IMF cảnh báo giá cổ phiếu sụt giảm mạnh khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng, các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nên sẵn sàng thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ trong trường hợp lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.
IMF cảnh báo giá cổ phiếu sụt giảm mạnh khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách

IMF cho biết, họ phần lớn đồng tình với đánh giá từ Fed và nhiều nhà kinh tế rằng đà tăng giá toàn cầu hiện nay cuối cùng sẽ giảm bớt, nhưng IMF cũng lưu ý rằng, có "sự không chắc chắn" xung quanh những dự báo đó.

IMF đã đề cập đến Mỹ, Anh và các nền kinh tế phát triển khác là những nơi mà "rủi ro lạm phát đang nghiêng về chiều hướng tăng”.

Gita Gopinath, cố vấn kinh tế và Giám đốc nghiên cứu của IMF cho biết: “Mặc dù chính sách tiền tệ nhìn chung có thể xem xét sự gia tăng lạm phát nhất thời, nhưng các ngân hàng trung ương nên chuẩn bị hành động nhanh chóng nếu rủi ro của kỳ vọng lạm phát gia tăng trở nên quan trọng hơn trong quá trình phục hồi chưa rõ ràng này”.

“Các ngân hàng trung ương nên lập biểu đồ các hành động dự phòng, công bố các yếu tố kích hoạt rõ ràng và hành động phù hợp với thông tin đó”, bà nói thêm.

Các quan chức Fed đã nói rằng, vũ khí chính để chống lại lạm phát là tăng lãi suất. Trước đó, Fed đã không tăng lãi suất kể từ năm 2018.

Cảnh báo này là một phần trong bản cập nhật hàng quý của IMF về các điều kiện kinh tế toàn cầu. IMF đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và cắt giảm dự báo GDP của Mỹ về 6% so với triển vọng tháng 7 đưa ra ở mức 7%, nhưng vẫn cao hơn mức dự báo 5,2% cho tất cả các nền kinh tế phát triển.

Với lạm phát đang ở mức cao nhất trong 30 năm, Fed đã phải vật lộn với việc khi nào bắt đầu thực hiện rút lại chính sách bất thường đã cung cấp kể từ khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 bắt đầu vào đầu năm 2020.

Mặc dù, IMF không chỉ ra Fed nhưng phần lớn đánh giá của họ về lạm phát đã gián tiếp đề cập đến một sự điều chỉnh chính sách lớn mà Fed đã thực hiện vào tháng 9/2020, khi đó Fed cho biết sẽ sẵn sàng cho phép lạm phát tăng cao hơn bình thường vì lợi ích của tạo ra việc làm đầy đủ và toàn diện.

Tuy nhiên, IMF cho biết, những chính sách đó sẽ mang lại một số nguy hiểm nếu kỳ vọng lạm phát bắt đầu tăng cao.

Báo cáo cho biết: “Trong những bối cảnh mà lạm phát đang gia tăng khi tỷ lệ việc làm vẫn ở mức thấp và các cú sốc giá ngắn hạn có thể thay đổi kỳ vọng dài hạn đang trở nên rõ ràng, chính sách tiền tệ có thể cần phải được thắt chặt để đối phó với áp lực giá cả, ngay cả khi điều đó làm trì hoãn sự phục hồi việc làm”.

Theo IMF, việc chờ đợi việc làm phục hồi mạnh mẽ hơn “có nguy cơ khiến lạm phát gia tăng theo cơ chế tự điều chỉnh, điều này sau đó sẽ phá hoại chính sách của Fed”.

IMF cho biết, việc FED thông tin truyền thông tới người dân sẽ là chìa khóa để tránh những cú sốc gây gián đoạn cho nền kinh tế do những thay đổi trong chính sách.

Báo cáo cho biết: “Sự liên kết chưa từng có khiến việc truyền thông minh bạch và rõ ràng về triển vọng của chính sách tiền tệ càng trở nên quan trọng hơn”.

Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase là trong số những người thấy lạm phát sẽ tiếp tục tăng và cho biết hôm 11/10 rằng, ông dự báo, các vấn đề về chuỗi cung ứng góp phần làm tăng giá sẽ rõ ràng hơn vào năm 2022.

IMF cảnh báo về nguy cơ giá cổ phiếu sụt giảm

Trong Báo cáo Ổn định Tài chính bán niên hàng năm, IMF cho biết, chính sách tiền tệ quá dễ dàng đã dẫn đến “túi tiền của thị trường dồi dào và đòn bẩy tài chính gia tăng”.

“Các cú sốc có thể đến từ chính các ngân hàng trung ương vì họ đang thắt chặt nhanh hơn dự đoán trước đây. Chúng tôi lo lắng rằng, có thể sẽ chứng kiến ​​một đợt bán tháo với cường độ khá lớn do mức định giá quá cao”, báo cáo của IMF cho biết.

“Sự sai lệch về giá cổ phiếu” đang phổ biến do chuỗi tăng trong 18 tháng qua đã khiến cổ phiếu tăng giá mạnh hơn so với các yếu tố cơ bản về kinh tế.

Giá có thể giảm "đáng kể trong trường hợp đánh giá lại triển vọng kinh tế đột ngột hoặc những thay đổi chính sách bất ngờ”, báo cáo của IMF cho biết.

“Rủi ro giảm đối với giá bất động sản dường như là đáng kể. Trong trường hợp xấu nhất, mức giảm giá nhà trong vòng 3 năm tới được ước tính là khoảng 14% ở các nền kinh tế tiên tiến và 22% ở các thị trường mới nổi”, IMF cho biết.

Mặc dù, thị trường tài sản tiền điện tử đã tăng lên nhanh chóng với giá trị thị trường hiện tại là hơn 2 nghìn tỷ USD, nhưng vẫn còn nhỏ khi so sánh với thị trường trái phiếu và cổ phiếu toàn cầu và chưa gây rủi ro cho sự ổn định chung của hệ thống tài chính thế giới.

Nhưng cần có quy định khẩn cấp, đặc biệt là các stablecoin để giảm thiểu những nguy hiểm như vậy trong tương lai. IMF cho biết: “Với việc giám sát hạn chế hoặc không đầy đủ, hệ sinh thái tiền điện tử có thể gặp phải rủi ro về gian lận của người tiêu dùng và tính toàn vẹn của thị trường”.

Tin bài liên quan