Theo thư phản ánh, Julie Sandlau Việt Nam cho rằng, dù Công ty đã chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC), đồng thời tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại MIC - hợp đồng số 275/16/HD-TS.1.1/05-KDBANCAS ngày 20/4/2016 theo quy định của Bộ Tài chính, nhưng khi không may gặp rủi ro hỏa hoạn và bị tổn thất ngày 26/3/2017, sau đó đã gửi hồ sơ vụ việc đến MIC theo quy định tại Điều 17 Thông tư 220/2010/TT-BTC, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm này vẫn trì hoãn giải quyết quyền lợi bảo hiểm.
“MIC đã liên tiếp yêu cầu chúng tôi cung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC mà chúng tôi không thể có, vượt quá khả năng của khách hàng. Cụ thể, căn cứ Khoản 3, Điều 17 Thông tư 220/2010/TT-BTC, hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm phải có “Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản xác nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy.
Dù không được cơ quan PCCC có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC, nhưng chúng tôi có đầy đủ biên bản xác nhận đủ điều kiện về PCCC (từ cảnh sát PCCC TP. Hà Nội) và chưa từng bị thông báo chưa đủ điều kiện hay bị phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này”, ông Soren Roed Pedersen cho hay.
Sau khi nhận được đơn thư, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có trao đổi với MIC về vụ việc này vào ngày 11/10. Theo đó, Phó tổng giám đốc MIC, ông Nguyễn Đức Tuấn cho biết, việc yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC nhằm hoàn thiện hồ sơ bồi thường bảo hiểm, tạo cơ sở để Công ty thực hiện nghĩa vụ bồi thường, không nhằm cố ý gây khó khăn cho khách hàng.
Trước đó, trong công văn ông Tuấn gửi phía JSV ngày 6/10, Công ty nêu rõ, do khách hàng này không có đầy đủ giấy tờ theo quy định nên căn cứ vào Điều 17 Thông tư 220/2010/TT-BTC và hợp đồng đã ký giữa hai bên, MIC yêu cầu cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc chứng thực rõ thời điểm đưa cơ sở sản xuất vào hoạt động kinh doanh; và cung cấp bản thiết kế xây dựng công trình phù hợp với tình hình thực tế tại thời điểm xảy ra tổn thất.
Theo ông Tuấn, căn cứ kết quả tra cứu mã số doanh nghiệp của JSV trên cổng thông tin về đăng ký doanh nghiệp, Công ty được thành lập ngày 16/3/2010 với ngành nghề kinh doanh là sản xuất đồ kim hoàn và một số hoạt động khác. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thời điểm bắt đầu đưa cơ sở sản xuất vào hoạt động nên theo MIC việc áp dụng quy định về PCCC đối với JSV được chia thành 2 trường hợp.
Trường hợp một, nếu JSV hoạt động trước ngày 15/7/2012 thì thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 35/2003/NĐ-CP, cụ thể phải có văn bản thẩm duyệt về PCCC (Giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC) và đóng dấu (đã thẩm duyệt về PCCC) theo quy định tại Thông tư 04/2004/TT-BCA.
Trường hợp hai, nếu hoạt động sau ngày 15/7/2012 thì thực hiện theo quy định của Nghị định 46/2012/NĐ-CP, JSV phải được cơ quan cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế về PCCC trước khi đi vào hoạt động, đồng thời, Công ty phải có văn bản thông báo cam kết với cơ quan cảnh sát PCCC.
Sau khi nhận được các yêu cầu kể trên, phía JSV cho biết: “Chúng tôi là “nhà đầu tư nước ngoài”, các cơ quan chức năng có trách nhiệm hướng dẫn và yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Việc cơ quan chức năng không cấp “Giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC” cho JSV là quyết định của các cơ quan cảnh sát PCCC (do JSV chưa đủ quy mô thuộc diện phải cấp - PV), không thuộc trách nhiệm của chúng tôi”.
Bên cạnh đó, đại diện JSV cho rằng: “Việc lập luận và suy diễn các quy định liên quan đến PCCC của MIC đối với chúng tôi là không phù hợp. Nếu chúng tôi vi phạm đã bị các cơ quan chức năng xử phạt. MIC không có thẩm quyền quy kết bất cứ điều gì và không thể viện dẫn các điều kiện này để từ chối bảo hiểm. Một lần nữa, chúng tôi đề nghị MIC giải quyết nhanh chóng, dứt điểm quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng”.
Đại diện bảo vệ quyền lợi cho JSV- ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tư vấn Đại lý bảo hiểm TILA cho hay, những yêu cầu từ phía MIC vẫn chưa đủ thuyết phục, JSV sẽ tiếp tục gửi công văn chính thức phản hồi MIC trong nay mai.
Trả lời trước thắc mắc vì sao không có giấy chứng nhận PCCC mà MIC vẫn bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và vì sao không từ chối bán bảo hiểm ngay từ đầu để đến khi rủi ro xảy ra mới yêu cầu cung cấp? Ông Tuấn cho biết, theo quy định của pháp luật, khách hàng khi mua bảo hiểm PCCC bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu liên quan, trong đó có PCCC (được quy định rõ tại Thông tư 220). Doanh nghiệp bảo hiểm không bắt buộc khách hàng phải trình giấy chứng nhận trên mới cấp bảo hiểm.
“Khách hàng nói đã có biên bản xác nhận đủ điều kiện PCCC, nhưng không theo mẫu quy định tại Thông tư 66/2014/TT-BCA. Để đảm bảo chi trả bồi thường theo đúng quy định, chúng tôi đang nỗ lực bàn bạc cùng với khách hàng phối hợp giải quyết”, ông Tuấn nói.
Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến mới.