Biểu tình phản đối cắt giảm ngân sách ở Italy. (Ảnh: Ngự Bình/Vietnam+)

Biểu tình phản đối cắt giảm ngân sách ở Italy. (Ảnh: Ngự Bình/Vietnam+)

"Italy sẽ không đạt mục tiêu cân bằng ngân sách"

Theo hãng tin ANSA, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 20/9 nhận định rằng Italy sẽ không đạt được mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2013.

Với việc công bố các số liệu sửa đổi, IMF dự báo thâm hụt ngân sách của Italy vào năm 2013 sẽ là 1,1%, sau khi duy trì ở mức 4% trong năm nay và 2,4% vào năm 2012. Tỷ lệ nợ công sẽ đứng ở mức 121,1% GDP trong năm nay và tăng tới 121,4% vào năm tới. Theo IMF, nợ công của Italy sẽ chỉ ổn định vào năm 2012 và bắt đầu giảm vào năm tiếp theo.

 

Dự báo sửa đổi của IMF được đưa ra sau khi Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm nợ công của Italy từ ‘A+/A-1+’ xuống mức ‘A/A-1′ và giữ triển vọng tín dụng của nước này ở mức tiêu cực.

 

Các nhà phân tích cho rằng hành động này của S&P đã khiến Chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi giận dữ, nhưng các thị trường dường như không hề bị ảnh hưởng do điều này đã được dự đoán từ trước. Thủ tướng Berlusconi đã gọi hành động của S&P là "mang tính chính trị" và chỉ phản ánh những tin tức báo chí chứ không phản ánh thực tế kinh tế của Italy, điều mà S&P đã lên tiếng phản đối.

 

Một phát ngôn viên của Uỷ viên phụ trách tài chính châu Âu Olli Rehn đã gọi đánh giá của S&P về các triển vọng của Italy là "rất nghiêm trọng", nhưng nhắc lại sự cần thiết phải cải cách cơ cấu.

 

Nghiệp đoàn Giới chủ Công nghiệp Italy (Confindustria) cũng kêu gọi chính phủ tiến hành cải cách cơ cấu, kể cả việc cải cách sâu rộng hệ thống lương hưu, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và "cứu lấy đất nước này". Chủ tịch Confindustria, bà Emma Marcegaglia nói: "Chúng tôi đã chán ngấy cảnh Italy trở thành trò cười của quốc tế. Nhưng việc cho rằng Thủ tướng có nên từ chức hay không thì không phải là nhiệm vụ của tôi."

 

Trong khi đó, phe đối lập trung tả và trung dung ở Italy lại lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Berlusconi từ chức để ủng hộ việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Nhà phân tích Mertiz Kraemer thuộc S&P cho rằng trừ phi Italy thúc đẩy tăng trưởng, nếu không nước này sẽ có nguy cơ tiếp tục bị hạ cấp xếp hạng tín nhiệm nợ công "trong khoảng từ 12-18 tháng tới."

 

Về phần chính phủ, Bộ trưởng Kinh tế Italy Giulio Tremonti đã khẳng định lại các kế hoạch nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời nói thêm rằng "chúng ta nên thực hiện một số hoạt động tiếp thị cho Italy". Mới đây, Quốc hội Italy đã thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng trọn gói trị giá 54,2 tỷ Euro (74 tỷ USD) của chính phủ nhằm đạt được các điều kiện mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra để thực hiện việc mua trái phiếu chính phủ của quốc gia này.

 

Hồi tháng 7, Italy cũng đã thông qua kế hoạch cắt giảm chi tiêu gần 48 tỷ euro. Giới chuyên gia nhận định việc làm này sẽ khiến nền kinh tế Italy tiếp tục giảm tốc trong thời gian tới.

 

Cùng ngày 20/9, thị trường chứng khoán Milan của Italy vẫn không hề bị ảnh hưởng tiêu cực sau quyết định của S&P với chỉ số MIB của thị trường này tăng tới 1,91% sau phiên đóng cửa. Trong khi đó, chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ giữa Đức và Italy hiện đã giảm xuống dưới mức nguy hiểm 400 điểm cơ bản sau khi tăng mạnh trước đó do quyết định của S&P hạ cấp xếp hạng nợ công của Italy./.