IPO tháng 7 dự kiến hút 2.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của 2 doanh nghiệp nhà nước là Vinatex và Vocarimex diễn ra trong tháng 7/2014 dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm không nhỏ của các nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức. Đơn giản, hai doanh nghiệp này đều hoạt động trong những lĩnh vực đang có sức hấp dẫn nhà đầu tư.
IPO tháng 7 dự kiến hút 2.000 tỷ đồng

Vinatex - Tập đoàn Dệt may Việt Nam, là con chim đầu đàn trong ngành dệt may - lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam. Sự nổi lên của TCM - Dệt may Thành Công, trong năm qua, giúp các nhà đầu tư đại chúng nhìn nhận được sức hấp dẫn của ngành này trước ngưỡng cửa Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với thế mạnh và tiềm lực vốn có, Vinatex chắc chắn sẽ tận dụng được cơ hội từ TPP. Còn với Vocarimex - Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, lại là công ty trong lĩnh vực thực phẩm - tiêu dùng, chiếm thị phần lớn tại thị trường nội địa. Những doanh nghiệp kiểu như Vocarimex hiện không chỉ “hot” với các nhà đầu tư tài chính thông thường, mà với cả những nhà đầu tư tìm kiếm mục tiêu M&A.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào tiềm năng tăng trưởng sau cổ phần hóa, với sự thay đổi mạnh mẽ về chiến lược và quản trị, hai doanh nghiệp này sẽ chỉ hấp dẫn với nhà đầu tư dài hạn. Còn dựa vào kết quả kinh doanh, mức chi trả cổ tức dự kiến năm nay và kế hoạch tăng trưởng các năm sau mà 2 doanh nghiệp công bố, thì nhiều khả năng mức giá IPO sẽ không quá cao so với giá khởi điểm, có thể dao động từ 10.000 - 11.000 đồng/cổ phần.

Với mức giá như vậy, IPO Vocarimex dự kiến sẽ hút của thị trường từ 300 đến 400 tỷ đồng, còn IPO Vinatex sẽ hút khoảng 1.100 đến 1.500 tỷ đồng. Và một khoản vốn tương đương nữa là khoản mà các nhà đầu tư chiến lược bỏ ra để đầu tư lâu dài vào doanh nghiệp. Như vậy, tính chung hai đợt IPO trong tháng 7 dự kiến sẽ hút khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương thanh khoản 1 phiên giao dịch trên sàn không phải là quá lớn.

Còn đợt IPO của doanh nghiệp “khủng” hơn là VietnamAirlines, dự kiến sẽ diễn ra cuối năm có lẽ chỉ dành cho những nhà đầu tư thật sự chuyên nghiệp, bởi việc định giá doanh nghiệp hàng không trên thị trường chưa có tiền lệ. Các nhà đầu tư cá nhân cũng cần thời gian nhiều hơn để hiểu về cổ phiếu của đại gia này và cân nhắc khả năng tham gia, bởi ngành hàng không nghe thì sang, nhưng khả năng sinh lời, trả cổ tức cao hàng năm là rất khó.

Với khả năng hút 2.000 tỷ đồng vào IPO tháng 7, các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu trên sàn không phải quá lo ngại, bởi IPO dù có hấp dẫn, nhưng khối lượng cổ phiếu đấu giá không quá lớn, nên khả năng “rút ruột” thị trường niêm yết là không thể. Còn với các nhà đầu tư còn nghi ngại cơ hội đầu tư trên thị trường niêm yết, thì đây chính là thời điểm thích hợp để gia nhập thị trường từ các đợt IPO. Xét trên bình diện toàn thị trường, sau IPO, các doanh nghiệp lớn sẽ sớm lên niêm yết, góp phần làm đa dạng hóa hàng hóa trên sàn cũng như tăng giá trị thị trường, điều mà các thành viên và nhà đầu tư mong chờ! 

Tin bài liên quan