Năm 2014, tổng vốn giải ngân các dự án FDI tại VSIP đạt khoảng 300 triệu USD
Việc hoàn thiện các dây chuyền sản xuất CPU Haswel vào tháng 11/2014 đã chính thức đưa Intel Việt Nam lên nấc thang cao hơn trong quy trình sản xuất của Tập đoàn Intel.
Bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết, quy trình tính từ khi nhập thiết bị về cho đến ngày Tập đoàn chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng chỉ mất chưa đầy 2 tháng.
Với bước tiến này, theo bà Sherry Boger, sản phẩm “made in Vietnam” sẽ chiếm 80% sản lượng chip CPU của Intel trên toàn cầu ngay trong năm 2015.
Tuy không tiết lộ cụ thể số vốn giải ngân của Intel tại Việt Nam năm 2014, nhưng đại diện Intel cho biết, đến thời điểm này, Intel không phân biệt việc phân kỳ đầu tư cho tổng số vốn đã đăng ký là 1 tỷ USD. Nhưng với số vốn đã giải ngân cho việc hoàn thiện các dây chuyền sản xuất CPU, có thể thấy, số vốn giải ngân của Intel tại Việt Nam đã vượt khá xa với con số gần 500 triệu USD theo thông tin lãnh đạo Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư hồi tháng 6/2014.
Trong khi đó, thông tin từ Intel cho biết, đến cuối năm 2014, nhà máy của Intel tại SHTP đã lắp ráp và kiểm định hơn 300 triệu đơn vị vi xử lý, gồm chipset, SOC, CPU. Trước đó, từ cuối năm 2013, nhà máy của Intel tại SHTP đã sản xuất các dòng SOC công nghệ mới nhằm hỗ trợ các nhu cầu của thị trường máy tính bảng toàn cầu.
Cùng với tiến độ giải ngân đang tăng lên, đến cuối năm 2014, đã có hơn 1.000 nhân viên (chủ yếu là người Việt Nam) làm việc tại các khâu sản xuất của Intel Việt Nam.
Với Tập đoàn Samsung, tính lũy kế đến năm 2014, Samsung Eletronics Việt Nam tại Thái Nguyên giải ngân được 2,1 tỷ USD, trong khi Samsung Eletronics Việt Nam tại Bắc Ninh giải ngân được 2 tỷ USD.
Rõ ràng, việc các doanh nghiệp FDI, nhất là các dự án có quy mô vốn lớn tích cực giải ngân đã tạo cú hích đáng kể cho sự phát triển của kinh tế - xã hội. Nhưng, quan trọng hơn, việc Intel hay Samsung mở rộng sản xuất như một lực hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao của các tập đoàn lớn thế giới đến đầu tư tại Việt Nam, đồng thời gia tăng sức cạnh tranh của Việt Nam và thu hút nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực khác.
Có thể thấy trước mắt một lượng đáng kể các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu của các tập đoàn lớn này.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đổ vào các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế khi thực hiện các hiệp định thương mại sẽ được ký kết trong năm 2015 cũng đang tăng cường giải ngân.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Phú Cường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2014, tổng vốn giải ngân các dự án FDI trên địa bàn tỉnh là hơn 2,3 tỷ USD, tăng 231,8% so với năm 2013 và tăng 233% so với kế hoạch năm.
“Một số dự án mới cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2013 đã khởi công xây dựng, đồng thời các dự án tăng vốn năm 2014 tập trung đưa vốn vào mở rộng quy mô sản xuất để tăng năng suất nhằm tạo lợi thế, đón đầu cơ hội tham gia vào các thị trường mà Việt Nam sẽ ký kết các hiệp định thương mại tự do với các liên minh và đối tác quan trọng trên thế giới trong năm 2015 nên tình hình giải ngân vốn tăng mạnh”, ông Cường lý giải và cho rằng, đây là kết quả từ việc thu hút nhà đầu tư có chọn lọc, đảm bảo năng lực đầu tư và sản phẩm có thương hiệu, tiêu thụ tốt.
Đơn cử, Công ty TNHH Sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam được cấp phép tháng 4/2012 với tổng vốn đầu tư đăng ký 441 triệu USD, có mục tiêu hoạt động là sản xuất các loại khung cửa, cửa sổ, cửa đi, các phụ kiện, bộ phận kèm theo bằng nhôm và bằng nhựa cho nhà ở, văn phòng và các công trình dân dụng, công nghiệp…
Thông tin từ Ban quản lý Các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, Công ty đã tăng tốc giải ngân trong thời gian gần đây để hoàn thiện lắp đặt thiết bị, máy móc đưa vào sản xuất từ tháng 4/2014 và tính đến thời điểm này, đã giải ngân được 250 triệu USD.
Ngoài Lixil Việt Nam, Công ty Shing Mark Vina đã tăng vốn thêm 130 triệu USD, Công ty Hưng nghiệp Formosa tăng hơn 59 triệu USD, Công ty Hyosung tăng hơn 53 triệu USD, Công ty Tae Kwang Vina tăng 62 triệu USD...
Trong khi đó, tại Bình Dương, nhiều dự án FDI mới được cấp chứng nhận đầu tư và tăng vốn đầu tư cũng đã tiến hành triển khai nhanh dự án. Thông tin từ Ban quản lý Các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) cho biết, trong năm 2014, nhiều dự án FDI sau khi tăng vốn đã triển khai nhanh để sớm đưa vào hoạt động, nhất là các dự án có vốn lớn, trong đó có một số dự án trong ngành điện tử.
Trong năm, đã có hơn 10 dự án tại VSIP xây dựng nhà xưởng và lắp đặt máy móc, thiết bị. Tổng vốn giải ngân các dự án FDI tại VSIP đạt khoảng 300 triệu USD. Một số dự án tăng vốn lớn đã tích cực triển khai trong năm 2014, như dự án của Công ty TNHH Kimberly Clark Việt Nam (Hoa Kỳ) tăng vốn 113 triệu USD; Công ty Wonderful Saigon Electrics (Nhật Bản) tăng vốn 210 triệu USD; Công ty TNHH Midea Consumer Electric (Hồng Kông) tăng vốn 41 triệu USD…
Năm 2014, đã có 12,35 tỷ USD vốn giải ngân (tăng 7,4% so với năm 2013) và 4,58 tỷ USD tăng vốn (bằng 62,4% so với năm 2013).