Huy động vượt trần, người gửi tiền lúng túng

Huy động vượt trần, người gửi tiền lúng túng

(ĐTCK) Kế toán trưởng của một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bao bì tại quận Cầu Giấy cho biết, bà đang được một NHTM mời chuyển tiền tiết kiệm về với lãi suất cộng ngoài lên đến 4%/năm.

Chị Hoàng Thị Mai ở quận Đống Đa chia sẻ, chị đang gửi tiền tiết kiệm tại NHTM A nhưng không hiểu sao một nhân viên NHTM B lại biết chính xác số tiền của chị đang gửi sắp đến ngày đáo hạn và mời chị chuyển sang gửi tiết kiệm tại NHTM B với lãi suất cộng ngoài khá cao, 3%/năm. Còn kế toán trưởng của một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bao bì tại quận Cầu Giấy cho biết, bà cũng đang được một NHTM mời chuyển tiền tiết kiệm về với lãi suất cộng ngoài lên đến 4%/năm.

Rất nhiều khách hàng thừa nhận rằng mức lãi suất cộng ngoài cao như vậy khiến họ thấy rất hấp dẫn. Tuy nhiên, nó cũng khiến không ít khách hàng cảm thấy băn khoăn và lúng túng trong việc ra quyết định.

“Lãi suất huy động càng cao, rủi ro càng lớn là điều chúng tôi đều biết, mặc dù Chính phủ đã tuyên bố không để ngân hàng nào đổ vỡ và bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Nhưng, một số sự kiện bắt giữ và từ chức liên quan đến giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước và cán bộ ngân hàng cao cấp làm chúng tôi quan ngại về quản trị doanh nghiệp, sức khỏe tài chính của các ngân hàng”, chị Mai nói.

Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2012 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố cũng nhận định, tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng tăng nhẹ trong 7 tháng đầu năm nay lên 14,0%, cao hơn nhiều so với mức 9% do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tuy nhiên, mức độ nợ xấu không rõ ràng và bảng cân đối đầy rủi ro của một số ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng làm ăn với các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ và làm ăn dàn trải, đặt ra những câu hỏi về sự an toàn vốn của họ.

Đặc biệt, mặc dù nhận định sở hữu chéo không phải là vấn đề xấu nhưng ông Dominic Mellor, Kinh tế trưởng của ADB tỏ ra quan ngại về mối liên kết giữa các ngân hàng, bao gồm cả sở hữu chéo và ngân hàng cho vay các công ty có liên quan.

“ADB ủng hộ các kế hoạch cải cách lĩnh vực tài chính và doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ đã phê duyệt và đánh giá cao các bước đi quan trọng đã được tiến hành cho đến nay như việc sáp nhập một số ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, không rõ khi nào các hành động tiếp theo đã được kiến nghị trong hai kế hoạch sẽ được thực hiện và sẽ được thực hiện như thế nào. Cam kết của Chính phủ về thực hiện một lộ trình cải cách đáng tin cậy với các hành động có thời hạn cụ thể sẽ phục hồi cho vay và cải thiện niềm tin của thị trường”, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nói.