Ngoài lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy, hải sản mà xưa nay Trung Quốc vẫn dùng để trừng phạt các nước từ chối thỏa hiệp ngoại giao với mình, Bắc Kinh vừa chứng minh họ có biện pháp mới để gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các nước khác: hạn chế công dân Trung Quốc đi du lịch, AFP đưa tin.
Gần đây nhất là vụ tẩy chay Hàn Quốc sau khi nước này cho phép Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại địa điểm cách thủ đô Seoul 250 km về phía nam.
Lo ngại THAAD sẽ trở thành mối đe dọa quân sự, Bắc Kinh ra lệnh cấm các công ty lữ hành trong nước dẫn du khách sang nước láng giềng. Hành động tẩy chay này được cho là đã giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch và bán lẻ của xứ sở kim chi.
Lotte Group đặc biệt chịu tổn thất lớn do hệ thống THAAD được lắp đặt tại khu đất thuộc quyền sở hữu của tập đoàn bán lẻ này.
Hàng chục cửa hàng cửa hàng miễn thuế Lotte Group ở Trung Quốc phải đóng cửa trước áp lực biểu tình của người dân địa phương.
"Nếu bạn không thuận theo ý muốn của nhà lãnh đạo Bắc Kinh, họ sẽ giáng đòn kinh tế", theo AFP ngày 21/5 dẫn lời Shaun Rein, nhà sáng lập công ty Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải.
"Các chính khách Trung Quốc mang theo chiếc kìm kinh tế đi khắp nơi trên thế giới. Họ áp dụng chiêu này nhiều năm nay và đến giờ nó vẫn có tác dụng", ông Rein nhận xét.
Công ty Du lịch Quốc tế Hàn - Trung cho biết trong vài tháng qua, lượng khách du lịch từ Trung Quốc đã giảm 85%.
Giám đốc công ty cho rằng nguyên nhân là do Bắc Kinh tức giận về việc Seoul cho phép lắp đặt THAAD.
Công ty có trụ sở tại Seoul này đón trung bình 4.000 du khách mỗi tháng, đa số đến từ Trung Quốc, nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 500 sau khi Trung Quốc cảnh báo người dân về những nguy cơ khi đi du lịch ở Hàn Quốc, đồng thời ra lệnh cho các công ty du lịch ngừng dẫn tour sang quốc gia láng giềng.
Trong khi đó, Hiệp hội Khách sạn Đài Bắc cho biết lượng khách du lịch Trung Quốc đến Đài Loan cũng giảm đến 50% trong những tháng gần đây khi quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan xấu đi.
"Giống như chính sách cây gậy và củ cà rốt. Trung Quốc làm như vậy là để gửi đi tín hiệu họ chiếm ưu thế", Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị ở trường đại học Hong Kong Baptist, nhận xét.
"(Biện pháp này) đã trở thành một thứ vũ khí tinh vi nhằm gây áp lực chính trị", theo Andrew Gilholm, giám đốc phân tích kiểm soát rủi ro tại khu vực Bắc Á và Trung Quốc.