duy tới hành động của mỗi cá nhân về hệ giá trị chung của doanh nghiệp, tạo thành sức mạnh tập thể. Nói như Franklin Covey - tổ chức toàn cầu chuyên sâu về phát triển lãnh đạo, kiến tạo văn hóa, nếu chiến lược như hạt thì văn hóa sẽ được xem là đất. Nếu đất không tốt thì dù có cố gắng cách mấy, hạt cũng không thể nảy mầm và lớn mạnh được.

Xây dựng văn hóa nói thì dễ, làm được rất khó. Vì vậy, những doanh nghiệp xây dựng được nền tảng văn hoá doanh
nghiệp tốt cũng là những doanh nghiệp thành công trong kinh doanh. Và cũng chẳng vô tình, những doanh nghiệp thành công lại là những doanh nghiệp có văn hóa doanh nghiệp rất mạnh.

Mời độc giả cùng khám phá vẻ đẹp, những giá trị cốt lõi của một số doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam qua những cuốn báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững trong mùa chấm báo cáo 2018 - 2019.

REE

“REE luôn tạo môi trường làm việc thân thiện, khuyến khích và trân trọng những ý kiến độc lập và sáng tạo của nhân viên đóng góp vào sự phát triển của nhóm Công ty”, báo cáo thường niên 2018 của CTCP Cơ điện lạnh (REE) khẳng định.

Có thể nói, văn hóa của REE đậm dấu ấn của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, người đã đưa một xí nghiệp cơ điện với hệ thống máy móc rỉ sét vươn lên thành một doanh nghiệp tiếng tăm trong lĩnh vực thầu công trình điện lạnh, trở thành một trong hai doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Tư duy năng động, cấp tiến của vị “nữ tướng” thấm đẫm trong đội ngũ cộng sự đã đưa Công ty chuyển dịch thành công sang lĩnh vực đầu tư hạ tầng điện, nước, bất động sản cho thuê khi mảng cơ điện lạnh đã bão hòa, giúp duy trì đà tăng trưởng tích cực của lợi nhuận, tối ưu hóa lợi ích cho cổ đông, nhà đầu tư.

Khám phá nét đẹp văn hoá doanh nghiệp ảnh 1

Vingroup

Vingroup là một trong những doanh nghiệp đề cao câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Được biết, ngoài kỹ năng chuyên môn thì truyền thống, quy tắc ứng xử, văn hóa của Tập đoàn là nội dung quan trọng được đưa vào chương trình đạo tạo nhân viên mới.

Văn hóa doanh nghiệp của Vingroup được đúc kết: “Với tinh thần thượng tôn kỷ luật, văn hóa Vingroup, trước hết chính là văn hóa của sự chuyên nghiệp, thể hiện qua sáu giá trị cốt lõi: TÍN – TÂM – TRÍ – TỐC – TINH – NHÂN. Vingroup đặt tôn chỉ “tốc độ, hiệu quả trong từng hành động”, thực hành “Quyết định nhanh – Đầu tư nhanh – Triển khai nhanh – Bán hàng nhanh – Thay đổi và thích ứng nhanh”. Vingroup coi sáng tạo là sức sống, là đòn bẩy phát triển, đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, chủ trương xây dựng một “doanh nghiệp học tập”.

Chính nhờ văn hóa đó mà Vingroup, từ lĩnh vực kinh doanh ban đầu là bất động sản đã nhanh chóng mở rộng đa ngành sang bán lẻ, sản xuất ô tô, điện thoại và mới nhất là công nghệ. Các kế hoạch của Vingroup được triển khai rất nhanh. Chỉ một năm sau khi Vingroup công bố tham gia vào lĩnh vực công nghiệp, VinFast đã có lễ ra mắt vô cùng ấn tượng với hai mẫu xe SUV Lux SA2.0 và Sedan Lux A2.0 tại triển lãm Paris Motor Show 2018.

Văn hóa TÍN – TÂM – TRÍ – TỐC – TINH – NHÂN đã giúp Vingroup là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đạt quy mô đủ lớn để lọt vào Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, bao gồm cả các tập đoàn nhà nước và các doanh nghiệp FDI trọng điểm. Năm 2018, tổng doanh thu của Tâp đoàn Vingroup đạt gần 122.000 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế đạt gần 6.200 tỷ đồng. Tập đoàn cũng giữ vững vị trí doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường Việt Nam.

Khám phá nét đẹp văn hoá doanh nghiệp ảnh 2

FPT

FPT là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và duy trì được các giá trị văn hóa doanh nghiệp độc đáo. FPT được vinh danh trong danh sách 130 công ty có môi trường làm việc tốt nhất châu Á do Tạp chí Nhân sự châu Á bầu chọn.

