Jamie Dimon

Jamie Dimon

JP Morgan “nóng” chuyện tách Chủ tịch và CEO

(ĐTCK) Không ít cổ đông của JP Morgan đang nỗ lực kêu gọi vị Chủ tịch kiêm CEO Jamie Dimon của Ngân hàng phải tách một trong hai vai trò của mình ra cho người khác, nhưng có những luồng ý kiến cho rằng, đây là một hành động bất công đối với một “công thần” của JP Morgan.

“Đây không phải là câu chuyện về quản trị, mà là câu chuyện về những kẻ không có tư tưởng chủ đạo đang cố gắng làm những thứ xuẩn ngốc - vỗ vào mặt và sỉ nhục một CEO xuất sắc chẳng vì một lý do thực tế nào cả”, Barry Diller, lão làng giới truyền thông đầu tuần này thẳng thừng chỉ trích, trước thềm cuộc bỏ phiếu của một nhóm cổ đông JP Morgan Chase với nội dung bãi miễn chức Chủ tịch của Dimon.

Cuộc bỏ phiếu dự kiến được tổ chức trong tuần này. Mặc dù đây chỉ là một cuộc bỏ phiếu diễn ra trong nhóm cổ đông không có quyền biểu quyết và vì thế chỉ mang ý nghĩa tinh thần chứ không có ý nghĩa pháp lý, nhưng nó đã đi xa hơn ý nghĩa của một cuộc tranh cãi đơn thuần về việc JP Morgan có nên tách riêng vai trò của Chủ tịch và CEO ra hay không. Cuộc bỏ phiếu dường như là một cuộc trưng cầu ý kiến về cá nhân ông Dimon.

Động thái trên diễn ra sau một số bê bối của JP Morgan trong năm vừa qua. Hồi tháng 4/2012, báo chí có một loạt thông tin giật gân về việc các giao dịch viên của JP Morgan thực hiện các giao dịch có quy mô quá lớn, đến nỗi các giao dịch viên này được đặt biệt danh là “Cá voi London”. Sự việc này đã trở thành một trong những sai lầm của Dimon và gây thiệt hại cho Ngân hàng hàng tỷ USD cùng với nhiều vấn đề về mặt pháp lý sau đó. Tuy nhiên, vụ bê bối này không đến nỗi làm lụn bại Ngân hàng.

Trong khi đó, các ý kiến ủng hộ Dimon nói rằng, một sự thật không thể bàn cãi là JP Morgan vẫn là một trong những ngân hàng tốt nhất phố Wall dưới sự lãnh đạo của Dimon. JP Morgan thậm chí có thể là ngân hàng lớn duy nhất ở nước này không cần tới một gói cứu trợ. Ngân hàng không thua lỗ trong một quý nào dưới sự lãnh đạo của Dimon, vượt trội so với hầu hết công ty trong chỉ số Standard & Poor’s 500, cũng như so với các ngân hàng tương đương trong vòng 5 năm qua.

Đáng chú ý, cuộc “bạo động” nhằm vào cá nhân vị Chủ tịch và CEO của JP Morgan đã bỏ qua một chi tiết: người có khả năng thay thế Dimon để trở thành Chủ tịch là Lee Raymond hiện trên thực tế đang giữ những quyền hạn gần giống Chủ tịch. Vì vậy, cuộc tranh cãi này chủ yếu là về danh nghĩa và nếu Ban quản trị JP Morgan bổ nhiệm một người từ bên ngoài giữ vị trí Chủ tịch, sẽ có những phức tạp phát sinh.

Ira Millstein, một trong các chuyên gia về quản trị doanh nghiệp, hiện đang là Chủ tịch Trung tâm thị trường toàn cầu và Sở hữu doanh nghiệp ở Trường đại học Luật Columbia và là một luật sư ở Weil, Gotshal & Manges chia sẻ, cho dù ủng hộ việc phân tách quyền lực, nhưng ông vẫn suy nghĩ “mở”. “Tôi tin rằng, việc phân tách không nhất thiết phải áp dụng cho mọi trường hợp”.

Thực tế, những bằng chứng cho việc tách riêng vai trò chủ tịch và CEO có tác động tích cực rất ít. Một số nghiên cứu đã cố gắng định lượng ảnh hưởng, nhưng cuối cùng không đi đến kết quả. Ở châu Âu, phần lớn công ty đại chúng đã tách riêng vai trò của chủ tịch và CEO. Nhưng sau đó, cân nhắc đến cuộc khủng hoảng tài chính, hầu như mọi ngân hàng lớn ở Anh đều cần đến gói cứu trợ, dù rằng họ đã tái cấu trúc mô hình quản trị, trong đó có cả việc tách riêng vai trò chủ tịch và CEO. Ngay cả khi nhìn vào Top 50 công ty hàng đầu của Fortune, chỉ có 4 công ty đã thực hiện việc tách vai trò này.

Henry M. Paulson Jr., cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính và là cựu Chủ tịch kiêm CEO của Goldman Sachs nói, về lý thuyết, ông không phản đối việc tách vai trò giữa chủ tịch và CEO, nhưng trong trường hợp của JP Morgan, ông tin rằng, đây là một quyết định sai lầm.

“Jamie Dimon đã lèo lái JP Morgan đi qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong thời đại của chúng ta và giờ đây là đi qua thời kỳ thay đổi lớn về hệ thống pháp lý”, Paulson nói. “Với tôi, trong các giai đoạn diễn ra những thay đổi lớn, việc duy trì đội ngũ và cấu trúc lãnh đạo, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo tốt của ông ấy là con đường tốt nhất. Một sự thay đổi về cấu trúc lúc này là không có cơ sở”.