ICG thành công ty “vô chủ”

ICG thành công ty “vô chủ”

Không cổ đông lớn nào đủ tiềm lực, sức mạnh tài chính, kinh doanh, cổ đông bên ngoài cũng chẳng ngó ngàng tới.

Lên sàn 1 năm các cổ đông chiến lược quay lưng

 

Từ chỗ là chi nhánh của Tổng công ty Sông Hồng, năm 2006 Incomex chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Năm 2007, Incomex tăng vốn từ 10 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng, ngoài cổ đông sáng lập là Tổng công ty Sông Hồng còn có các cổ đông chiến lược như Tập đoàn dầu khí và các thành viên bên dưới bao gồm: bảo hiểm dầu khí, chứng khoán dầu khí, tài chính dầu khí (PVF)...

 

Tăng vốn với tỷ lệ khủng (15 lần), cơ cấu cổ đông bao gồm các đại gia về tài chính, chứng khoán, xây dựng, bất động sản, thậm chí có cả cổ đông nước ngoài, tất nhiên vị thế của Incomex với nhà đầu tư bên ngoài sẽ là một đại gia.

 

Cuối năm 2007, Tập đoàn dầu khí chuyển toàn bộ 18% cổ phần tại Incomex (tương đương 2,7 triệu cổ phiếu) cho Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVX).

 

Ngày 21/4/2009, Incomex chào sàn HNX với mã chứng khoán ICG ở mức giá 1.3. Đây cũng là giai đoạn thị trường hồi phục sau khi điều chỉnh sâu vào năm 2008 và quá thuận lợi để tiến hành thoái vốn. Khởi đầu là việc Tổng công ty Sông Hồng bán ra toàn bộ hơn 800.000 cổ phiếu ICG (tương đương 5,37% vốn điều lệ) và nhanh chóng hoàn thành vào đầu tháng 9/2009. Tiếp đến, PVX, PVF và các cổ đông khác cũng lần lượt thoái vốn tại ICG.

 

Trong khoảng 5 tháng đầu tiên ICG chào sàn, cổ phiếu này đã tăng giá gần gấp 4 lần, lên mức 5.0, công ty cũng công bố những kết quả kinh doanh tích cực. Nửa đầu năm 2010, kết quả kinh doanh cũng như diễn biến giá cổ phiếu của ICG vẫn duy trì được sự tích cực. Nhờ vậy, việc thoái vốn của các cổ đông lớn vừa "thoải mái" lại vừa thu được lợi nhuận cực lớn, có thể lãi 2-3 lần so với vốn bỏ ra ban đầu.

 

Và ICG là một minh chứng thành công trong việc các tập đoàn, Tổng công ty "hà hơi, tiếp sức" cho các công ty thành viên của mình phát triển rồi sau đó hiện thực hóa lợi nhuận. Nhưng những gì diễn ra sau đó với ICG lại chỉ ra những tồn tại khác.

 

Năm 2010, phải triệu tập đến lần thứ 3 đại hội cổ đông của ICG mới có thể diễn ra, điều này cũng có nghĩa là mới lên sàn được khoảng 1 năm mà công ty đã bị các cổ đông cả lớn lẫn nhỏ "quên lãng". Sang đến năm nay, "lịch sử" nói trên lại được lặp lại.

 

ICG triệu tập đại hội cổ đông 2012 lần thứ 2 vào ngày 17/5, công ty có hơn 4.400 cổ đông nhưng chỉ có 56 cổ đông, chiếm khoảng 26% vốn điều lệ đến dự, minh chứng cho sự chán ngán của các cổ đông. Mãi đến tận đầu tháng 6, đại hội cổ đông (lúc này không giới hạn tỷ lệ cổ phần) của ICG mới có thể diễn ra kèm theo nhiều sắc màu cực kỳ u ám.

 

Hầu hết dự án đều dang dở

 

ICG đang có gần chục dự án trọng điểm, nhưng phần lớn vẫn đang ở giai đoạn ban đầu, không "chờ" thì cũng "nghiên cứu" hoặc "chuẩn bị". Đơn cử như dự án văn phòng cho thuê và chung cư cao tầng ở xã Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội mà ICG góp 40% vốn, có tổng mức đầu tư dự kiến gần 1.200 tỷ đồng.

