"Có lẽ khó có xe trước 10/4", Đăng Nguyên, một khách tại quận Gò Vấp, TP HCM, nói. "Mấy đại lý có xe nhưng không có bản mình muốn".
Sau khi có thông tin phí trước bạ xe bán tải tăng từ tháng 4, anh Nguyên gọi cho tư vấn bán hàng Mitsubishi. Chiếc Triton màu cam bản 2019 số tự động không còn hàng khiến anh phải hỏi thêm một vài đại lý khác nhưng cũng không có.
"Nếu đặt hàng hồi trước Tết để bây giờ có xe thì tiết kiệm thêm vài chục triệu tiền trước bạ rồi", Nguyên tiếc rẻ.
Ở một đại lý Chevrolet tại TP HCM, hiện lượng khách một ngày hỏi thông tin mẫu bán tải Colorado tăng khoảng 20-30% so với thời điểm chưa có thông tin tăng phí trước bạ. Khả năng chốt đơn hàng với khách vì thế cũng dễ dàng hơn.
Tương tự Colorado là Ford Ranger, mẫu xe bán tải bán chạy nhất phân khúc cũng có lượng khách quan tâm tăng lên về số lượng. Ở các đại lý Ford tại Hà Nội, khách hàng gọi điện thoại hoặc đến trực tiếp xem hàng nhiều hơn trước. Tuy nhiên, nguồn cung không đủ cầu khiến giá xe đội khoảng vài chục triệu so với đề xuất của hãng.
Đại diện một hãng xe Nhật tại Việt Nam cho biết, các đại lý hiện báo lượng đặt hàng xe bán tải đang tăng, nhưng phía nhà máy tại Thái Lan không kịp giao nên không giải quyết được vấn đề.
Thực tế, hiện các đại lý đang giao nốt những đơn hàng của khách đặt hàng trước Tết. Những lô hàng xe bán tải nhập khẩu tiếp theo có thể phải đến tháng 4, tháng 5 mới cập cảng.
Chính sách mới khiến nhiều khách hàng lo mất thêm tiền, nhưng sẽ không phải vấn đề lớn với những người có nhu cầu thật sự với dòng xe này. Bởi lẽ, ưu điểm lớn nhất của xe bán tải là chở hàng, thứ mà SUV không có.
"SUV không thể thay xe bán tải để chở hàng", trưởng phòng marketing một hãng xe Nhật nói.
Theo vị này, tăng gần 50 triệu chi phí sở hữu nhưng giữa xe bán tải và các sản phẩm phân khúc SUV cỡ C vẫn còn khoảng cách giá lớn. Ví dụ, Mazda BT-50 giá cao nhất 679 triệu, để sở hữu CX-5 bản thấp nhất, khách phải chi thêm 220 triệu. Hoặc mẫu Nissan Navara bản cao nhất 815 triệu, X-Trail bản thấp nhất 976 triệu, chênh lệch là hơn 160 triệu.
Lường trước sức mua tăng lên khi chính sách mới ban hành, nhiều hãng tung ưu đãi trong tháng 3 để hút khách. Các mẫu của Nissan, Mitsubishi, Chevrolet ưu đãi trừ vào giá xe hoặc hỗ trợ phí trước bạ hàng chục triệu đồng.
Nghị định 20/2019 quy định những loại xe 5 chỗ trở xuống và có khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu bằng 60% ôtô con. Xe bán tải thuộc diện này và mức tăng gấp 3 hoặc hơn tùy tỉnh, thành phố.
Từ 2018, chính phủ đã có những dự thảo về tăng phí trước bạ xe bán tải. Khi đó, nhiều ý kiến cho rằng xe bán tải tại Việt Nam được sử dụng như xe con, trong khi mức lệ phí trước bạ áp dụng chỉ là 2%.
Chưa có thống kê chính thức về số lượng khách mua xe bán tải cho mục đích chở hàng thuần túy hay chỉ sử dụng như xe con. Một lãnh đạo Bộ Tài chính từng cho biết, cơ sở của đề xuất tăng phí trước bạ xe bán tải còn nhằm định hướng đúng mục tiêu tiêu dùng với loại xe vừa chở hàng, vừa chở người.
Hơn nữa, xe bán tải tham gia giao thông hiện áp dụng các hệ thống báo hiệu đường bộ như ôtô con, không bị hạn chế về thời gian được phép lưu thông trong đô thị hay được phép lưu thông vào làn đường dành cho ôtô con.
Việc tăng phí trước bạ, còn để đảm bảo công bằng cho các loại xe con có cùng dung tích động cơ và số chỗ ngồi. Dù tăng phí trước bạ nhưng niên hạn sử dụng của xe bán tải vẫn là 25 năm, trong khi xe con không có niên hạn.