Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

IMF cam kết hỗ trợ tích cực nền kinh tế dễ đổ vỡ

Ngày 10/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã khẳng định lại cam kết đóng vai trò quan trọng và tích cực hỗ trợ các nền kinh tế dễ đổ vỡ phục hồi kinh tế, và vượt qua những di sản của thời kỳ khó khăn khốc liệt mà các nền kinh tế này đang phải đối mặt.

IMF nhấn mạnh hỗ trợ các nền kinh tế khó khăn và dễ đổ vỡ phục hồi các hoạt động kinh tế tốt hơn để vượt qua nguy cơ dễ đổ vỡ kinh tế và nâng cao đời sống công dân là nghĩa vụ trung tâm của IMF.

 

Thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, IMF có thể giúp tăng cường chính sách kinh tế vĩ mô và năng lực thể chế của các nền kinh tế dễ đổ vỡ, trong đó thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên cao nhất.

 

Tuy nhiên, do các nền kinh tế này đang phải đối mặt với những hạn chế và khó khăn nghiêm trọng nên đường lối hỗ trợ của IMF cần linh hoạt, thực tiễn, từng bước và dài hạn phù hợp với khuôn khổ thời gian hành động chính sách và nhu cầu của mỗi nước.

 

Các nhà kinh tế IMF cho rằng IMF cần sử dụng hiệu quả và rộng rãi hơn Tiện nghi tín dụng nhanh (RCF), nhằm cung cấp tín dụng nhanh và ít điều kiện ràng buộc để hỗ trợ các nước thu nhập thấp có nền kinh tế dễ đổ vỡ vượt qua giai đoạn nguy hiểm.

 

Tiếp đó, khi các nền kinh tế này đã qua giai đoạn nguy hiểm, IMF có thể sử dụng Tiện nghi tín dụng mở rộng (ECF) cho phép cung cấp nguồn tài chính lớn hơn nhưng với các tiêu chuẩn khắt khe hơn để tiếp tục hỗ trợ các nền kinh tế dễ đổ vỡ.

 

Các nhu cầu tài chính dài hạn của các nền kinh tế này có thể được đáp ứng tốt nhất từ nguồn tài chính có ưu đãi cao của các nhà tài trợ. Trợ giúp kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cũng là các nhân tố đảm bảo thành công của các nền kinh tế dễ đổ vỡ trong tiến trình phục hồi kinh tế. IMF có thể hỗ trợ các nền kinh tế này tìm kiếm nguồn tài chính và sự trợ giúp kỹ thuật thích hợp.

 

Các chuyên gia IMF lưu ý rằng nền kinh tế dễ đổ vỡ không chỉ giới hạn trong các nước thu nhập thấp, mà IMF cần xem xét đáp ứng nhu cầu của các nước thu nhập trung bình nhưng cũng dễ đổ vỡ về kinh tế.

 

Hình thức tín dụng RCF và ECF của IMF cũng có thể tăng cường vai trò và sự can dự của IMF cũng như giúp đẩy nhanh phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với quá trình thúc đẩy phục hồi kinh tế của các nước này./.