Cụ thể, ngày 5/10/2016, HĐQT HKB đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện đầu tư tài chính dài hạn vào 2 công ty con là CTCP Nông nghiệp Lumex Việt Nam và CTCP Nông nghiệp Hưng Lộc Phát Gia Lai với số tiền đầu tư lần lượt là 354 tỷ đồng (83,42% vốn điều lệ Lumex Việt Nam) và 80 tỷ đồng (88,89% vốn điều lệ Hưng Lộc Phát Gia Lai). Tuy nhiên, cả nghị quyết này và việc thay đổi phương án sử dụng vốn sau đó đều chưa được HĐQT HKB báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông năm 2017.
Với lợi thế thương mại phát sinh từ giao dịch trên, Lumex Việt Nam và Hưng Lộc Phát Gia Lai đã dùng toàn bộ số vốn điều lệ tương ứng là 410 tỷ đồng và 90 tỷ đồng để mua lần lượt 3,4 triệu cổ phần và 750.000 cổ phần của CTCP Thương mại xuất nhập khẩu Tấn Hưng từ các cổ đông hiện hữu của công ty này với giá mua 120.000 đồng/CP. Giá giao dịch này được xác định theo kết quả Chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH Định giá Cimeico.
Tiếp đó, Nghị quyết HĐQT ngày 28/4/2017 cho thấy, HKB đã hoàn tất thủ tục góp vốn vào Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường bằng tài sản theo Hợp đồng góp vốn ngày 11/3/2017. Giá trị còn lại của tài sản mang đi góp vốn là gần 4 tỷ đồng, giá trị được các bên thống nhất định giá vốn góp là 28 tỷ đồng, mức chênh lệch hơn 24 tỷ đồng được HKB ghi nhận vào thu nhập trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6/2017.
Ngoài ra, hợp đồng vay đảm bảo tài sn giữa HKB và ông Phạm Anh Tuấn (1 trong 8 cá nhân cho HKB vay tiền) không quy định thời gian thanh toán gốc và lãi vay. Tại ngày 30/06/2018 theo sự thỏa thuận giữa các bên, Công ty chưa thực hiện trích trước chi phí lãi vay.
CPA Việt Nam cho rằng, nếu các tình huống trên không xảy ra thì Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm 2018 của HKB phản ánh trung thực và hợp lý dựa trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ của Công ty.
Ngoài các vấn đề trên, kiểm toán còn đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khoản nợ phải thu được sửa đổi điều khoản thanh toán theo Phụ lục hợp đồng kinh tế với số tiền là 123,5 tỷ đồng. Theo đó, HKB đã ký hợp đồng bán hàng xuất khẩu với điều khoản thanh toán theo hình thức “giao tiền đổi chứng từ” nhờ thu qua ngân hàng tại Maroc.
Tuy nhiên, hàng đã được vận chuyển đến cảng đích, nhưng khách hàng là Ste Top Arabic Sarl A.U chưa đến nhận hàng và thanh toán số tiền còn lại là 251.160 USD (tương đương hơn 5,7 tỷ đồng). Ngày 26/7/2017, Thương vụ Việt Nam tại Maroc đã có thông báo khuyến cáo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không giao dịch với công ty có tên nêu trên. Hiện tại, Ban Tổng giám đốc của HKB đang đàm phán để thu hồi công nợ của Ste Top Arabic Sarl A.U và cho rằng, việc thu hồi công nợ sẽ hoàn tất trong năm nay.
Về kết quả kinh doanh, HKB cho biết, Công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu nguồn vốn tín dụng ngân hàng nên chưa đáp ứng đủ nguồn vốn ngắn hạn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nên ghi nhận lỗ trong quý II/2018, cũng là quý lỗ thứ 5 liên tiếp. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, HKB lỗ hơn 26,4 tỷ đồng chủ yếu do việc giảm trừ giá trị lợi thế thương mại là 22,5 tỷ đồng.
Giải trình về ý kiến của kiểm toán tại Báo cáo tài chính bán niên, HKB cho biết, chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán hiện tại chưa có hướng dẫn xác định giá trị hợp lý đối với khoản đầu tư chưa niêm yết. Việc HKB không đánh giá giá trị hợp lý của khoản đầu tư dài hạn vào Lumex Việt Nam và Hưng Lộc Phát Gia Lai tại ngày 31/12/2017 và 30/6/2018 là do 2 công ty này chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Về hợp đồng vay với ông Phạm Anh Tuấn, HKB cho biết, do hợp đồng "không quy định thời hạn trả gốc và lãi vay" nên HKB chưa thực hiện trích chi phí lãi vay.
Trường hợp của HKB là điển hình của việc ghi nhận lợi thế thương mại không rõ ràng. Trước đó, năm 2016, HKB đã chuyển gần hết 3.500 tỷ đồng tiền ủy thác thành tiền đầu tư vào các công ty không tên tuổi và thông tin không được công bố rõ ràng. Giá trị lợi thế thương mại trong năm 2016 tăng vọt từ 0 đồng lên 447 tỷ đồng, tương đương hơn 60% tổng tài sản. Đến nay, khoản này đang khiến HKB chịu gánh nặng chi phí phân bổ hàng năm và thời gian phân bổ có thể kéo dài 10 năm theo quy định kế toán. Do đó, việc HKB lỗ liên tiếp là điều có thể nhìn thấy từ trước.
Việc lợi thế thương mại giảm, trở thành gánh nặng chi phí là hậu quả của việc doanh nghiệp đánh giá sai tài sản được mua, tài sản không tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai. Song, điều đáng nói hơn là các tồn tại nêu trên đang cho thấy chuẩn mực kế toán hiện còn nhiều "kẽ hở", nếu không sớm được "bít" lại sẽ gây rủi ro không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho cả nhà đầu tư. Kỳ vọng các doanh nghiệp niêm yết sẽ minh bạch hơn trong việc công bố thông tin khi chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được áp dụng từ năm 2020.