IBM lần đầu tiên có nữ tướng

IBM lần đầu tiên có nữ tướng

(ĐTCK-online) Ngày 25/10/2011, Tập đoàn công nghệ cao International Business Machines Corp. (IBM) đã có quyết định bổ nhiệm bà Virginia Rometty, 54 tuổi, hiện là Phó chủ tịch, Giám đốc phụ trách bán hàng, tiếp thị và chiến lược trên toàn cầu của Tập đoàn, vào chức Giám đốc điều hành (CEO) thay ông Sam Palmisano.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử 100 năm tồn tại của mình, IBM sẽ có nữ tướng cầm đầu.

Với việc bổ nhiệm này, bà Virginia Rometty trở thành một trong những nữ CEO đầy quyền lực trong lĩnh vực kinh doanh và công nghệ cao ở Mỹ.

Giờ đây, 2 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới là IBM và Hewlett-Packard (HP) đều do 2 nữ CEO lãnh đạo. Tháng trước, bà Meg Whitman đã được chọn vào ghế CEO của HP. Dù đã nhiều hơn so với trước, song số CEO nữ lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn ở Mỹ vẫn có thể đếm được trên đầu ngón tay. Ngoài 2 vị kể trên, còn có các bà Indra Nooyi, CEO Pepsico; Ursula Burns, CEO Xerox; Irene Rosenfeld, CEO Kraft Foods và Ellen Kullman, CEO DuPont. Danh sách CEO nữ có máu mặt hiện nay ở Mỹ chỉ dừng lại ở chừng ấy người.

Bà Virginia Rometty đã được Tạp chí kinh doanh có tiếng Fortune của Mỹ đưa vào danh sách 50 phụ nữ có quyền lực nhất trên thế giới trong lĩnh vực kinh doanh (50 Most Powerful Women in Business) trong 7 năm liên tục gần đây. Năm nay, bà được xếp ở vị trí thứ 7.

Bà Virginia Rometty tốt nghiệp Đại học Northwestern, với bằng cử nhân về máy tính và kỹ thuật điện, một nghề thuần tuý kỹ thuật mà phụ nữ rất ít theo học. Bà tốt nghiệp đại học hạng ưu năm 1979. Ngay sau khi ra trường, bà được Tập đoàn sản xuất ô tô General Motors (GM) mời về làm tại viện nghiên cứu của Tập đoàn. Sau 2 năm làm việc cho GM, bà quyết định chuyển sang IBM với vai trò là kỹ sư hệ thống. Bà đã trụ lại và bám rễ ở IBM suốt từ đó cho đến nay, khoảng 30 năm có lẻ. Năm 2002, bà là đạo diễn chính của vụ IBM mua lại mảng tư vấn của Tập đoàn kế toán - kiểm toán quốc tế PricewaterhouseCoopers, với giá 3,5 tỷ USD.

Đây là nước cờ mang tính chiến lược để đưa IBM từ vị thế là công ty thuần về phần cứng, kỹ thuật, có thêm mảng cung cấp dịch vụ, phần mềm, trở nên đa năng hơn. Năm 2009, bà được bổ nhiệm vào chức Phó chủ tịch, Giám đốc phụ trách bán hàng, tiếp thị và chiến lược. Gần đây, bà đảm nhiệm thêm phần dịch vụ điện toán đám mây, vốn được coi là rất có triển vọng trong tương lai.

Do đã được IBM "quy hoạch" vào hàng ngũ lãnh đạo chóp bu, nên việc bà được ngồi vào chiếc ghế CEO chỉ là vấn đề thời gian, sớm hay muộn mà thôi.

Thực ra, trong cuộc chạy đua vào chức CEO này có 2 ứng cử viên. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của bà là ông Steven A. Mills, 60 tuổi, Phó chủ tịch, phụ trách mảng phần mềm của Tập đoàn. Trình độ chuyên môn và năng lực quản lý của ông này cũng được Ban lãnh đạo IBM đánh giá cao, song do lại có điểm yếu là tuổi cao, nên phải chấp nhận thua cuộc.

Ông Brad Zelnick, chuyên gia phân tích của Hãng  Macquarie Securities nhận xét, sự lựa chọn bà Virginia Rometty vào vị trí CEO là hợp lý và logic, bởi bà đã có thâm niên 30 năm làm việc cho IBM, lại lãnh đạo xuất sắc mảng kinh doanh lớn nhất của IBM (xét theo doanh thu).

Ngay cả ông Sam Palmisano cũng không tiếc lời khen ngợi người kế nhiệm của mình. "Tôi biết chắc chắn là Ban lãnh đạo IBM đồng ý với tôi rằng, bà Virginia Rometty là CEO lý tưởng để lãnh đạo IBM trong giai đoạn bước sang thế kỷ thứ 2 tồn tại của Tập đoàn".

Tuy nhiên, phản ứng của giới đầu tư với quyết định bổ nhiệm bà Virginia Rometty khá hờ hững.

Ngay tại phiên giao dịch sau đó, tại Sở GDCK New York, giá cổ phiếu của IBM giảm nhẹ 1 USD/cổ phiếu xuống còn 180,36 USD/cổ phiếu.

Dường như các nhà đầu tư và nhiều cổ đông vẫn có phần cảm thấy lưu luyến với ông Sam Palmisano và muốn ông tại vị thêm một thời gian nữa. Không cứ người ngoài, mà ngay cả ông Sam Palmisano cũng không nghĩ mình sớm rời chức lãnh đạo như vậy. Cách đây ít hôm, ông còn phát biểu rằng, IBM không đề ra chính sách khi nào thì CEO phải nghỉ hưu và ở nhiều tập đoàn, 60 tuổi còn được coi là đang chín. Tuy nhiên, sau khi có quyết định mới, ông cũng tuyên bố, sẽ không đi đâu cả và tiếp tục đảm nhiệm chức Chủ tịch IBM cho đến khi nghỉ hưu.

Theo các nhà phân tích, trong 9 năm lãnh đạo IBM (từ năm 2002), ông Sam Palmisano đã góp phần chuyển đổi thành công mô hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của IBM khi bán đi mảng sản xuất máy tính cá nhân (PC), máy in, đĩa cứng, để lấn sang mảng dịch vụ, tư vấn, phần mềm. Mô hình chuyển đổi thành công của IBM đang được nhiều tập đoàn, trong đó có HP học tập và noi theo.

Theo nhận định của giới chuyên môn, việc chuyển giao quyền lực ở IBM như vậy là khá nhẹ nhàng và nhìn chung là ổn.