Kết quả kinh doanh quý II tiếp tục nâng đỡ thị trường chứng khoán

Kết quả kinh doanh quý II tiếp tục nâng đỡ thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp vừa công bố báo hiệu mùa công bố kết quả kinh doanh quý II khả quan tiếp tục giúp chứng khoán Âu, Mỹ tăng điểm trong phiên thứ Tư.

Bỏ qua các thông tin khác như nỗi lo chiến tranh thương mại, căng thẳng chính trị, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán đang dồn sự chú ý vào kết quả kinh doanh quý II/2018 của các doanh nghiệp niêm yết.

Trong phiên giao dịch thứ Tư, với kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố tiếp tục khả quan, báo hiệu một mùa công bố kết quả kinh doanh tích cực, phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng. Trong đó, Dow Jones có phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp, còn S&P 500 dù tăng khiêm tốn, nhưng cũng lên mức cao nhất 5 năm. Trong khi đó, sau khi giảm mạnh đầu phiên do ảnh hưởng từ đà giảm mạnh của cổ phiếu Alphabet (công ty mẹ của Google) khi cơ quan chống độc quyền của EU nhắm đến đại gia công nghệ của Mỹ, Nasdaq đã hồi trở lại và giao dịch lình xình quanh mức tham chiếu trong phần lớn thời gian còn lại của phiên và đóng cửa gần như không đổi.

Sau một số ngân hàng và bán lẻ, đến lượt ngành vận tại tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh tích cực của công ty đường sắt CSX Corp và hãng hàng không United Continental.

Mặc dù vẫn còn sớm, vì mùa báo cáo kết quả kinh doanh vừa bắt đầu, nhưng ước tính cho mùa công bố kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tốt khi có thêm nhiều công ty công bố kết quả kinh doanh.

Lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 dự kiến tăng 21,4% trong quý II, cao hơn mức tăng ước tính 20,7% mà giới phân tích đưa ra vào ngày 1/7. Trong số 48 công ty trong chỉ số S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh, có 87,5% có lợi nhuận cao hơn kỳ vọng của giới phân tích.

Tuy nhiên, thị trường không thể bật tăng mạnh khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, thị trường nhà ở tiếp tục là một điểm yếu của kinh tế Mỹ. Theo đó, thị trường nhà ở lần đầu giảm 12,3% trong tháng 6 xuống mức thấp nhất trong 9 tháng do các nhà xây dựng phải vật lộn với giá gỗ tăng, tình trạng thiếu đất và thiếu lao động dai dẳng.

Kết thúc phiên 18/7, chỉ số Dow Jones tăng 79,40 điểm (+0,32%), lên 25.199,29 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,07 điểm (+0,22%), lên 2.815,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,67 điểm (-0,01%), xuống 7.854,44 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, nhóm cổ phiếu công nghệ lại là nhân tố chính giúp chứng khoán khu vực này tiếp tục duy trì đà tăng điểm tốt trong phiên thứ Tư nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số công ty công nghệ vừa công bố như Ericsson, ASML… Ngoài ra, chứng khoán châu Âu tăng điểm tốt trong phiên thứ Tư còn nhờ đồng euro giảm mạnh so với đồng USD sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Mỹ.

Kết thúc phiên 18/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 49,95 điểm (+0,65%), lên 7.676,28 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 104,40 điểm (+0,82%), lên 12.765,94 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 24,90 điểm (+0,46%), lên 5.447,44 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng so với đồng USD tiếp tục hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng điểm. Trong khi đó, việc đồng nhân dân tệ yếu đi lại khiến chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông mất điểm về cuối phiên và là phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Kết thúc phiên 18/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 96,83 điểm (+0,43%), lên 22.794,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 64,26 điểm (-0,23%), xuống 28.117,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,87 điểm (-0,39%), xuống 2.787,26 điểm.

Sau phiên lao dốc hôm thứ Ba, giá vàng tiếp tục xu hướng giảm trong phiên thứ Tư do đồng USD tăng mạnh so với rổ tiền tệ. Tuy nhiên, về cuối phiên, đà giảm của kim loại quý này được hãm lại và đóng cửa gần như không đổi và hiện giá vàng vẫn ở mức thấp nhất 12 tháng.

Kết thúc phiên 18/7, giá vàng giao ngay giảm 0,1 USD (-0,01%), xuống 1.227,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 0,6 USD (-0,04%), lên 1.227,9 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục đà tăng trong phiên thứ Tư sau khi Chính phủ Mỹ công bố dữ liệu cho thấy, nhu cầu xăng và sản phẩm chưng cất tăng vọt, làm lu mờ dữ liệu kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước, trong khi giới phân tích dự báo giảm 3,5 triệu thùng. Ngoài ra, sản lượng khai thác dầu của Mỹ cũng tăng lên mức 11 triệu thùng/ngày.

Kết thúc phiên 18/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,68 USD (+0,99%), lên 68,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,74 USD (+1,02%), lên 72,90 USD/thùng.

Tin bài liên quan