Một trong dự án điện gió đã vận hành tại huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị
Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, Tổ chức JICA đã đồng ý tài trợ vốn vay để tỉnh này thực hiện dự án điện gió với công suất lên đến 144MW tại địa phương.
Đây là dự án sản xuất điện gió được tài trợ theo hình thức cho vay dự án đầu tiên của JICA tại Việt Nam, được kỳ vọng là mô hình mẫu cho các dự án điện gió do khối tư nhân, bao gồm các công ty Nhật Bản và Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đầu tư.
Ngoài ra, dự án còn góp phần thực hiện “Sáng kiến về cho vay và đầu tư hải ngoại khu vực ASEAN” công bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản ngày 4/11/2019 và cũng là dự án điện gió quy mô lớn tại Việt Nam lần đầu tiên do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư.
Được biết, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Xây lắp điện I - một công ty lớn tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo và xây lắp công trình điện - và RENOVA Inc., công ty năng lượng tái tạo hàng đầu của Nhật Bản.
Bên vay là ba công ty dự án bao gồm Công ty cổ phần Điện gió Liên Lập, Công ty cổ phần Điện gió Phong Nguyên và Công ty cổ phần Điện gió Phong Huy. Dự án do JICA, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan tín dụng xuất khẩu (EFA) của Chính phủ Australia đồng tài trợ vốn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, Quảng Trị được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển điện gió, điện mặt trời, năng lượng khí... Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chọn công nghiệp năng lượng là một trong những lĩnh vực đột phá của tỉnh với quyết tâm “Xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030”.
“Vóc dáng của ngành công nghiệp năng lượng đang dần hiện hữu hôm nay được đặt nền móng vững chắc từ công tác quy hoạch, kêu gọi, xúc tiến đầu tư từ những nhiệm kỳ trước”, ông Hưng chia sẻ.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương đến nay, tỉnh Quảng Trị đã đề xuất trung ương bổ sung quy hoạch 84 dự án điện gió với tổng công suất trên 4.030 MW, trong đó 31 dự án được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất trên 1.177 MW; 53 dự án với tổng công suất trên 2.853 MW đã trình Bộ Công thương xem xét, bổ sung quy hoạch.
Ngoài ra, còn có 8 dự án đang giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.620 MW.
Trong 31 dự án được phê duyệt quy hoạch, hiện có 2 dự án với công suất 60 MW đã hoạt động; 25 dự án với công suất 987,2 MW đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai thi công.