Theo ông Khôi, nếu Mỹ xem xét áp thuế thì sẽ đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.
Việc áp thuế của Mỹ thường dựa vào 3 tiêu chí: Thặng dư thương mại quốc gia đó với Mỹ trên 20 tỷ USD, thặng dư cán cân thanh toán tới 2% GDP, can thiệp một chiều và liên tục vào thị trường ngoại hối, ví dụ mua ngoại tệ ròng liên tục trong 6 tháng và 12 tháng. Việt Nam đã thể hiện 2 tiêu chí, tuy nhiên, việc can thiệp một chiều của nhà nước vào thị trường ngoại hối chưa xảy ra. Do đó, khả năng Mỹ áp thuế với hàng hoá Việt Nam là rất thấp, thậm chí có thể coi như không có.
“Gần đây, dự trữ ngoại hối của ta tương đương 14 tuần nhập khẩu. Theo thông báo của IMF, ngưỡng xem xét là trên 16 tuần nên khả năng của ta là an toàn, hiện Mỹ đã đưa Việt nam ra khỏi danh sách theo dõi”, ông Khôi cho biết.
Về nguy cơ hàng Trung Quốc lẩn tránh và chuyển sang Việt Nam, theo ông Khôi, chiến tranh thương mại Mỹ Trung hiện nay vẫn diễn biến căng thẳng.
Về ngắn hạn, Việt Nam được hưởng lợi do lỗ hổng thị trường Mỹ, tuy nhiên, trong trung và dài hạn thì sẽ chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là suy giảm của hai cường quốc và cũng là đối tác lớn là Mỹ và Trung Quốc. Trong bối cảnh này, nguy cơ hàng lẩn tránh xuất xứ chuyển sang Việt Nam là thực tế cùng với các nguy cơ về chuỗi cung ứng, chuyển giao công nghệ và một số yếu tố khác.
Để đối phó với các nguy cơ này, ông Khôi cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ các giải pháp kiểm soát tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá linh hoạt, tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại để ngăn hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam, kiểm soát chặt dòng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam, nhất là vào các lĩnh vực giá trị thấp chủ yếu vào lắp ráp gia công xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, hiện nay, trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, ta đều có cơ hội thách thức. Vấn đề đặt ra là các cơ quan Chính phủ cùng các bộ ngành cần tỉnh táo và theo dõi chặt chẽ, linh hoạt trong công tác điều hành nhằm tận dụng cơ hội, kiểm soát chặt chẽ để có biện pháp chống đầu tư lẩn tránh và hàng hóa lợi dụng xuất xứ nguồn gốc.
Ông Thắng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn thường xuyên nắm bắt và theo dõi chặt chặt chẽ tình hình để cập nhập cho các cơ quan chức năng nhằm hạn chế tới mức tối thiểu các tác động ngược chiều từ căng thẳng thương mại.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh thêm, ngày 30/6 tới đây, việc Việt Nam và EU ký kết đồng thời 2 Hiệp định EVFTA và IPA thể hiện trang mới trong chính sách hội nhập và đầu tư nước ngoài, tạo cơ chế đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trong cơ chế đa phương, thể hiện quan điểm của Việt Nam luôn ủng hộ và theo đuổi chính sách tự do thương mại.