Việt Nam đang huy động trái phiếu chính phủ với lãi suất bình quân bao nhiêu, thưa ông?
Lãi suất trái phiếu chính phủ bình quân năm 2018 chỉ còn 4,73%/năm, giảm 125 điểm cơ bản so với năm 2017 (5,98%/năm). Cụ thể, kỳ hạn 5 năm phải trả lãi 4,32%, kỳ hạn 10 năm là 5,1% và kỳ hạn 15 năm là 5,3%.
Trong khi đó, Indonesia và Philippines (2 nước được Fitch’s Rating và các tổ chức định mức uy tín trên thế giới xếp hạng tương đồng với Việt Nam) phải trả lãi suất huy động bằng đồng nội tệ cao hơn nhiều, như Indonesia phải trả lãi suất huy động tương ứng là 7,91%/năm, 7,98%/năm và 8,18%/năm.
Giảm được lãi suất huy động trái phiếu chính phủ và thời gian huy động vốn kéo dài đã tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ tăng cường huy động vốn từ thị trường trong nước.
Liệu có lượng hóa được số tiền tiết kiệm nhờ giảm lãi suất huy động trái phiếu chính phủ không, thưa ông?
Nếu như năm 2011, bình quân lãi suất trái phiếu chính phủ là 12%, thì đến năm 2017 đã giảm xuống 5,98%/năm và năm 2018 chỉ còn 4,73%/năm. Lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ bình quân hàng năm giảm dần, hỗ trợ giảm lãi suất bình quân trong danh mục trái phiếu chính phủ, tiết kiệm phí vay, giảm gánh nặng trả lãi cho ngân sách trong thời gian dài.
Cụ thể, năm 2017, nếu phải trả lãi suất như năm 2016 là 6,49%, thì mỗi năm, ngân sách tiết kiệm được 1.245,5 tỷ đồng, còn nếu phải trả lãi như năm 2011 là 12%/năm, thì mỗi năm tiết kiệm được 14.702 tỷ đồng. Năm 2018, với lãi suất 4,73%/năm, so với mức lãi suất năm 2017 tiết kiệm được gần 2.540 tỷ đồng/năm.
Thị trường trái phiếu chính phủ diễn biến tương đối thuận lợi trong những năm gần đây. Thưa ông, áp lực trả nợ năm 2019 thế nào?
Năm 2011, kỳ hạn nợ trái phiếu chính phủ bình quân trong danh mục chỉ có 1,84 năm. Trong cả giai đoạn 2012 - 2015, mặc dù kỳ hạn trả nợ trong danh mục trái phiếu chính phủ mỗi năm được kéo dài thêm, nhưng thời gian trả nợ vẫn rất ngắn, nên áp lực trả nợ hàng năm rất lớn, buộc ngân sách nhà nước phải phát hành trái phiếu để đáo hạn.
Để kéo dài kỳ hạn trả nợ, tạo thêm hàng hóa cho thị trường, thu hút thêm nhà đầu tư, Kho bạc Nhà nước đã đa dạng các loại trái phiếu chính phủ, gồm trái phiếu trả lãi cố định, trái phiếu không trả lãi định kỳ, trái phiếu có kỳ trả lãi đầu tiên ngắn hơn hoặc dài hơn kỳ trả lãi chuẩn...
Nhờ đó, trong mấy năm gần đây, kỳ hạn trái phiếu phát hành đã được kéo dài từ mức 4,2 năm của năm 2011 lên 12,75 năm của năm 2018, kéo dài được thời gian trả nợ danh mục trái phiếu chính phủ từ 1,84 năm của năm 2011 lên 6,87 năm hiện nay (tăng 0,16 năm so với 2017), qua đó, giúp giảm áp lực trả nợ, tăng thời gian sử dụng và hiệu quả sử dụng vốn.
Năm 2019, việc các ngân hàng thương mại - nhà đầu tư chủ yếu trên thị trường - tiếp tục bị hạn chế sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư trung và dài hạn, nên sẽ tác động mạnh tới thị trường trái phiếu chính phủ, thưa ông?
Nhờ đa dạng hóa các loại trái phiếu, kỳ hạn trái phiếu, hình thức trả lãi, nên ngoài ngân hàng thương mại, trái phiếu chính phủ đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khác, từng bước giảm sự phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại và giúp tăng tính bền vững cho danh mục nợ.
Hiện tại, ngân hàng thương mại chỉ nắm giữ 46,53% tổng khối lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành, thay vì mức 70 - 80% như giai đoạn trước. Do vậy, việc ngân hàng thương mại bị giới hạn nguồn vốn đầu tư vào trái phiếu chính phủ cũng không tác động lớn đến huy động vốn.
Muốn phát triển thị trường trái phiếu, phải phát triển thị trường thứ cấp. Thưa ông, giao dịch trái phiếu chính phủ trên thị trường trái phiếu vẫn còn rất khiêm tốn?
Đúng là so nhiều nước trong khu vực, thì giao dịch trái phiếu chính phủ của Việt Nam trên thị trường thứ cấp còn khá khiêm tốn, hiện bình quân giao dịch chỉ đạt khoảng 10.400 tỷ đồng/phiên.
Để thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường trái phiếu thứ cấp, Bộ Tài chính đã cải tiến và rút gọn quy trình, thủ tục phát hành nhằm giảm dần thời gian từ khi phát hành đến khi trái phiếu được đưa vào giao dịch từ 15 ngày (T+15) xuống còn 2 ngày (T+2); công bố công khai và thường xuyên cập nhật thông tin về cơ chế chính sách mới, kế hoạch phát hành, lịch biểu phát hành, các kết quả đấu thầu và lịch thanh toán gốc lãi trái phiếu để giúp nhà đầu tư có định hướng đầu tư phù hợp với nhu cầu và dòng tiền của đơn vị, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư.
Tôi cho rằng, trong thời gian tới, giao dịch trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp sẽ phát triển mạnh vì Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ đã tập trung phát triển thị trường thứ cấp thông qua thiết lập hệ thống nhà tạo lập thị trường. Theo đó, nhà tạo lập thị trường phải thực hiện cả nghĩa vụ trên thị trường thứ cấp.
Cụ thể, trong phiên giao dịch, nhà tạo lập thị trường bắt buộc phải có một lượng trái phiếu nhất định chào giá trên thị trường, cả giá mua lẫn giá bán, ai thích mua cũng có hàng, ai muốn bán cũng có người mua, nhằm tăng thanh khoản cho thị trường. Trường hợp nhà tạo lập thị trường không có trái phiếu để chào giá, thì có quyền đề nghị Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu để đảm bảo thanh khoản.
Ngoài ra, để tăng tính thanh khoản, Bộ Tài chính sẽ xây dựng đề án mua lại công cụ nợ trước ngày đáo hạn theo nguyên tắc thị trường. Khi đề án này được phê duyệt, nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu dài hạn cũng có thể bán lại bất cứ lúc nào, nên sẽ cải thiện thanh khoản cho thị trường.