Jeff Kindler, Tổng Giám đốc Pfizer.

Jeff Kindler, Tổng Giám đốc Pfizer.

Jeff Kindler: Nỗi đau của Pfizer

Quá trình lên đến đỉnh cao và sau đó bị hạ bệ của Jeff Kindler đã cho thấy toàn cảnh một Pfizer bị chia rẻ và một bài học đắt giá về quản trị doanh nghiệp.

Đối với Jeff Kindler, 4.12.2010 là một ngày tủi nhục. Từng là một luật sư tố tụng chuyên đi chất vấn người khác, vị Tổng Giám đốc của Pfizer (Mỹ) nay phải ra giải trình trước Hội đồng Quản trị. Nguyên do là nhiều quản lý cấp cao đã tố cáo Kindler trù dập chèn ép cấp dưới và cách quản lý của ông đã làm cho Tập đoàn bị trì trệ. Một thông cáo báo chí bất thường của Pfizer vào tối ngày 5.12 nói rằng Kindler (55 tuổi) đã về hưu với hiệu lực tức thì.

 

Nhưng mọi chuyện lại không đơn giản như thế. Kindler và Công ty cho biết họ đã ký thỏa thuận tuyệt mật về sự ra đi của Kindler. Và Tạp chí Fortune đã phải theo đuổi đề tài này trong 4 tháng liền để tìm hiểu sự thật đằng sau sự ra đi của Kindler.

 

Điều tra của Fortune về thời kỳ nhậm chức đầy sóng gió của Kindler đã hé lộ những thách thức mà Pfizer - tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới có doanh số bán hằng năm 68 tỉ USD nhờ các biệt dược như Lipitor và Viagra - phải đối mặt: Pfizer chuyên sản xuất thuốc điều trị bệnh nhưng các lãnh đạo tại đây thì không cứu chữa được mình khi đã mất quá nhiều thời gian vào việc tranh giành quyền lực và đấu đá lẫn nhau. Cái giá phải trả là sự xuống dốc của Pfizer.

 

Một ngôi sao muốn tỏa sáng

 

Kindler tốt nghiệp thứ hạng cao từ Đại học Tufts và Trường Luật Harvard. Sau đó, ông trở thành luật sư tại hãng luật Williams & Connolly. Ông đã biện hộ thành công nhiều vụ kiện lớn. “Trong thế giới của chúng tôi, Jeff là một ngôi sao”, Ben Heineman, từng là cố vấn chung tại General Electric, nhận xét. Nhưng Kindler là dạng ngôi sao muốn trở thành một ngôi sao lớn hơn.

 

Năm 1996, ở tuổi 40, ông trở thành cố vấn chung tại McDonald’s và luôn tìm mọi cách để leo lên bậc thang danh vọng. Hầu hết những người quen biết Kindler đều công nhận ông đã giải quyết gọn gàng các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ phức tạp, có khả năng thuyết phục người đối diện và cũng có sức cày hơn cả bất cứ ai khác.

 

Tuy nhiên, tại đây ông cũng bộc lộ một số nhược điểm: hành xử theo cách của một luật sư tố tụng. Ông tìm hiểu thông tin bằng cách chất vấn người khác; nghi ngờ những gì được báo cáo, quá chú trọng đến tiểu tiết và cực kỳ nhạy cảm với lời chê bai của người khác.

 

Năm 2000, sau khi McDonald’s mua lại đối thủ Boston Market bị phá sản, Kindler đã vạch ra một kế hoạch phục hồi công ty này. Nhờ vậy, ông được cất nhắc lên vị trí Chủ tịch Partner Brands của McDonald’s. Không lâu sau đó, Pfizer đã chiêu dụ Kindler. Công ty mời ông vào vị trí cố vấn chung, giám sát 330 luật sư trên toàn thế giới.

