Hủy lệnh hay hủy đề xuất?

Hủy lệnh hay hủy đề xuất?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vnexpress sáng nay dẫn nguồn tin cho biết, do công suất hạn chế của hệ thống giao dịch, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đang đề xuất việc không cho phép hủy, sửa lệnh của nhà đầu tư để góp phần nâng cao công suất xử lý của hệ thống. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn được cho là không thỏa đáng trong con mắt của các nhà đầu tư.

Từ phân bổ lệnh…

Mới đây, thông tin từ một lãnh đạo HOSE cho biết, đầu năm 2020, giá trị giao dịch bình quân phiên trên HOSE chỉ ở mức 4.000 - 4.200 tỷ đồng/phiên, chiếm chỉ 20 - 30% năng lực hệ thống của sàn này. Tuy nhiên, tới cuối năm, nhiều phiên giao dịch thanh khoản gần gấp 4 - 5 lần mức cao nhất của quá khứ và 6 - 7 lần mức đầu năm.

Số liệu của vị lãnh đạo này cho thấy, các công ty chứng khoán trong TOP 20 có lượng lệnh vào sàn tăng ít nhất là trên 3 lần, bình quân là 5 - 6 lần, cá biệt có một số công ty có số lệnh vào sàn tăng 13 - 18 lần.

“Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá số lượng lệnh thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng nghẽn lệnh”, vị này cho biết.

Để đối phó với tình trạng này, HOSE đã buộc phải đưa ra cơ chế phân bổ lệnh cho các công ty chứng khoán. Theo đó, hệ thống giao dịch của HOSE có công suất tối đa 900.000 lệnh/phiên. Hệ thống hoạt động theo cơ chế phân bổ đều cho các công ty chứng khoán, trong đó hệ thống tự động dành 20% cho lệnh dự phòng; 80% còn lại chia cho công ty chứng khoán theo 2 vòng.

Vòng 1, chia đều mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh và các công ty chứng khoán đều được chia như nhau, kể cả công ty đã dừng hoạt động.

Vòng 2, dung lượng lệnh sẽ được chia theo tỷ trọng lấy số lệnh vào hệ thống bình quân từ 30 ngày gần nhất của từng công ty để làm căn cứ chia lệnh vào mới.

Theo lý giải của vị lãnh đạo nói trên, cách này nhằm tối ưu hóa phân bổ tài nguyên của hệ thống đang vận hành. Việc phân bổ số lượng lệnh dựa trên dữ liệu sử dụng thực tế nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến về số lượng lệnh xuất phát từ lỗi hệ thống của một công ty chứng khoán nào đó (nếu có), có thể gây rủi ro cho hệ thống của Sở.

Vị này cũng cho biết thêm, đây là cơ chế tự bảo vệ của hệ thống và trong tình huống hiện nay đã có hiệu quả tốt, giúp hệ thống giao dịch an toàn hơn trên bình diện toàn cục của thị trường. Nếu hệ thống tiếp tục nhận số lượng lệnh vượt quá năng lực có thể gây lỗi hệ thống và hậu quả có thể sẽ lớn hơn rất nhiều so với tình trạng nghẽn lệnh.

Tuy nhiên, giám đốc công nghệ một công ty chứng khoán cho biết, việc chia đều lệnh ở vòng 1 cho cả các công ty chứng khoán đã dừng hoạt động là một sự lãng phí trong điều kiện tài nguyên của HOSE hiện đang rất hạn hẹp so với nhu cầu thực tế của thị trường hiện nay.

Ngoài ra, qua quan sát thực tế, vị này cho biết, ở nhiều công ty chứng khoán thuộc TOP đầu, số lệnh đẩy được vào hệ thống của HOSE bình quân trong vòng 30 ngày gần nhất có thể nói là không thay đổi do số lần giao dịch của nhà đầu tư vẫn đang rất cao tại những công ty này trong những tháng gần đây, do không thể thay đổi được tỷ trọng lệnh vào hệ thống để làm căn cứ chia lệnh vào mới.

…Tới không cho hủy, sửa lệnh

Số liệu thống kê của HOSE cho thấy, tỷ lệ lệnh hủy, sửa đang có xu hướng tăng lên trong vòng 1 năm qua. Nếu như trong tháng 1/2020, tỷ lệ này là 28% thì tới tháng 12/2020 là gần 32%. Cá biệt, hồi tháng 2/2020, tỷ lệ lệnh hủy, sửa lên tới 33%.

Theo tính toán của HOSE, nếu thi hành biện pháp không cho hủy, sửa lệnh thì sẽ giúp cải thiện được 30% thanh khoản của sàn giao dịch này.

HOSE cũng nhận định rằng, giải pháp này tác động nhất định đến hành vi của nhà đầu tư. Những nhà đầu tư bình thường sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi đặt lệnh mua, bán. Các loại lệnh do robot, áp dụng thuật toán sẽ khó thực hiện hơn do độ rủi ro cao. Đồng thời, tình trạng chẻ lệnh, rải lệnh sẽ có khả năng giảm bớt.

Tuy nhiên, một nhà đầu tư lâu năm cho biết, điều này sẽ gây nhiều sự bất tiện cho nhà đầu tư. Vị này giải thích, khi nhà đầu tư đặt lệnh thì hệ thống của công ty chứng khoán sẽ tự động trừ tiền từ tài khoản chứng khoản của nhà đầu tư.

Nếu không cho sửa, hủy lệnh thì khoản tiền này coi như bị treo, nhà đầu tư không thể sử dụng được trong phiên, cho tới khi hết phiên giao dịch.

Điều này đôi lúc sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư nếu họ nhìn thấy một cơ hội đầu tư khác nhưng tiền lại bị ‘giam’ trên tài khoản, không thể sử dụng được.

“Ngoài ra, trong thực tế đầu tư, việc sửa hay hủy lệnh giúp nhà đầu tư bám sát hơn với diễn biến giá của cổ phiếu để tránh việc mua, bán hớ. Nếu không cho hủy, sửa lệnh thì đây sẽ là một thiệt thòi không nhỏ đối với nhà đầu tư”, nhà đầu tư nói trên cho biết.

Tin bài liên quan