Cảnh báo trên, nằm trong một dự thảo báo cáo đánh giá hàng năm của IMF về sức khỏe của nền kinh tế eurozone, những nguy cơ khơi lại bất đồng căng thẳng trong lòng EU về cách thức đối phó với rủi ro rơi vào “thập kỷ mất mát” kiểu Nhật.
Báo cáo đánh giá của IMF, sẽ được trình bày bởi Giám đốc Quỹ Christine Lagarde trước các bộ trưởng tài chính eurozone trong tuần này tại Luxembourg, tin rằng, EU, với “hành động chính sách mạnh mẽ” đã “thiết lập nên nền tảng cho sự phục hồi” sau cuộc khủng hoảng khu vực. Nhưng báo cáo cũng kết luận rằng, cả mức nợ lẫn tình trạng thất nghiệp vẫn còn quá cao và có thể làm hỏng thành quả quá trình thúc đẩy tăng trưởng.
Mặc dù tán đồng các biện pháp mà ECB triển khai gần đây, như việc cắt giảm lãi suất tiền gửi qua đêm về dưới không và đưa ra gói cho vay giá rẻ trị giá 400 tỷ euro đối với các ngân hàng đồng ý cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng IMF cho rằng, chừng đó là chưa đủ.
Theo dự thảo báo cáo đánh giá của IMF: “mức lạm phát ở khu vực đồng euro là thấp một cách đáng lo ngại, đặc biệt ở các nước lõi của khu vực” và điều này đang hạn chế sức cầu cũng như tăng trưởng. Nếu giá cả tiếp tục tăng chậm, IMF khuyến cáo, ECB nên xem xét noi theo Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Nhật và Ngân hàng Trung ương Anh tiến hành mua vào các trái phiếu công.
“Nếu lạm phát vẫn thấp một cách ‘ngoan cố’, ECB nên tính đến việc mua một lượng lớn tài sản, trước tiên là các tài sản công, tùy theo nguyên tắc vốn của ECB”, báo cáo viết. “Điều này sẽ thúc đẩy niềm tin, cải thiện bảng cân đối của các doanh nghiệp và hộ gia đình, và khuyến khích ngân hàng cho vay”.
Ở mức 0,5%, lạm phát eurozone chỉ bằng 1/4 mục tiêu mà ECB nhắm tới. Mặc dù IMF có thể nhắc lại nhiều lần các khuyến nghị của mình sau những cuộc thảo luận với các bộ trưởng tài chính, nhưng trong quá khứ, chuyển biến là rất nhỏ.
Đức gần đây đã có sự phản đối kịch liệt từ trong nước với các biện pháp của ECB đầu tháng này. Mặc dù Ngân hàng Trung ương Đức quyền lực đã ủng hộ quyết định của Hội đồng Thống đốc ECB, nhưng các ngân hàng Đức đã chống lại quyết định đó, nói rằng, nó đối xử không công bằng với những người gửi tiết kiệm.
IMF đã nhiều lần thúc giục ECB nới lỏng tiền tệ nhiều hơn trong suốt cuộc khủng hoảng eurozone và một số quan chức IMF cũng từng gợi ý về phương án mua trái phiếu như cách của Mỹ. Nhưng chỉ hai tuần sau quyết định gây tranh cãi của ECB - và trong một báo cáo thường niên về nền kinh tế eurozone của IMF - cảnh báo công khai nói trên có thể gây ra một cơn bão mới trong lòng nước Đức.
Trong một bài phát biểu hồi tháng 3, ông Jens Weidmann, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức, nói rằng, gói QE “nhìn chung không nằm ngoài vấn đề đó”. Tuy nhiên, ông này cũng nói thêm rằng, ông tự hỏi liệu rằng biện pháp này có vi phạm quyền hạn của ECB hay không - Ngân hàng không được phép tài trợ tiền cho các chính phủ.
Giới quan sát ECB cũng tin là công chúng Đức sẽ chống lại biện pháp mua tài sản của Ngân hàng Trung ương, coi đó như một gói cứu trợ dành cho các thành viên yếu hơn của khu vực đồng euro.
Ông Mario Draghi, Chủ tịch ECB, tỏ ý rằng, Ngân hàng sẽ sẵn sàng triển khai biện pháp QE nếu lạm phát vẫn thấp một cách đáng ngại. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích thì các bước đi chính sách mà ECB tiến hành hồi đầu tháng này là nhằm để Ngân hàng tránh phải áp dụng biện pháp mua trái phiếu chính phủ, ít nhất là cho đến cuối năm nay.
Sự khác biệt về quan điểm giữa IMF và ECB liên quan đến chính sách tiền tệ của eurozone đã đưa ông Draghi đến chỗ tranh cãi công khai với quỹ này trong vài tháng gần đây. Tại một cuộc họp báo trong tháng 4, Chủ tịch ECB đã cảm ơn một cách châm biếm IMF vì đã “cực kỳ hào phóng với những lời khuyên của mình”.