ITD: Tổ chức ĐHCĐ sai luật, Tòa tuyên hủy Nghị quyết

ITD: Tổ chức ĐHCĐ sai luật, Tòa tuyên hủy Nghị quyết

(ĐTCK) CTCP Phát triển kỹ thuật và đầu tư (ITD) tổ chức ĐHCĐ sai luật, nhưng lý do chính để nhóm cổ đông khởi kiện hủy bỏ nghị quyết là sự nghi ngờ về phương án tăng vốn.

ITD: Tổ chức ĐHCĐ sai luật, Tòa tuyên hủy Nghị quyết ảnh 1ITD sở hữu 3.000 m2 “đất vàng”, nhưng năm 2012 thua lỗ 22% vốn điều lệ (Ảnh: ITD)

 

Tòa tuyên hủy 02 Nghị quyết

Ngày 5/4, TAND Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ kiện yêu cầu hủy Nghị quyết ĐHCĐ thường niên ngày 26/4/2012 và Nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 12/5/2012 của ITD. Theo đó, một nhóm cổ đông của ITD đã khởi kiện đề nghị Tòa án hủy 2 Nghị quyết nói trên, với lý do Công ty tổ chức ĐHCĐ sai trình tự, thủ tục mà luật pháp quy định.

Tại phần xét hỏi, đại diện nhóm cổ đông khởi kiện cho biết, khi tổ chức ĐHCĐ thường niên, ITD chỉ gửi giấy mời họp, chương trình họp, mẫu ủy quyền dự họp. Theo chương trình, đại hội có 4 nội dung thảo luận gồm: kết quả kinh doanh năm 2011 và kế hoạch, mục tiêu kinh doanh năm 2012; báo cáo HĐQT; báo cáo Ban kiểm soát và phương án phát hành tăng vốn riêng lẻ. ITD đã không gửi tài liệu về các nội dung nói trên để đại hội lấy đó làm căn cứ thảo luận. Như vậy, Công ty đã vi phạm quy định về trình tự tổ chức ĐHCĐ, theo đó phải gửi kèm theo thông báo mời họp “các tài liệu thảo luận làm cơ sở thông qua quyết định và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp”.

Tiếp đó, dù chương trình đại hội có 4 nội dung nêu trên, nhưng ĐHCĐ đã thảo luận và biểu quyết thông qua 7 nội dung. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, khi có vấn đề phát sinh cần được đưa ra thảo luận tại đại hội, thì phải có người đề xuất và phải được đại hội biểu quyết đồng ý. Tuy nhiên, trên thực tế, ĐHCĐ của ITD không thực hiện đúng các quy định trên.

Cuối cùng, về thể thức tiến hành họp, Công ty đã không bầu Ban kiểm phiếu. Chức năng kiểm phiếu được Chủ tịch đoàn “kiêm” luôn.

Tương tự như vậy, đối với ĐHCĐ bất thường về phát hành riêng lẻ để tăng vốn điều lệ, ITD chỉ gửi cho cổ đông thư mời họp, chương trình họp, mẫu ủy quyền. Phương án phát hành riêng lẻ không được gửi cho cổ đông.

Đại diện ITD thừa nhận đã có sai sót trong việc chuẩn bị tổ chức hai ĐHCĐ nói trên. Lý do ITD đưa ra là để tránh lãng phí chi phí sao chụp nhiều tài liệu và gửi bằng đường chuyển phát nhanh, nên Công ty chỉ gửi thư mời họp, chương trình đại hội, giấy ủy quyền theo đường bưu điện, còn các tài liệu khác phục vụ đại hội đều được gửi cho cổ đông bằng thư điện tử (email).

Đại diện nhóm cổ đông khởi kiện đã không chấp nhận giải thích này của ITD, bởi việc này vi phạm quy định tại Điều 100, Luật Doanh nghiệp, theo đó, tài liệu phải được gửi bằng phương thức bảo đảm đến địa chỉ thường trú của cổ đông.

Sau khi nghị án, xét thấy đơn khởi kiện của nhóm cổ đông có căn cứ, Hội đồng xét xử đã tuyên hủy 2 Nghị quyết ĐHCĐ năm 2012 của ITD.

 

Nghi ngờ phương án tăng vốn

Trao đổi với ĐTCK bên lề phiên tòa, đại diện nhóm cổ đông khởi kiện chia sẻ, sở dĩ phải khởi kiện để hủy Nghị quyết ĐHCĐ là vì ITD có biểu hiện thiếu minh bạch, không đảm bảo quyền lợi của cổ đông, nhiều năm có kết quả kinh doanh yếu kém, phương án tăng vốn điều lệ gây ra nghi ngờ về việc thâu tóm Công ty với giá rẻ.

Về kết quả kinh doanh, năm 2011, Công ty chỉ đạt 50% kế hoạch, cổ tức 7%. Năm 2012, Công ty thua lỗ 22% vốn điều lệ, báo cáo kiểm toán đã ngoại trừ 3 chỉ tiêu quan trọng gồm hàng tồn kho, tài sản cố định và tiền mặt. Từ khi cổ phần hóa năm 2008 đến nay, ITD trả cổ tức hàng năm ở mức rất thấp. Trong khi đó, ITD đang quản lý và khai thác khu đất “vàng” gần 3.000 m2 ở mặt đường Vũ Ngọc Phan và Láng Hạ (Hà Nội).

Liên quan đến phương án tăng vốn điều lệ, ITD dự định phát hành tăng vốn điều lệ để bổ sung vốn kinh doanh, chuẩn bị kinh phí cho việc triển khai giai đoạn đầu của Khu phức hợp IMI Tower tại khu đất “vàng” nói trên. Phương án tăng vốn điều lệ này không được nhóm cổ đông nêu trên ủng hộ, vì nghi ngờ có mục đích thâu tóm Công ty ở đây. Đại diện nhóm cổ đông cho biết, bỏ qua các chi tiết của phương án phát hành, điều họ quan tâm nhất là sau khi tăng vốn, cơ cấu sở hữu sẽ ra sao, ai sẽ trở thành “ông chủ lớn” của ITD? Bởi lẽ, cổ đông lớn Nhà nước, chiếm 65% vốn điều lệ tại ITD, do IMI - DN hoạt động theo mô hình công ty TNHH nhà nước một thành viên làm đại diện, sẽ không thực hiện quyền mua cổ phiếu ITD phát hành thêm. Cổ đông Nhà nước không mua thì quyền mua này sẽ được phân phối như thế nào? Tại ĐHCĐ bất thường, một lãnh đạo của ITD cho rằng, Nhà nước bán cho ai là quyền của cổ đông Nhà nước.