 

Kindler trở thành CEO nhờ cuộc đấu đá quyền lực

 

Vào thập niên 1990, Pfizer đã trở thành đế chế dược phẩm toàn cầu từ một công ty dược phẩm và hóa chất nhỏ thành lập năm 1849 tại Brooklyn . Nhưng thế mạnh lớn nhất của Pfizer không phải là phát triển dược phẩm mà là bán chúng khi có trong tay lực lượng trình dược viên hùng hậu nhất trong ngành. Các công ty khác thậm chí cũng phải ký thỏa thuận để Pfizer tiếp thị thuốc của họ. Chính sức mạnh định giá và các chiến dịch marketing ráo riết của Pfizer đã giúp cho Lipitor cất cánh khi được tung ra vào năm 1997 và trở thành loại thuốc đầu tiên trên thế giới đem lại doanh số 10 tỉ USD mỗi năm.

 

Pfizer ngày càng tỏa sáng nhờ vào những loại biệt dược thu về hàng tỉ USD mỗi năm: vào năm 2001, 8 loại thuốc đã tạo ra hơn 50% doanh thu của Pfizer. Thế nhưng, 3 trong số những biệt dược của Hãng đang sắp hết thời hạn bản quyền sáng chế và sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ thuốc phiên bản.

 

Tổng Giám đốc Hank Mckinnell khi đó đã ra sức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), nhưng một loại thuốc mới thì phải mất cả 10 năm mới có thể hoàn tất giai đoạn phát triển và phê chuẩn. McKinnell tuyệt vọng và ngày càng dành ít thời gian hơn ở văn phòng. Và điều này đã tạo cơ hội cho Bill Steere, nguyên Tổng Giám đốc (CEO), quay trở lại với đỉnh vinh quang. Khi Pfizer không còn hùng mạnh, mâu thuẫn nội bộ cũng trở nên căng thẳng hơn. Cho rằng chính Steere là người làm loạn xị mọi thứ, McKinnell đã cố gắng loại bỏ vai trò cố vấn của Steere. Thế nhưng, Steere lại rất có tiếng tăm trong Hội đồng Quản trị và Hội đồng đã nhiều lần nâng tuổi về hưu cho các thành viên để Steere có thể ở lại.

 

Năm 2005, McKinnell đã tính đến chuyện tìm người để kế vị vào năm 2008. Ông đề cử 3 nhà điều hành vào vị trí Phó Chủ tịch: 2 trong số đó là những ngôi sao lâu năm ở Pfizer gồm Karen Katen và David Shedlarz. Nhưng vẫn còn có một ứng cử viên nữa là Kindler, vốn được sự hậu thuẫn của Steere. Kindler khi đó mới ở Pfizer chỉ 3 năm và là một tay mơ. Hơn nữa, ông bị mất lòng không ít người do cách quản lý vụn vặt ưa can thiệp vào mọi thứ.

 

Một bất lợi cho Katen và Shedlarz là sức hấp dẫn của McKinnell ngày càng suy yếu. Mặc dù McKinnell còn 2 năm nữa mới về hưu, nhưng với sức ép gia tăng, tháng 7.2006, Hội đồng Quản trị đã tính đến chuyện cho McKinnell ra đi. Steere lợi dụng cơ hội này để ra sức ủng hộ Kindler. Việc Kindler được lựa chọn vào vị trí CEO đã gây sửng sốt cho nhiều người. George Evans, luật sư làm việc tại Pfizer 26 năm, đã từ chức ngay sau đó.

 

Rối càng thêm rối

 

Khi đảm nhiệm chức CEO vào tháng 7.2006, Kindler đã cam kết sẽ chuyển đổi tích cực cách Pfizer kinh doanh về mọi mặt. Ông cũng đặt ra các mục tiêu lớn: hiện đại hóa Công ty và cải thiện năng lực phát triển những loại thuốc mới sinh lợi.

 

Kindler đã thừa kế 2 niềm hy vọng về thuốc mới tại McKinnell. Nhưng cả 2 đều chấm dứt trong thảm họa. Tháng 11.2006, Kindler tuyên bố thuốc trị cholesterol cao trong máu torcetrapib “sẽ là một trong những loại thuốc quan trọng nhất trong thế hệ của chúng ta”. Nhưng 2 ngày sau đó, loại thuốc này đã đi vào dĩ vãng. Các cuộc thử nghiệm cho thấy bệnh nhân dùng thuốc này có nguy cơ tử vong tăng 60% so với nhóm không dùng thuốc. Và Kindler đã quyết định khai tử nó.

