Áp lực nợ lớn vẫn đầu tư thêm ngoài lĩnh vực cốt lõi
HUT vừa thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ tại công ty con là Công ty TNHH T’Hospital từ 158,6 tỷ đồng lên 358,6 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 200 tỷ đồng, nhằm mục đích bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
T’Hospital đang hoạt động trong lĩnh vực y tế, trong khi HUT hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thu phí dự án BOT. Lợi nhuận gộp hoạt động thu phí năm 2020 của HUT chiếm 109,9% tổng lợi nhuận gộp; trong 9 tháng đầu năm chiếm 81,2% tổng lợi nhuận gộp.
Mặc dù vậy, từ năm 2019 tới nay, hoạt động kinh doanh chính (lợi nhuận gộp trừ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) của HUT không đủ để trả lãi vay. Cụ thể, lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính năm 2019 âm 40,7 tỷ đồng, năm 2020 âm 261,4 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2021 âm 152,7 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế năm 2020 âm 243,4 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2021 âm 146,4 tỷ đồng. Tính tới 30/9/2021, Công ty ghi nhận lỗ lũy kế 53,4 tỷ đồng, gần như xóa bỏ hoàn toàn các khoản lãi trong nhiều năm trước đó.
Một trong những nguyên nhân dễ nhận ra hiện nay là HUT đang sử dụng nợ vay lớn, tính tới 30/9/2021 có 5.312,3 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, bằng 189% vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, một số doanh nghiệp cùng ngành như Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC) sử dụng 1.210 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, bằng 36,9% vốn chủ sở hữu. Tại Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hạ tầng IDICO (HTI), tính tới 30/9/2021, Công ty chỉ sử dụng 5 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, bằng 1,13% vốn chủ sở hữu.
Ước tính, với dự nợ vay 5.312,3 tỷ đồng, HUT sẽ phải trả hơn 200 tỷ đồng lãi vay mỗi năm, chưa kể tới việc trả một phần nợ gốc. Nếu lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi mỗi năm không đạt trên 200 tỷ đồng, Công ty có nguy cơ tiếp tục thua lỗ trong thời gian tới.
Được biết, trong lĩnh vực thu phí BOT, doanh thu tương đối ổn định, trong khi những doanh nghiệp ít sử dụng nợ vay thường ghi nhận lợi nhuận khả quan như IJC có lợi nhuận liên tục tăng trưởng. Ngược lại, với việc sử dụng nợ vay lớn, hoạt động kinh doanh cốt lõi của HUT không đủ để trả lãi vay.
“Cứu cánh” lĩnh vực bất động sản đang bỏ ngõ
Giai đoạn 2015 - 2018, HUT ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng, đỉnh điểm năm 2016 lãi 404 tỷ đồng, chủ yếu đóng góp từ các dự án bất động sản như Foresa Xuân Phương, Xuân Phương Residence, South Building.
Tuy nhiên, kể từ năm 2018 tới nay, Công ty không có thêm dự án bất động sản nào được mở bán, do sự chậm trễ tiến độ đối với các dự án mới như Khu đô thị Mỹ Đình, Chung cư 48 Trần Duy Hưng…
Tính tới 30/9/2021, HUT chỉ ghi nhận 90,97 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang dự án bất động sản, tăng 1,77 tỷ đồng so với đầu năm. Ngoài ra, không có một dự án nào đáng chú ý; người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 19 tỷ đồng so với đầu năm, ở mức 62,4 tỷ đồng và chiếm 0,63% tổng nguồn vốn.
Như vậy, HUT thực hiện mô hình kinh doanh xây dựng cơ sở hạ tầng đổi đất để phát triển dự án thương mại, nhưng trong những năm gần đây, việc chậm trễ triển khai dự án bất động sản mới đã ảnh hưởng tới doanh thu lĩnh vực này (xem bảng).
Quay trở lại với hoạt động kinh doanh cốt lõi, từ năm 2015, HUT liên tục đầu tư phát triển dự án thu phí tự động không dừng (ETC), dự án đang trong giai đoạn đầu tư nên chi phí triển khai lớn do thực hiện dán thẻ định danh E-Tag miễn phí lần đầu cho các xe. Chi phí hoạt động thu phí của Công ty năm 2019 là 312 tỷ đồng, năm 2020 là 503 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2021 là 320,4 tỷ đồng.
Hiện tại, HUT chưa qua giai đoạn đầu tư dự án thu phí tự động không dừng, nên chưa thể kỳ vọng sớm cải thiện hiệu quả kinh doanh, mà tiếp tục đối mặt với áp lực về chi phí, bên cạnh chi phí lãi vay lớn vẫn đang đè nặng lên kỳ báo cáo sắp tới.
Trên sàn chứng khoán, “cơn sốt” cổ phiếu bất động sản trong thời gian gần đây giúp không ít mã chứng khoán của doanh nghiệp thua lỗ cũng thu hút được dòng tiền đầu tư, đẩy giá tăng cao. Trong đó, mã HUT hiện có mức tăng giá 5,7 lần trong 1 năm qua, từ 2.500 đồng/cổ phiếu lên 14.200 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/11/2021.
HUT đang triển khai dự án Khu đô thị Mỹ Đình với diện tích là 49 ha ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Được biết, từ năm 2017, Công ty đã lên kế hoạch triển khai dự án, nhưng thủ tục kéo dài so với dự kiến. Ban lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng có thể được giao đất một phần dự án trong năm 2022, sau khi dự án BT Lê Đức Thọ được quyết toán xong.
Ngoài ra, trên thị trường có tin đồn Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện mua lại một số dự án BOT để xoá bỏ trạm thu phí và hoàn trả kinh phí cho chủ đầu tư.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ chỉ đề xuất dùng 9.427 tỷ đồng mua lại 7 dự án BOT gồm: dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 và đầu tư đường cao tốc Thái nguyên - Chợ mới; dự án BOT xây dựng mới Quốc lộ 26 đoạn qua Ninh Hoà, nâng cấp một đoạn Quốc lộ 26 qua Khánh Hoà và Đắk Lắk; dự án BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91 TP. Cần Thơ; dự án BOT đầu tư cầu Thái Hà trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 tuyến tránh phía đông và tuyến tránh phía tây TP. Thanh Hoá; dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường TP.HCM; dự án BOT xây dựng các hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2. Theo đề án trên của Bộ Giao thông Vận tải, HUT không được hỗ trợ trực tiếp dự án nào.