Văn hóa ở FPT là tổng hợp các quy tắc ứng xử trong mọi hoạt động kinh doanh - sản xuất, cũng như các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho cán bộ nhân viên. Quy tắc ứng xử xuyên suốt của FPT chính là tinh thần người FPT hướng tới: “Tôn Đổi Đồng – Chí Gương Sáng”. Theo đó, mỗi cán bộ nhân viên FPT cần có tinh thần “Tôn trọng – Đổi mới – Đồng đội”. Tôn trọng là tôn trọng cá nhân, bao gồm: nói thẳng, lắng nghe và bao dung. Cấp dưới có thể nói thẳng với cấp trên, không phân biệt vị trí cao thấp, quan hệ thân sơ. Đổi mới là học hành, sáng tạo và STCo (là sự hài hước, hóm hỉnh đặc trưng của người FPT). Đồng đội là đồng tâm, tập thể và chân tình. Mỗi người lãnh đạo của FPT cần có được 3 giá trị cốt lõi là “Chí công – Gương mẫu – Sáng suốt”. 

Sự tự do sáng tạo của nhân viên, sự tin tưởng của lãnh đạo là bí quyết giúp tập đoàn công nghệ này thắng lớn trên môi trường hội nhập toàn cầu, liên tục tăng trưởng và dẫn đầu trong công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam.

Khám phá nét đẹp văn hoá doanh nghiệp ảnh 3

Vinamilk

Trong báo cáo phát triển bền vững của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), có bảng 6 nguyên tắc văn hoá của Công ty.

Được biết, những khẩu hiệu văn hoá này được dán ở khắp nơi, văn phòng, nhà máy của Vinamilk để trở thành quy tắc ứng xử, quy tắc làm việc của mỗi cán bộ, công nhân viên.

Những nguyên tắc văn hóa này tương đồng với văn hóa làm việc tại những tập đoàn lớn trên thế giới. Đó là tính chuyên nghiệp, sáng tạo, chủ động, có tinh thần trách nhiệm cao. Người Việt, như nhận xét của Giáo sư Phan Văn Trường, có đặc tính cố hữu là tìm ra giải pháp rất nhanh, nhưng gần như chỉ dừng lại ở một giải pháp cho vấn đề nào đó, ít người chịu đi tìm những giải pháp thứ hai, thứ ba. Việc tìm ra hơn một giải pháp sẽ giúp nhân sự đó, bộ phận đó và rộng hơn là doanh nghiệp tìm được giải pháp tối ưu nhất.  

Với một nền tảng văn hóa như vậy, không khó hiểu vì sao Công ty giữ vững vị thế đầu ngành, doanh thu và lợi nhuận vẫn tăng trưởng liên tục dù những năm qua, thị trường sữa trong nước có sự tham gia của nhiều thương hiệu trong và ngoài nước. 

Khám phá nét đẹp văn hoá doanh nghiệp ảnh 4

DHG

Báo cáo thường niên 2018 hay những cuốn báo cáo trong những mùa công bố thông tin trước của CTCP Dược Hậu Giang (DHG) đều cho người đọc cảm nhận chung là giá trị đạo đức của doanh nghiệp nói chung và mỗi cán bộ nhân viên Công ty nói riêng.

“Mọi người đều tự hào DHG Pharma quyết tâm trở thành công ty uy tín và chuyên nghiệp, được hướng dẫn bằng những chính sách đúng đắn và hợp lý, định hướng bởi những nguyên tắc đạo đức cơ bản, phù hợp. Nâng cao ý thức trách nhiệm môi trường, xã hội vì sức khoẻ cộng đồng với trái tim chân thành, nghĩa tình”, Báo cáo thường niên 2018 của Công ty viết.

Văn hóa làm việc chuyên nghiệp, đạo đức, để hướng tới mục tiêu cao nhất là “Vì cuộc sống khỏe đẹp hơn” có thể thấy rõ qua những hình ảnh, câu chuyện về những sản phẩm mới, các hoạt động chia sẻ thông tin thị trường nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe; những thiên thần áo trắng khám chữa bệnh cho những trẻ em, người già ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tổ chức các hoạt động để tăng cường sự phát triển của các thế hệ tương lai nhằm đóng góp cho sự thịnh vượng của xã hội…

Bất cứ nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi người làm phải có đạo đức, lĩnh vực sản xuất dược phẩm càng đòi hỏi hơn thế, bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người. Văn hóa đạo đức đã giúp Dược Hậu Giang, doanh nghiệp đầu ngành dược viết nên câu chuyện thành công trên chặng đường mấy chục năm qua.

Khám phá nét đẹp văn hoá doanh nghiệp ảnh 5

Traphaco

Với CTCP Traphaco, “hoạt động doanh nghiệp không chỉ thuần túy là kinh doanh hay lợi nhuận. Chính nền tảng văn hóa mà Traphaco tạo dựng sẽ là phần quyết định đến thành bại lâu dài của doanh nghiệp”. Văn hóa ấy, như diễn giải của lãnh đạo Traphaco, là: Đội ngũ lãnh đạo nhận định rõ ràng về tầm nhìn, sứ mệnh và quyết tâm, quyết liệt theo đuổi giá trị cốt lõi gắn với trách nhiệm xã hội và cộng đồng, trách nhiệm với từng người lao động; mọi thành viên Công ty luôn sẵn sàng tư thế và tâm thế cho các nhiệm vụ theo từng giai đoạn cụ thể bằng tinh thần cầu thị, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, bằng nhiệt huyết đam mê và tính sáng tạo; sự đoàn kết gắn bó, ý thức giữ gìn và tạo dựng uy tín thương hiệu, uy tín công ty trước mỗi cổ đông, đối tác, người tiêu dùng.

