Hương vị Tết cổ truyền

Hương vị Tết cổ truyền

(ĐTCK) Tết Nguyên đán, đúng nghĩa chỉ là một ngày Tết, ngày đầu năm mới. Vậy nhưng, trong ngôn ngữ cổ truyền của người Việt, từ ngày 23 tháng Chạp đến ít nhất là ngày mồng 7 tháng Giêng đều được gọi là ngày Tết. Trong những ngày này, người Việt hoà mình với Tết, khi nền “văn hoá Tết” đã được định hình từ hàng ngàn năm nay.

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp, ông Táo (gồm hai Táo ông và một Táo bà) - vị Vua Bếp (Táo quân) duy trì ngọn lửa của sự sống, cai quản việc bếp núc cũng như tất cả các công việc khác trong mỗi nhà, bảo vệ cuộc sống gia đình, sẽ lên trời báo cáo với Ngọc hoàng về tình hình mỗi nhà trong năm qua. Ông Táo cũng là người định đoạt phúc đức cho gia đình, dựa trên những việc làm của gia chủ và các thành viên trong nhà. Vì thế, nhà nào cũng làm lễ tiễn ông Táo rất chu đáo, kính cẩn.

Đêm 30, mọi nhà làm lễ cúng Giao thừa - thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, tiễn đưa vị thần trông coi việc nhân gian năm cũ và đón rước vị thần năm mới, cũng như đón ông Táo trở về. Đồng thời, đón tổ tiên về ăn Tết, sum họp với con cháu, bởi người Việt quan niệm, chết chỉ là sự tiêu tan của thể xác, linh hồn vẫn còn và luôn ở bên con cháu, giúp đỡ, che chở con cháu.

Nếu thành viên nào trong gia đình đi làm ăn xa thì đều cố gắng sắp xếp công việc để về quê ăn Tết, không chỉ đoàn tụ với người thân, mà còn vì quan niệm, ai không kịp về nhà trước Giao thừa thì xem như cả năm sau người đó sẽ phải bôn ba vì công việc làm ăn. Đối với con cháu đã ra ở riêng nơi xa thì về quê ăn Tết còn là tìm về cội nguồn, về nơi chôn rau cắt rốn với biết bao kỷ niệm, ân tình, thắp nén hương cúng viếng gia tiên, thăm hỏi họ hàng, làng xóm, đồng thời biếu Tết ông bà, cha mẹ, báo hiếu đấng sinh thành…

Một hình ảnh gắn liền với lễ tiễn ông Táo lên trời là cá chép. Theo ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lý học Đông phương, cá chép có hành Thuỷ, còn hình ảnh hai ông, một bà - tức một Âm, hai Dương trùng khớp với quẻ Ly (Hoả) trong Kinh dịch. Hình tượng ông Táo cưỡi cá chép chính là biểu tượng của quẻ Hỏa Thủy Vị tế trong Kinh dịch. Đây là quẻ cuối cùng kết thúc một chu kỳ 64 quẻ Dịch, biểu tượng cho chu kỳ tuần hoàn của tạo hoá trong một năm đã kết thúc và chuyển sang một chu kỳ mới.

Về việc ông Táo lên trời vào ngày 23 tháng Chạp, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho rằng, theo thuyết âm dương, ngũ hành thì đây chính là ngày kết thúc chu kỳ của ngũ hành vào tháng cuối cùng trong năm, cũng là kết thúc chu kỳ của 64 quẻ Dịch. Hành Thổ thuộc trung cung, thuộc ngôi hoàng cực chi phối ngũ hành, hoàng cực thuộc về hoàng tộc, nên Vua bếp ngày đó lên trời.

7 ngày trước Giao thừa, trong nhà thiếu vắng ông Táo cai quản, bảo vệ, vì thế, người Việt trồng (dựng) cây nêu trước sân nhà. Sự tích cây nêu là một huyền thoại cổ đã được Phật hoá về cành tre treo áo cà sa đức Phật xua đuổi bầy quỷ sứ từ biển Đông lợi dụng khoảng thời gian cuối năm này đến tranh giành lãnh thổ với con người. Cây nêu được làm bằng cây tre để cả ngọn còn thể hiện sự hài hoà cương - nhu, biểu trưng cho tính kiên định, dẻo dai - một phẩm chất cao đẹp của dân tộc.

Trên ngọn cây nêu có treo lá cờ ngũ sắc và một vòng tròn với nhiều vật dụng mang tính chất biểu tượng, tuỳ từng địa phương, trong đó có những chiếc khánh, nhằm xua đuổi cũng như báo hiệu cho ma quỷ biết nơi đây đã có chủ, không được tới quấy nhiễu.

Ở mặt đất, cạnh cây nêu là hình cung tên được vẽ bằng vôi trắng, mũi tên hướng ra phía cổng để xua đuổi ma quỷ. Vào buổi tối, nhiều người treo đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên dễ nhận biết đường về.

Những ngày giáp Tết, tất cả đều tất bật dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, mua sắm quần áo và đồ đạc mới, mua các vật phẩm trang trí nhà cửa, nhằm rũ bỏ những cái cũ, cái không may mắn để đón chào năm mới. Mọi người cũng tất bật chọn mua nguyên vật liệu để chế biến các món ăn, mua trái cây để bày mâm ngũ quả, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và lá dong để gói bánh chưng…

Bánh chưng là lễ vật và món ăn cổ truyền điển hình nhất của ngày Tết. Nói đến bánh chưng là nói đến lúa nếp, lá dong. Lúa nếp xuất hiện muộn nhất là từ 3.500 năm trước, được tìm thấy phổ biến ở nhiều di tích khảo cổ học Việt Nam. Các nhà khảo cổ cũng đã khai quật được chiếc nồi đồng thời Đông Sơn, có niên đại nhiều thế kỷ trước Công nguyên, trong đó còn nguyên vẹn hình những chiếc lá dong ở tình trạng lót nồi.

