Trong tháng 12/2014, có 15 doanh nghiệp thực hiện việc đấu giá cổ phần tại HOSE
Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), trong tháng 12/2014, khoảng 240 triệu cổ phần được chào bán tại HOSE thông qua các đợt đấu giá.
Cụ thể, trong tháng 12/2014, có 15 doanh nghiệp thực hiện việc đấu giá cổ phần tại HOSE. Trong đó, tính đến ngày 8/12, đã có 5 doanh nghiệp hoàn tất bán cổ phần và trong thời gian còn lại, có tới 10 doanh nghiệp nữa sẽ tiếp tục “xả hàng”.
Đặc biệt, 2 đợt chào bán đáng quan tâm nhất trong số các doanh nghiệp trong danh sách IPO tới đây là Công ty TNHH một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) đấu giá ngày 11/12 và đợt IPO của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) diễn ra vào ngày 12/12.
Về phiên đấu giá Đạm Cà Mau diễn ra vào sáng nay (11/12), có 1.178 nhà đầu tư trúng giá với mức giá bình quân 12.251 đồng/cổ phần, tăng nhẹ 2% so với giá khởi điểm. Đáng chú ý, khối lượng đặt lớn nhất tới 40 triệu cổ phần đến từ PVCombank.
Như vậy, gần 129 triệu cổ phần của PVCFC đã được đấu giá hết tại mức giá bình quân 12.251 đồng/cổ phần. Tương ứng tổng giá trị cổ phần bán được là 1.579.8 tỷ đồng.
Trong năm 2014, thị trường đã từng diễn ra những đợt IPO lớn và các đợt chào bán này cũng đã hút của thị trường một lượng tiền không nhỏ.
Trong tháng 11/2014, IPO của Vietnam Airlines đã hút một lượng tiền trị giá 1.093,2 tỷ đồng. Theo đó, toàn bộ 49 triệu cổ phần Vietnam Airlines đã được bán hết, với giá khớp lệnh bình quân là 22.307 đồng/cổ phần. IPO của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng hút một lượng tiền trị giá 1.216 tỷ đồng. Trong đợt IPO của Vinatex, 110,6 triệu cổ phiếu đã được bán ra, với mức giá bình quân 11.000 đồng/cổ phiếu.
Câu hỏi đặt ra cho các nhà đầu tư hiện nay là, với kế hoạch cổ phần hóa DNNN, IPO tiếp tục gia tăng, thị trường chứng khoán liệu có đủ sức hấp thụ hết nguồn hàng khổng lồ này hay không?
Theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa DNDN đã được duyệt, thì trong giai đoạn 2014 - 2015, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 DNNN. Trong đó, 348 DN đã thành lập Ban chỉ đạo, 247 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp, 123 doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp.
Trước vấn đề cân đối cung - cầu gắn với bối cảnh lượng hàng lớn sẽ lần lượt “bung hàng” theo tiến trình cổ phần hóa, một số chuyên gia cho rằng, nguồn tiền không phải không đủ mạnh để đối ứng với sức cung, nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là nhà đầu tư có sẵn lòng “móc hầu bao” hay không.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn mới đây, ông Phạm Ngọc Phú, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán An Thành (ATSC) cho biết, thực tế nguồn tiền vẫn rất lớn, chứ không “đuối” như nhiều người lo ngại, vấn đề là các DN cổ phần hóa phải thực sự đủ sức hấp dẫn thì nhà đầu tư mới sẵn lòng bỏ tiền mua cổ phiếu.
“Khi bỏ vốn vào một DNNN cổ phần hóa, nhà đầu tư kỳ vọng vào sự cải tổ của doanh nghiệp sau quá trình chuyển đổi: năng động hơn, mô hình quản trị tiên tiến hơn, minh bạch hơn... Do đó, khi cổ phần hóa, các DNNN bán cổ phần ra bên ngoài với tỷ lệ cao sẽ hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư”, ông Phú nhận định.
Khi đánh giá về nguồn tiền, một số nhà quan sát cho rằng, ngoài nguồn tiền từ các quỹ đầu tư nước ngoài, thì nguồn tiền trong dân cư cũng không phải là nhỏ. Bằng chứng là, thời gian gần đây, cho dù mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn liên tục giảm, nhưng lượng vốn huy động tại các ngân hàng thương mại vẫn tăng mạnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 11/2014, vốn huy động tại các ngân hàng thương mại đã tăng 13,33% so với cuối năm 2013. Trong đó huy động vốn bằng VND tăng 14,74%, chủ yếu ở khu vực dân cư.
Trong khi đó, nhu cầu đầu tư của các quỹ đầu tư lớn vẫn tiếp tục hình thành. Ông Chris Freund, sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital cho biết, Mekong Capital đang có kế hoạch thành lập thêm một quỹ đầu tư với quy mô lớn nhất trong các quỹ của Mekong Capital từ trước tới nay để đầu tư vào Việt Nam.