Ảnh Internet

Ảnh Internet

Indonesia cải cách mạnh mẽ về thuế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quốc hội Indonesia hôm nay (7/10) đã thông qua cải cách về thuế đầy tham vọng, bao gồm tăng thuế suất giá trị gia tăng (VAT) vào năm tới, thuế carbon mới và hủy bỏ kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp.

Bộ trưởng Luật Yasonna Laoly phát biểu trước quốc hội sau cuộc bỏ phiếu rằng, luật này nhằm mục đích tối ưu hóa việc thu ngân sách và cải thiện việc tuân thủ pháp luật về thuế, sau khi ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng lớn vào năm ngoái do đại dịch COVID-19.

"Với việc áp dụng luật này, cùng với cải cách tài khóa và đảm bảo chi tiêu của chính phủ có mục tiêu hơn, chúng tôi hy vọng có thể tăng cường phục hồi kinh tế và đẩy nhanh quá trình giảm nghèo. Tác động lạm phát từ việc tăng thuế VAT ảnh hưởng đến nền kinh tế là không đáng kể”, ông Yasonna nói thêm.

Chỉ một trong 9 đảng chính trị tại quốc gia này phản đối việc thông qua dự thảo luật thuế mới tại quốc hội.

Luật yêu cầu tăng thuế suất VAT đối với gần như tất cả hàng hóa và dịch vụ từ 10% hiện nay lên 11% vào tháng 4/2022 và tăng lên 12% vào năm 2025. Đồng thời cũng loại bỏ việc cắt giảm thuế doanh nghiệp theo kế hoạch và đưa ra mức đánh thuế thu nhập cá nhân cao hơn đối với những người giàu có, thuế carbon mới và chương trình ân xá thuế mới.

Tuy nhiên, một số nhóm kinh doanh và các nhà phân tích đã đặt câu hỏi về thời điểm tăng thuế theo kế hoạch, với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch được coi là vẫn còn mong manh.

Chính phủ đã thực hiện một số nhượng bộ so với các đề xuất ban đầu của mình. Ban đầu, họ đã tìm cách tăng thuế VAT lên 12% ngay lập tức và đề xuất mức thuế tối thiểu cho các công ty thua lỗ bị nghi ngờ trốn thuế.

Một số nhà phân tích cho rằng, các biện pháp tăng thuế này sẽ được thực hiện trong năm tới, điều này có khả năng giảm thâm hụt tài khóa xuống dưới mức ước tính hiện tại là 4,85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và giúp chính quyền thu hẹp thâm hụt tài khóa xuống dưới 3% vào năm 2023. Chính phủ vẫn chưa cho biết doanh thu dự kiến ​​sẽ tăng bao nhiêu.

Josua Pardede, Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Permata có trụ sở tại Jakarta kỳ vọng, các biện pháp này sẽ có tác động tích cực đến tính bền vững tài khóa dài hạn, nhưng ông cảnh báo, việc tăng thuế VAT sẽ làm giảm sức mua của những người có thu nhập thấp, những người chịu ảnh hưởng nhiều hơn khi giá cả tăng.

Pardede nói thêm: "Chúng tôi hy vọng chính phủ có thể cải thiện hiệu quả của chiến lược chi tiêu ngân sách, đặc biệt là cho bảo trợ xã hội trong năm tới", khi dự đoán lạm phát tăng tới 0,3 điểm phần trăm và tăng trưởng GDP giảm nhẹ vào năm 2022.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà điều hành trung tâm thương mại Alphonzus Widjaja than thở: "Tác động tiêu cực của COVID-19 đã không kết thúc khi các hạn chế được dỡ bỏ. Việc tăng thuế VAT trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra sẽ làm doanh số bán hàng trực tiếp bị sụt giảm trầm trọng hơn".

Chương trình ân xá thuế sẽ thực hiện trong nửa đầu năm sau cũng đã nhận được nhiều lời chỉ trích. Các nhà lập pháp các đảng phái đối lập cho rằng, việc đưa ra lệnh ân xá trong khi tăng thuế suất VAT là không công bằng, trong khi các nhà kinh tế cho rằng, chương trình ân xá lặp đi lặp lại có thể gây ra rủi ro đạo đức.

Tin bài liên quan