Kể từ khi ông Abe được bầu lại vào chức Thủ tướng, thị trường chứng khoán Nhật đã tăng tới 55%.

Kể từ khi ông Abe được bầu lại vào chức Thủ tướng, thị trường chứng khoán Nhật đã tăng tới 55%.

Kế hoạch cất cánh của “siêu nhân” Abe

(ĐTCK) Khi ông Shinzo Abe từ chức chỉ sau một năm làm Thủ tướng Nhật vào tháng 9/2007, ông đã bị chế giễu bởi các cử tri, bị suy nhược bởi một căn bệnh mãn tính và bị đeo đuổi bởi cái “dớp” của các lãnh đạo Nhật Bản thời gian gần đây.

Giờ đây, với chưa đầy 5 tháng nhậm chức trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Abe dường như là một con người hoàn toàn khác. Ông đang đưa nước Nhật vào một chế độ mới - chế độ của “kinh tế học Abe” (Abenomics), một mô hình kết hợp giữa lạm phát, chi tiêu chính phủ và một chiến dịch được thiết kế để xốc nền kinh tế thoát khỏi tình trạng “sống thực vật” trong suốt hơn hai thập kỷ qua. Và với sức khỏe đã bình phục của chính mình, ông đã phác thảo ra một chương trình thay đổi địa vị chính trị và sửa đổi hiến pháp để đưa nước Nhật trở lại với cái mà ông gọi là: “vị trí xứng đáng trên bản đồ quyền lực thế giới”.

Ông Abe đang khơi dậy nhiệt huyết cho một quốc gia đã để mất niềm tin vào đẳng cấp chính trị của mình. Kể từ khi ông được bầu vào chức Thủ tướng, thị trường chứng khoán Nhật đã tăng tới 55%. Chi tiêu tiêu dùng đã thúc đẩy tăng trưởng trong quý đầu lên mức 3,5% so với cùng kỳ. Ông Abe có một tỷ lệ ủng hộ trên 70% (so với khoảng 30% ở cuối nhiệm kỳ đầu làm Thủ tướng của ông). Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông tự tin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào thượng viện trong tháng 7 tới. Với đa số phiếu trong cả hai viện của Quốc hội, ông Abe có thể dễ dàng thông qua các điều luật.

Lý do để nghĩ khác về tham vọng của ông Abe thời điểm này có lẽ là Trung Quốc. Chính Trung Quốc, vào năm 2010, đã gạt Nhật Bản sang một bên để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khi Trung Quốc có được sự tự tin, nước này đã bắt đầu thể hiện “độ choán” của mình ra xung quanh và trực tiếp với Nhật qua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ông Abe tin rằng, việc đương đầu với thách thức từ Trung Quốc có nghĩa là rũ bỏ sự lãnh đạm và thụ động từng giam giữ Nhật Bản trong sự lệ thuộc một thời gian dài. Để giải thích cho tham vọng của ông Abe, những người ủng hộ ông đã viện đến khẩu hiệu fukoku kyohei của Nhật hoàng, tạm dịch là: “làm giàu cho đất nước, tăng cường cho quân đội”. Chỉ một nước Nhật giàu có mới có thể tự bảo vệ được mình. Và chỉ khi tự bảo vệ được mình, nước Nhật mới có thể đứng lên cùng Trung Quốc. Chủ thuyết Abe, với chủ trương kích thích tài khóa và nới lỏng tiền tệ, nghe có vẻ như là một học thuyết kinh tế, nhưng trên thực tế, nó cũng ít nhất đề cập đến vấn đề an ninh quốc gia.

Có lẽ, đó là lý do tại sao ông Abe lại bắt tay vào điều hành gấp rút như vậy. Trong tuần lễ đầu tiên sau nhậm chức, ông đã tuyên bố, Chính phủ sẽ tăng chi 10,3 nghìn tỷ yên (khoảng 100 tỷ USD). Ông đã bổ nhiệm mới Thống đốc Ngân hàng Trung ương, người cam kết sẽ bơm thêm nhiều tiền vào hệ thống tài chính. Nỗ lực đó là để làm yếu đồng Yên nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Nếu chính sách đó xua đi được bóng ma giảm phát, nó có lẽ cũng thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, việc in thêm tiền có giới hạn của nó, và với một khối nợ lên tới 240% GDP, Chính phủ mới của ông Abe không thể vung tay chi tiêu được. Bởi vậy, để thay đổi tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế, ông Abe phải thực hiện thông qua phần thứ ba của kế hoạch là cấu trúc lại nền kinh tế. Đến nay, tân Thủ tướng đã lập ra 5 ủy ban với mục tiêu cải cách sâu năng lực sản xuất. Trong tháng 2, ông Abe đã gây ngạc nhiên cho chính những người ủng hộ mình bằng việc ký tham gia vào hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại khu vực hướng đến việc mở cửa những lĩnh vực được bảo hộ như nông nghiệp.

Không ai phản đối một nước Nhật thịnh vượng hơn mà qua đó sẽ bổ sung lực cầu cho nền kinh tế thế giới. Một nước Nhật chuyển đổi “lực lượng phòng vệ” của mình thành một quân đội thường trực như bất kỳ nước nào khác cũng sẽ góp phần vào an ninh của khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, những người còn lưu giữ ký ức về nhiệm kỳ thảm họa đầu tiên của ông Abe vẫn còn hai sự lo lắng. Một là nguy cơ ông Abe có thể trở nên mềm yếu như trước đây. Đã có đồn đoán rằng, nếu tăng trưởng trong quý II nghèo nàn, ông Abe sẽ hoãn lại đợt đầu của kế hoạch 2 lần tăng thuế giai đoạn 2014-2015. Nhưng việc trì hoãn đó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kiểm soát nợ trung hạn của nước này và cho thấy ông Abe không sẵn sàng đối diện với những lựa chọn khắc nghiệt. Hai là rủi ro từ bên ngoài, khi ông cần phải chứng tỏ được khả năng có thể giữ được ranh giới giữa niềm tự hào dân tộc và chủ nghĩa quốc gia, để láng giềng còn an tâm hợp tác. Kéo nước Nhật khỏi tình trạng giảm phát là một nhiệm vụ to lớn, nhưng ông Abe “mới” đang có mọi thứ để làm điều đó. Chỉ cần đạt được một nửa thành công trong dự định của mình, ông chắc chắn sẽ được coi là một Thủ tướng vĩ đại.