 

Nhưng theo công bố của ICG vào giữa năm nay, công ty mới đang làm việc với Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội để xin chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án. Hay như Trung tâm thương mại-chợ-siêu thị và văn phòng cho thuê Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, do ICG làm chủ đầu tư với tổng vốn dự kiến 380 tỷ đồng, nhưng vẫn ở tình trạng "chuẩn bị kinh phí" cho dự án.

 

Chỉ có dự án phá dỡ và xây dựng mới nhà chung cư cao tầng B4, B14 Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội của ICG là có sinh khí khi công ty công bố thi công đến phần thân và sẽ hoàn thành và bàn giao cho khách hàng trong quý I/2013.

 

Nếu cộng phần vốn góp dự kiến của ICG vào các dự án công ty đang theo đuổi số tiền cũng trên dưới 5.000 tỷ đồng, một con số "khủng". Nhưng hiện tại ICG đang có gì? Vốn điều lệ của công ty chỉ vỏn vẹn 200 tỷ đồng, tổng tài sản 400 tỷ đồng, 9 tháng ICG đạt doanh thu gần 16 tỷ đồng, lãi hơn 4 tỷ đồng.

 

Tổng nhu cầu vốn sơ bộ để ICG theo đuổi các dự án lớn gấp 12 lần tổng tài sản, 25 lần vốn điều lệ, và trong tình hình hiện nay không rõ công ty sẽ "đào" đâu ra vốn lớn như vậy? Trong nghị quyết đại hội cổ đông của công ty có nêu phương án tăng vốn điều lệ của công ty lên gấp đôi, từ 200 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng. Nhưng với mức giá chỉ trên dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, khả năng tăng vốn của ICG khó lòng thực hiện.

 

Vào thời điểm ICG lên sàn vào năm 2009 rồi đến năm 2010, trong khi cổ phiếu thuộc các họ Sông Đà, dầu khí nổi bật thì ICG lại không có được sự náo nhiệt như vậy và điều này được duy trì cho đến thời điểm này. Có ý kiến cho rằng, nhờ vậy ICG không lún sâu vào vòng xoáy vay nợ gấp nhiều lần vốn đầu tư rồi sa lầy.

 

Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, nếu ICG "năng nổ" hơn, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư thì có thể tích lũy được một nguồn vốn đáng kể. Dẫn chứng là dù đã có mặt tại HNX được 4 năm, nhưng ICG chỉ mới tăng được vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng.

 

Đại gia thành tiểu gia khi không còn "bảo kê"

 

ICG cũng có những mặt tích cực: "Nợ phải trả" chỉ hơn 150 tỷ đồng, thấp hơn nguồn vốn chủ sở hữu đạt gần 250 tỷ đồng, lợi nhuận tích lũy của công ty cũng chưa bị âm. Về mức độ "mở" trong việc công bố thông tin, ICG làm khá tốt, các loại báo cáo được công ty phân loại và công bố khá đầy đủ trên website của công ty.

 

So với nhiều công ty ở vị thế tương tự, ICG đã làm khá tốt trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin cho cổ đông. Nhưng chỉ bấy nhiêu là chưa đủ để tạo bứt phá cho ICG.

 

Nhìn vào vị trí, quy mô các dự án ICG đang theo, dù chỉ là ban đầu thì đây không phải những dự án tầm thường, không phải công ty bất động sản, xây dựng nào cũng đủ sức để tiếp cận, tham gia. Điều đó minh chứng cho sự kế thừa và nỗ lực nhất định của ICG từ thời còn là thành viên của các tập đoàn, Tổng công ty.

 

Nhưng việc các cổ đông bên ngoài không ngó ngàng cùng với những khó khăn về vốn hoạt động lại cho thấy sự hụt hẫng, chới với của ICG. Khi không có sự bảo bọc của các tập đoàn, Tổng công ty sẽ lập tức bị "đuối" và từ đại gia sẽ nhanh chóng trở thành "tiểu gia".

 

Không cổ đông lớn nào đủ tiềm lực, sức mạnh tài chính, kinh doanh, cổ đông bên ngoài không ngó ngàng, nói không quá là ICG không khác gì một công ty "vô chủ". Và số phận của công ty cũng rơi vào thế bèo dạt mây trôi và việc nổi hay chìm sẽ được quyết bởi đội ngũ lãnh đạo, vốn cũng không giữ nhiều cổ phần.