 

Niềm hy vọng thứ 2 là Exubera, một loại insulin ở dạng hít (insulin cần cho người bị đái tháo đường). Pfizer đã bỏ ra hàng tỉ USD vào loại thuốc này nhưng doanh số bán năm 2007 chỉ là 12 triệu USD.

 

Những thất bại trên càng khiến Kindler rơi vào bế tắc. Ông đã tuyên bố cắt giảm tới 20% lực lượng trình dược viên tại Mỹ. Ông cũng nghĩ đến việc thâu tóm nhưng lại không quyết định được nên mua nhiều công ty nhỏ, hay mua một công ty lớn. Kindler càng không biết làm gì đối với bộ phận R&D. Ông đã đúng khi biết rằng mô hình cũ của Pfizer không còn phát huy tác dụng, vì bành trướng không có nghĩa là có thể tăng năng lực R&D, sản xuất ra được những loại thuốc mới. Từ 2000-2008, Pfizer đã bỏ ra 60 tỉ USD vào R&D và tạo ra 9 loại thuốc được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn. Với tốc độ này, Bernard Muno, một chiến lược gia đã nghỉ hưu tại hãng dược Eli Lilly, cho rằng dòng sản phẩm mà Công ty tự phát triển không đủ để duy trì lợi nhuận.

 

Kindler cho rằng thời đại của những viên thuốc siêu lợi nhuận như Lipitor đã hết. Và ông bắt đầu tinh gọn bộ phận R&D. Nhưng quá trình cải tổ R&D cũng rất lộn xộn. Chỉ trong 4 năm rưỡi giữ chức CEO, ông đã cho thay 3 vị đứng đầu bộ phận R&D. “Khi cứ mỗi 18 tháng, bạn lại thay đổi ý định thì mọi hoạt động trong tổ chức đều bị tê liệt. Để làm khoa học, cần phải có sự liên tục”, Bruce Roth, khoa học gia, “cha đẻ của Lipitor” nói.

 

Kindler đang mày mò tìm câu trả lời trong một ngành quá phức tạp mà kinh nghiệm và kiến thức của ông rất hạn chế. Để đưa vào những luồng tư tưởng mới, ông đã thay dàn quản lý cấp cao như chong chóng. Ông đưa vào người mới, nhưng lại cũng không tin tưởng họ. Ông thường quay sang hỏi ý kiến người ngoài, trong đó có các đồng nghiệp cũ. Khi áp lực tại Pfizer càng gia tăng thì ông càng tra tấn cấp dưới cả ngày lẫn đêm bằng những tin nhắn dài qua điện thoại, yêu cầu mọi người phải trả lời ngay. Chuyện đi họp vào các ngày nghỉ cuối tuần trở thành cơm bữa.

 

Bill Ringo, chiến lược gia được Kindler mời về vào năm 2008, nhận xét: “Lối suy nghĩ của một luật sư tố tụng, hay chất vấn người khác đã làm tê liệt khả năng lắng nghe của Kindler”.

 

Thảm họa Mary Leod

 

Với tính đa nghi, Kindler không tin tưởng ai ngoài bản thân. Người duy nhất ông tin là Mary McLeod, đứng đầu bộ phận nhân sự (HR). Trước khi gia nhập Pfizer bà đã làm việc tại GE, Cisco và Charles Schwab và nơi nào cũng là thảm họa. Thậm chí bà đã bị Charles Schwab sa thải năm 2004 vì gây chia rẻ nội bộ, nói xấu người khác, không thành thật.

 

Nhưng Kindler dường như không thấy được điều này và vẫn tuyển dụng McLeod. Thậm chí, Kindler trao cho McLeod nhiều ân sủng như dùng trực thăng Công ty vào cuối tuần, trả lương hậu hĩnh. Thay vì kết nối dàn quản lý dưới trướng mình (gọi là ELT), Kindler càng khiến họ rời xa mình, đặc biệt với sự “giúp sức” của McLeod.