Theo huyền thoại, người sáng tạo ra cách làm bánh chưng (và bánh dầy) là Lang Liêu. Nhờ tài sáng tạo đó, Lang Liêu là con thứ nhưng được vua cha truyền ngôi, trở thành Hùng Vương thứ VII (đời vua Hùng thứ VII), cách nay hơn 3.000 năm.

Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng, Lang Liêu đã biến những nguyên vật liệu để làm món ăn phổ biến thời đó (hàng chục loại xôi và bánh nếp) thành một món ăn có sự khác biệt trong hình khối, màu sắc và hương vị. Đây là cái sáng giá trong bảng giá trị văn hoá dân tộc dân gian là “tìm cái phi thường trong cái bình thường”.

Về mâm ngũ quả, nhà nào cũng có tục lệ bày mâm ngũ quả trong ngày Tết để dâng cúng ông bà, tổ tiên, thể hiện kết quả tốt đẹp của nghề nông, sự phồn vinh của gia đình, cũng như nói lên ước vọng trong năm mới được sung túc, no đủ.

Hầu như tất cả các loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng thì đều có thể dùng để bày mâm ngũ quả (không nhất thiết phải bày 5 loại quả, mà thường từ 5 - 7 loại), kể cả trái ớt mang vị cay, miễn sao trông đẹp mắt, nhưng phải có nải chuối xanh và quả phật thủ hoặc quả bưởi chín vàng.

Tuy nhiên, ở miền Nam lại kiêng bày chuối, vì có cách phát âm giống từ “chúi”, thể hiện sự nguy khó, mà thường bày sung hoặc dứa thơm, mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, bởi theo cách phát âm của người dân nơi đây được hiểu là “cầu vừa đủ xài”.

Sắm Tết cũng không thể thiếu hoa. Hàng ngàn, hàng vạn cành hoa, chậu hoa rực rỡ, như một dòng sông đầy sắc màu chảy về những chợ hoa xuân và theo chân người bước vào từng nhà, trong đó hoa đào là nhiều hơn cả. Người xưa quan niệm, hoa đào có tác dụng trấn trạch, trừ tà.

Tích xưa kể rằng, dưới một gốc cây đào cổ thụ to lớn khác thường, có hai vị thần tên là Thần Đồ và Uất Luỹ trú ngụ, bảo vệ dân chúng khỏi yêu ma, quỷ quái. Ma quỷ khiếp sợ hai vị thần, đến nỗi chỉ cần trông thấy hoa đào là cao chạy xa bay.

Vì thế, người dân đã trưng bày hoa đào trong nhà mỗi dịp Tết đến để tránh ma quỷ đến quấy phá, khi hai thần phải lên trời chầu Ngọc hoàng thời điểm cuối năm.

Ngày nay, tuy không còn tin vào ma quỷ, nhưng người dân vẫn giữ phong tục trang hoàng ngày Tết bằng những cành đào tươi thắm. Bởi lẽ, hoa đào không chỉ đẹp, tràn đầy sức sống, mà còn là biểu tượng của tình yêu, mùa xuân.

Người Việt còn trang trí nhà cửa bằng câu đối, cầu mong mọi việc trong năm mới được tốt lành, chẳng hạn: Tân niên hạnh phúc bình an tiến/Xuân nhật vinh hoa phú quý lai (Năm mới hạnh phúc bình an đến/Ngày xuân vinh hoa phú quý về), Môn đa khách đáo thiên tài đáo/Gia hữu nhân lai vạn vật lai (Cửa nhiều khách đến, nhiều tiền đến/Nhà có người vào, lắm vật vào), hay Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ/Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường (Trời thêm năm tháng, người thêm thọ/Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà). Cho đến trước năm 1945, tục treo câu đối

Tết cũng như tục xin chữ vẫn rất phổ biến, được tái hiện

qua bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên:

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay...”

Có một câu đối mà hầu như người Việt nào cũng nghĩ đến khi nói về Tết cổ truyền, đó là: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, bởi có 6 yếu tố được lựa chọn tiêu biểu cho sắc màu, hương vị Tết, gồm 3 yếu tố vật chất (thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh) và 3 yếu tố tinh thần (câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo).

Cùng với thời gian và những biến cố lịch sử, có phong tục dần mai một, nhưng vẫn hiện hữu trong tâm thức của mỗi người dân Việt và có những phong tục luôn được giữ gìn, vì đó là những giá trị truyền thống quý giá.

Hiện nay, có ý kiến cho rằng, nên gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch, sau khi nêu lên một số điểm bất lợi như lãng phí ngày làm việc, mất cơ hội nắm bắt thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài, người dân nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức…

Liên quan đến việc bỏ Tết Nguyên đán, thời hai miền Bắc - Nam còn bị chia cắt bởi Hiệp định Giơnevơ, có ý kiến đề xuất với Bác Hồ đổi mới lịch pháp, bỏ Âm lịch, sử dụng Dương lịch, nhưng Bác Hồ nói: “… Bỏ Âm lịch tức là sẽ bỏ Tết… Tết là một sinh hoạt văn hoá cổ truyền, đã ăn sâu vào đời sống tâm thức của dân gian ta. Bỏ Tết là bỏ mất một nét văn hoá đặc sắc của nhân dân…”