Không gì có thể đảm bảo đà phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục được duy trì, do đó các nền kinh tế lớn nhất thế giới phải có trách nhiệm giải quyết những thách thức đe dọa sự tăng trưởng và hoạt động sản xuất cũng như hạn chế sự mất cân bằng tài khoản vãng lai.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra nhận định trên trong một báo cáo công bố ngày 6/10, đánh giá về "thể trạng" của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Trong báo cáo nói trên, các chuyên gia IMF đã ghi nhận thành tích đáng khích lệ của các nước thành viên G20, phục hồi khả quan sau cuộc Đại suy thoái 2007-2009 với tốc độ tăng trưởng ổn định và tỷ lệ thất nghiệp giảm.
Tuy nhiên, IMF cũng nêu ra một loạt vấn đề đáng quan ngại hiện nay mà G20 đang phải đối mặt, đó là tốc độ tăng trưởng của hơn một nửa số nước thành viên được dự báo chỉ ở mức 2% hoặc thấp hơn; sự mất cân bằng tài khoản vãng lai ở Anh và Mỹ - những quốc gia có thể theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại như một giải pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất vẫn khá thấp, đe dọa sự tăng trưởng ổn định nói chung.
Theo IMF, các yếu tố ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của Argentina, Saudi Arabia, Brazil, Nam Phi, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ là hàng hóa mất giá, điển hình là giá dầu.
Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Pháp và Italy được dự báo có tốc độ tăng trưởng thấp do chịu sức ép của lạm phát và nhu cầu tiêu dùng nội địa thấp. Ngoài ra, báo cáo của IMF cho rằng mặc dù mức nợ công của các nước G20 đã ở mức ổn định, song tiến bộ trong nỗ lực giảm nợ công còn hạn chế.
IMF kêu gọi các nước, đặc biệt là Tây Ban Nha, Nhật Bản, Mỹ và Brazil, tiếp tục theo đuổi chính sách giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ công.
Báo cáo của IMF được công bố chỉ một tuần trước khi diễn ra Hội nghị thường niên giữa IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và đại diện của 189 quốc gia trên thế giới. Tại đây, IMF sẽ đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới nhất được cho là sẽ khả quan hơn những dự báo trước đó.