Chiến lược “Con đường sức khỏe xanh” mà Công ty theo đuổi nhiều năm nay, với việc phát triển các sản phẩm Đông dược từ những cây thuốc quý của Traphaco, được triển khai thành công trên nền tảng văn hóa đó. Không chỉ đem lại sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, Traphaco đã đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình ở những vùng trồng dược liệu.      

Khám phá nét đẹp văn hoá doanh nghiệp ảnh 6

MWG

Với gần 2.190 cửa hàng thegioididong.com, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh trên toàn quốc, với doanh thu thuần 2018 đạt trên 86.500 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất gần 2.900 tỷ đồng, MWG đã khẳng định vị trí nhà bán lẻ số 1 Việt Nam và nằm trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất châu Á năm 2018 do Forbes bình chọn.

Sức vươn lên mạnh mẽ của MWG trong bối cảnh thị trường bán lẻ cạnh tranh gay gắt là nhờ nền tảng văn hóa doanh nghiệp mạnh. Theo MWG, 6 giá trị cốt lõi trong văn hóa Công ty là: Tậm tâm với khách hàng, trung thực, chính trực, nhận trách nhiệm, yêu thương và hỗ trợ đồng đội, máu lửa trong công việc.

“Một con thuyền không thể ra khơi nếu không có người chèo lái và càng không thể vươn ra biển lớn mà không có thủy thủ đoàn đi cùng, cá có nhiều hay không cũng cần phải có nhiều người cùng nhau hợp sức”, Công ty cho biết.

Khám phá nét đẹp văn hoá doanh nghiệp ảnh 7

HBC

Báo cáo thường niên của Tập đoàn Hòa Bình đã cho thấy một văn hóa doanh nghiệp rất đẹp của tập đoàn xây dựng hàng đầu này. Đó là văn hóa đề cao tính kỷ luật, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chữ tín, trách nhiệm, sáng tạo, trung thực, khiêm tốn, là sự thấu hiểu giữa cấp trên và cấp dưới, giữa những người đồng nghiệp…

 “Giá trị cốt lõi là sự cộng hưởng của 7 yếu tố tạo nên văn hóa Hòa Bình, ví như sự giao hòa của bảy sắc cầu vồng tạo thành ánh sáng trắng thuần khiết, tinh khôi, ánh sáng này soi đường cho bước chân ta thêm mạnh dạn và góp phần làm nên một Hòa Bình ngày càng tỏa sáng”, báo cáo thường niên 2018 của Hòa Bình viết.

Ánh sáng tinh khôi, thuần khiết của văn hóa doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiếp tục soi đường cho tập thể nhân sự Hòa Bình đưa Tập đoàn đến những đỉnh cao mới trong kinh doanh.  

Khám phá nét đẹp văn hoá doanh nghiệp ảnh 8

MB

Có thể nói, văn hóa doanh nghiệp của MB  - ngân hàng mang thương hiệu Quân đội - mang đậm “chất lính”. Kỷ luật, đoàn kết, tậm tâm vì mục tiêu, lý tưởng chung, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”…, những phẩm chất tốt đẹp của những người lính Cụ Hồ đã được đội ngũ những con người MB phát huy trên mặt trận kinh doanh tiền tệ.

Những nét đẹp đó thể hiện qua tinh thần “Chiến quyết liệt, tạo cách biệt” như chia sẻ trong thông điệp của Chủ tịch MB, cũng là một vị tướng quân đội; hay câu chuyện về chặng đường 25 năm phát triển, từ một ngân hàng có 25 nhân sự và một điểm giao dịch duy nhất dần lớn mạnh, vững vàng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và giai đoạn khó khăn của ngành ngân hàng từ 2009 - 2013 để trở thành ngân hàng trong Top 3 ngân hàng mạnh nhất Việt Nam 2019 (theo xếp hạng của The Banker); và cả ở những chương trình từ thiện, an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa…, những hoạt động vì cộng đồng, vì nhân dân.

Khám phá nét đẹp văn hoá doanh nghiệp ảnh 9

HSC

Chính trực, chuyên nghiệp, tích cực, tận tâm, hợp tác là những giá trị Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) tích cực theo đuổi. Triết lý tạo giá trị cho khách hàng đã giải thích vì sao HSC luôn nằm trong nhóm công ty chứng khoán uy tín nhất trên thị trường, Top 3 thị phần môi giới và được đông đảo nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân tin tưởng.

Khám phá nét đẹp văn hoá doanh nghiệp ảnh 10
Tin bài liên quan