 

Có 2 trong số 11 thành viên của ELT bị lãnh đủ. Một là luật sư danh tiếng Amy Schulman, cố vấn chung của Tập đoàn. Còn người kia là Ian Read, gia nhập Pfizer vào năm 1978 và điều hành bộ phận dược phẩm từ năm 2008. Trong suốt thời gian ở Pfizer, Read có tiếng là một nhà điều hành giỏi và nhạy bén nhưng cũng không chịu nổi cách đối xử của Kindler và đã tính đến chuyện ra đi. Khi đó, Kindler mới nhận ra rằng mình không thể mất Read vì Read chịu trách nhiệm quản lý bộ phận nắm giữ tới 90% doanh số bán của Tập đoàn.

 

Con giun xéo lắm cũng quằn. Schulman bắt đầu công khai ý nghĩ của bà về Kindler. Các nhà điều hành khác cũng chống đối ra mặt. Nhưng Hội đồng Quản trị vẫn bỏ lơ. Có ai ngờ sự nghiệp của Kindler phải kết thúc vì người thân tín nhất của mình là McLeod. Lúc đó, McLeod nhận được kết quả đánh giá năng lực lãnh đạo cực kỳ thấp từ các nhà điều hành cấp dưới của mình. Bà đã phản ứng bằng cách gửi email xỉ vả và hăm dọa vào ngày 9.11.2010. Vào ngày 14.11, một người đã chuyển tiếp email này cho Kindler và Hội đồng Quản trị. Người viết yêu cầu phải có một cuộc điều tra và cho biết mình sợ bị trả thù.

 

Hội đồng Quản trị đã họp vào ngày 16.11 để tìm hiểu thực hư chuyện của McLeod. Kindler đã bảo vệ McLeod, còn khen ngợi bà đã làm tốt vai trò Giám đốc HR của mình. Schulman yêu cầu phải tiến hành một cuộc điều tra bởi một tổ chức độc lập. Cuộc điều tra kéo dài 2 tuần do Bart Friedman, luật sư tại Cahill Gordon & Reindel, chuyên về quản trị doanh nghiệp, thực hiện. Sau khi phỏng vấn tất cả cấp dưới quyền của McLeod, Friedman kết luận bộ phận HR hoàn toàn rệu rã do quản lý quá yếu kém. Vào ngày 1.12, Kindler cuối cùng đã phải quyết định chia tay vị Giám đốc HR của mình, tuy nhiên với một gói trợ cấp thôi việc cực kỳ hào phóng.

 

Từ sau vụ việc của McLeod, các thành viên Hội đồng Quản trị mới ngỡ ngàng nhận ra cách quản trị của Kindler là có vấn đề. Cổ phiếu Pfizer đã giảm 36% kể từ khi Kindler lên nắm quyền.

 

Những điều này buộc Hội đồng Quản trị phải hành động. Họ đã cho thực hiện các cuộc điều tra cũng như khảo sát ý kiến của 11 thành viên thuộc ELT về cách lãnh đạo của Kindler. Kindler lúc đó mới hốt hoảng chạy đi tìm người ủng hộ. Ngay cả Steere, đồng minh lâu năm của Kindler cũng không trả lời cuộc gọi của ông. Kết quả điều tra cho thấy: Không một ai ủng hộ Kindler 100%. Tất cả đều xác nhận là tình hình tại Pfizer cực kỳ tồi tệ. Ngày 4.12.2010, Kindler đã bị triệu tập khẩn cấp ra trước Hội đồng Quản trị và phải từ chức vào ngày 5.12.

 

8 tháng kể từ khi Kindler ra đi, tân Tổng Giám đốc Ian Read đã cố gắng đưa Pfizer ra khỏi mớ bòng bong và đề ra hướng đi mới cho Tập đoàn. Ông đã giảm quy mô hoạt động bằng cách sa thải lao động và bán đi một số bộ phận và tập trung vào lĩnh vực cải tiến. Kể từ khi Read lãnh đạo, cổ phiếu Pfizer đã tăng lên khoảng 20%, đạt khoảng 20 USD/cổ phiếu. Trong nội bộ, dường như mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.

 

Mặc dù Pfizer đang đối mặt với nhiều khó khăn ở phía trước, đặc biệt là vấn đề hết hạn bản quyền sáng chế Lipitor vào tháng 11.2011, nhưng ít nhất đã đạt được một điều, đó là mọi người đang nhìn về cùng một hướng.