Các nhà đầu tư Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang khắc khoải đợi các ngân hàng sớm phê duyệt khoản tín dụng để đẩy nhanh tiến độ công trình.
Động lực mới
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về việc bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước và phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương 2018, trong đó bố trí cho Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với vai trò là phần tham gia của Nhà nước tại công trình cao tốc huyết mạch về miền Tây.
“Chúng tôi mong nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Dự án như trời hạn mong mưa. Dù việc phân bổ khá trễ so với thời hạn phải hoàn thành thông tuyến vào 31/12/2020, nhưng với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh và có động lực để tăng tốc thi công”, ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó chủ tịch HĐQT BOT Trung Lương – Mỹ Thuận quả quyết.
Từ công trường, việc Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.186 tỷ đồng như cam kết ngay lập tức tạo ra những phản ứng tích cực trong các nhà thầu thi công vốn đã ngóng đợi thông tin tốt lành này trong suốt một thời gian dài.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận khi đi kiểm tra hạng mục cắm bấc thấm ở gói thầu XL13 vào tuần trước còn hết sức băn khoăn về nguồn vốn và sự thiếu thốn cát vật liệu để đắp gia tải cho nền đường, nay thở phào: "Chúng tôi như trút được một phần gánh nặng…có vốn, đồng nghĩa với việc có tiền để huy động nguồn nguyên vật liệu để gia tăng tiến độ thi công.
Đại diện nhà thầu thi công Gói thầu XL13 khẳng định, nếu có vốn và đủ nguyên liệu, tốc độ thi công sẽ được đẩy lên 3- 4 lần hiện tại. Nếu cần, để bảo đảm tiến độ thì nhà đầu tư, nhà thầu sẽ huy động máy móc thi công 3 ca, thi công xuyên đêm.
Ở 21 gói thầu còn lại trên toàn tuyến dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51,1 km từ nút giao Thân Cửu Nghĩa (TP Mỹ Tho) đến ngã ba An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), các nhà đầu tư, nhà thầu cũng vạch kế hoạch tăng tốc, bù lại quãng thời gian đợi vốn trước đó.
Theo ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, đến nay, toàn Dự án đã đạt khối lượng thi công 27%, một nỗ lực thần kỳ trong 6 tháng qua ở một Dự án đã trì trệ 10 năm ròng rã trước đó. Toàn tuyến có trên 50 cây cầu đã nên hình hài; 40 km nền đất yếu đang được nhà thầu cắm bấc thấm, trải vải địa kỹ thuật và đắp cát gia tải. Đây cũng là hạng mục phức tạp, xử lý mất nhiều thời gian, tốn kém khi phải gia tăng mật độ bấc thấm và tăng cường dày lớp cát gia tải để hút ép nước ra khỏi nền đất yếu, giúp nền đất cố kết vĩnh cửu.
“Thay đổi giải pháp kỹ thuật này cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến thay đổi tổng mức đầu tư của Dự án vì gia tăng nguyên vật liệu để giảm thời gian thi công, bảo đảm tiến độ”, ông Hồng cho biết.
Vẫn chờ vốn tín dụng
“Nguồn vốn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ có ý nghĩa rất quan trọng, như chiếc chìa khoá đã tra vào ổ. Nhưng vấn đề là chúng tôi còn phải đi qua nhiều lớp khoá nữa…”, ông Mai Mạnh Hồng ví von khi nói về chặng đường phía trước. Các “lớp khoá” ông Hồng nhắc tới chính là nguồn vốn tín dụng vay ngân hàng.
Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng. Trong đó, xác định vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư là 3.400 tỷ đồng (tương ứng 32,4% vốn BOT, trong khi các dự án cao tốc Bắc Nam chỉ là 20%); vốn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng; còn thiếu 7.082 tỷ đồng chờ các ngân hàng cho vay. Trong đó, 3 ngân hàng VietinBank, BIDV, Argibank cam kết mức tài trợ tối thiểu cho dự án là 5.800 tỷ đồng. Phần hạn mức còn thiếu 1.282 tỷ đồng sau nhiều lần thảo luận, cuối cùng VPBank đã chấp nhận tài trợ.
Ông Lưu Xuân Thuỷ cho biết: “Về vốn tín dụng thì Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo VietinBank cùng các ngân hàng BIDV, Argibank, VPBank phối hợp tích cực nhưng do thủ tục hợp vốn chưa thống nhất nên đang chờ các ngân hàng hoàn thiện. Do đó, cho tới giờ này vẫn chưa xác định thời điểm giải ngân. Chúng tôi dù tin vào sự ủng hộ của các ngân hàng nhưng đang thực sự rất nóng ruột!”, ông Thuỷ bày tỏ.
Ngoài nguồn vốn, để dự án về đích đúng hẹn như lời hứa của Chính phủ với nhân dân ĐBSCL, mặc dù lạc quan, nhưng ông Lưu Xuân Thuỷ cũng chỉ ra những khó khăn còn nhiều phía trước: đó là thời gian còn lại rất ít, chỉ còn 14 tháng nữa phải thông tuyến và bắt buộc đến 30/4/2021 phải đưa vào vận hành. Tiến độ thời gian phải thực hiện nhưng kèm theo đó, chất lượng công rình phải được đảm bảo, tuyệt đối khôing được sơ sẩy hay gian dối, không vì thành tích mà chạy đua.
Ngoài ra, nguồn vật liệu thi công cũng là bài toán khó. ĐBSCL không có sẵn nguồn đá, phải vận chuyển từ các tỉnh về, mà vốn chưa đủ để huy động vật liệu, cho nên cũng coi như là một mối lo canh cánh.
“Đồng vốn về chậm lâu nay đã khiến các nhà đầu tư, nhà thầu chúng tôi kiệt sức. Chúng tôi đã hết sức nỗ lực để xoay xở thời gian qua. Nay đã có chút tín hiệu tích cực, nhưng không vì thế mà lạc quan tếu. Nếu một lần nữa vốn tín dụng về không kịp thời, chúng tôi cho rằng những người có trách nhiệm với Dự án sẽ khó ăn nói với người dân”, ông Thuỷ chia sẻ.