Hướng đến Việt Nam +1

Hướng đến Việt Nam +1

(ĐTCK-online) Nhiều NĐT nước ngoài cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào Việt Nam bởi rủi ro nhiều là đặc thù của thị trường mới nổi nhưng bù lại là lợi nhuận cao. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải lựa chọn được đối tác để đầu tư vì để thành công ở thị trường Việt Nam, cần có một cách làm khác hơn là chỉ bỏ tiền vào rồi chờ đợi hoặc mua bán mỗi ngày như các thị trường khác.

Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc điều hành CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman đánh giá: "Cơ hội thực hiện các thương vụ trong 12 tháng tới rất khả thi, nhưng phải chọn đúng danh mục". Công ty này đã giải ngân 100 triệu USD vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, bất động sản, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM vào các dự án xây dựng khu dân cư, nhà ở cho người thu nhập trung bình và các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. "Chúng tôi muốn có quỹ Việt Nam+1 tập trung ở Việt Nam và phát triển mở rộng ra Đông Dương", ông Sơn nói.

Tại thời điểm này, VinaCapital đã mua lại 50% cổ phần một khách sạn lớn tại TP. HCM và đang đàm phán để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần ở khách sạn này. Ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư của VinaCapital nhận định: "Bất ổn là cơ hội để nhảy vào". Thông điệp này cũng được VinaCapital truyền đi mạnh mẽ tại Hội nghị NĐT thường niên của tập đoàn này vào năm 2008. Cũng trong giai đoạn này, VinaCapital đã thực hiện nhiều thương vụ mua bán  khách sạn, trường học, bệnh viện và các khoản đầu tư đó đã mang lại lợi nhuận. Trong một năm qua, lợi nhuận từ khoản đầu tư chiến lược đã giúp tập đoàn này bù lỗ cho các khoản đầu tư vào cổ phiếu trên sàn niêm yết. "Nhiều người thắc mắc tại sao chúng tôi vẫn giải ngân dù tiền đồng có khả năng tiếp tục mất giá, nhưng lợi nhuận kỳ vọng của các khoản đầu tư phải tính luôn khả năng mất giá 10% mỗi năm của VND so với USD", ông Andy nói.

Còn ông Don Lam, Tổng giám đốc điều hành VinaCapital tiết lộ, quỹ này đã cùng với một công ty mía đường ở Long An đầu tư nhà máy đường ở Campuchia và sẽ tiếp tục đầu tư thêm cho dự án này. Tỷ suất lợi nhuận của dự án này tối thiểu là 25%/năm. "Trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đường tăng cao trong nước cũng như ở các quốc gia trong châu lục như Ấn Độ, Trung Quốc… Trong khi đó, chi phí trồng mía, chế biến đường ở Campuchia vẫn còn rất rẻ, nên chúng tôi kết hợp với doanh nghiệp trong ngành này để đầu tư", Don Lam nói về cách mở rộng đầu tư ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông cho biết, nhiều công ty đa quốc gia đến Việt Nam vì muốn tận dụng một thị trường lớn hơn vì Việt Nam nằm giữa ASEAN và một số tỉnh lớn của Trung Quốc. Thị trường này có khoảng 1,2 đến 1,3 tỷ người, với tiềm năng tăng trưởng lớn. Trong ngắn hạn, theo ông Đông, đúng là NĐT sẽ nhìn xem Chính phủ giải quyết các bất ổn vĩ mô như thế nào. Nhìn dài hạn sẽ thấy, Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn và họ đang đầu tư để đón đầu xu thế. "Cắt giảm đầu tư công, những lĩnh vực Nhà nước không đầu tư nữa sẽ là cơ hội cho tư nhân", ông Đông đặc biệt lưu ý đến bối cảnh hiện nay.

 

Kiếm lợi nhuận thế nào?

Dù là quỹ đầu tư tài chính nhưng các quỹ đầu tư đang thành công ở Việt Nam đều hoạt động khá đặc biệt. Họ không chỉ tìm doanh nghiệp tốt, tham gia HĐQT góp ý chiến lược doanh nghiệp mà trực tiếp tham gia vào hoạt động doanh nghiệp bổ trợ cho những mặt doanh nghiệp còn thiếu.

"Ở Việt Nam, mô hình gạt bỏ ban quản lý để tự làm tất cả sẽ không thành công. Phải lựa chọn HĐQT, ban giám đốc đủ tin tưởng. Không cần bỏ vốn để kiểm soát công ty nhưng nên có đủ điều khoản để kiểm soát các quyết định lớn như các hoạt động vay mượn lớn hay mua lại công ty khác…", ông Andy chia sẻ kinh nghiệm.

Ở mỗi công ty đầu tư vào, VinaCapital đóng góp giá trị gia tăng một cách khác nhau. Ở Halico, khoản đầu tư mang lại lợi nhuận gấp 5 lần khi thoái vốn, quỹ này giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối. Ở công ty Yến Việt vừa mới đầu tư, Quỹ mời một công ty tư vấn về giúp xây dựng thương hiệu…

"Phải rất sâu sát với doanh nghiệp mà bạn đầu tư, có một mối liên kết với ban lãnh đạo và chia sẻ được về tầm nhìn với họ. Đầu tư ở Việt Nam luôn có rủi ro nhưng sâu sát với doanh nghiệp sẽ nhận ra được những rủi ro đó", bà Hana Đặng, đại diện Quỹ Bank Invest nhiều lần nhấn mạnh khi nói về kinh nghiệm đầu tư tài chính ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Mỹ Lan, đại diện cho Công ty GE tại Việt Nam và Campuchia chia sẻ, GE quan tâm đến các các dự án cầu, cảng biển, nhà máy điện. Việt Nam cần 160 triệu USD để phát triển các dự án này trong cả nước, nhưng vốn ODA và trái phiếu chỉ đáp ứng được một nửa. Vì vậy, đẩy mạnh sự hợp tác giữa Chính phủ và các quỹ đầu tư tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng là tất yếu. Trong khi đó, VinaCapital cho biết, Quỹ vẫn giữ lại một phần cổ phần của Bệnh viện Hoàn Mỹ vì các bệnh viện ở Việt Nam luôn quá tải. Các bệnh viện công quá tải 200% đến 400%, tức một phòng 2 giường bệnh có 4 giường và cả giường ngoài hành lang. Còn bệnh viện tư như Hoàn Mỹ quá tải 120% đến 150%, tức một phòng đôi có 3 giường bệnh, không có giường ở hành lang. Quỹ này chỉ quan tâm đến bệnh viện phục vụ cho tầng lớp trung lưu chứ không phải là bệnh viện với dịch vụ cao cấp.

Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm dịch vụ thiết yếu của thị trường nội địa ở Việt Nam đang tăng cao, ngay cả khi kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức và sản xuất ở Việt Nam còn đáp ứng nhu cầu thị trường Lào, Campuchia. Các NĐT nhận định, Việt Nam còn tăng trưởng trong ít nhất 15 năm tới và đi kèm với tăng trưởng là giai đoạn bất ổn xen kẽ. Ở thị trường đang phát triển, rủi ro có ở khắp mọi nơi nhưng không phải không kiểm soát được để tìm kiếm lợi nhuận cao.