Các sân bay đang củng cố vai trò như một nam châm thu hút thương mại, một cơ sở hạ tầng kinh doanh và động lực phát triển đô thị quan trọng của thế kỷ 21.
Trong số 385 tỷ USD đang được chi cho các sân bay trên toàn thế giới, 115 tỷ USD là từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo số liệu từ Aerotropolis Business Concept LLC. Xu hướng tất yếu này yêu cầu các chính sách mới từ chính phủ và sự tham gia của các bên liên quan.
Tại Việt Nam, dự án Sân bay quốc tế Long Thành đang trở thành tâm điểm, bởi trong thời đại của nền kinh tế tốc độ, việc đầu tư phát triển sân bay cửa ngõ quốc gia một cách hiệu quả và bền vững là một quyết định trọng đại, có thể thay đổi tương lai phát triển của quốc gia.
“Nếu sân bay cửa ngõ quốc gia phát triển vươn lên tầm sân bay trung chuyển quốc tế thì sân bay đó sẽ đem lại tác động lan tỏa, tạo cơ hội phát triển kinh tế xã hội to lớn cho đất nước. Khi đó, các khoản đầu tư ban đầu của nhà nước vào sân bay không những được thu hồi, mà còn mang lại lợi nhuận 'một vốn bốn lời'”, ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) nhận định tại Hội thảo Phát triển bền vững sân bay cửa ngõ quốc gia.
Ở chiều ngược lại, tầm nhìn, định vị và tính toán sai thì dự án sân bay có thể trở thành gánh nặng tài chính quốc gia.
Đáng chú ý, thất bại trong đầu tư phát triển sân bay cửa ngõ quốc gia không chỉ diễn ra ở các nước đang phát triển, mà còn cả ở những nước phát triển, thậm chí ở ngay chính quốc gia đã và đang thành công trong phát triển sân bay trung chuyển quốc tế.
Chẳng hạn, tại Đức, sân bay Frankfurt là sân bay trung chuyển lớn nhất châu Âu, nhưng sân bay Berlin đã xây dựng từ hơn chục năm trước đến nay vẫn chưa được đưa vào vận hành.
Trong bối cảnh này, với dự án Sân bay quốc tế Long Thành, đâu là hướng đi phù hợp để mang lại giá trị gia tăng lớn nhất? Aerotropolis Business Concept LLC chỉ ra một thực tế rằng, các sân bay đang thay đổi đơn vị hoạt động và cơ cấu quản lý.
Nhiều sân bay đã thành lập các bộ phận thương mại và bất động sản để phát triển các khu vực phụ cận và ngoài sân bay.
Theo đó, việc quản lý phát triển sân bay thương mại được vận hành theo mô hình doanh nghiệp - hay còn gọi là công ty hóa.
Đây là quá trình chuyển đổi tài sản và doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp sở hữu công cộng để đưa vào các hình thức quản lý và văn hoá doanh nghiệp của khu vực tư nhân.
Hiện tại, 80% sân bay thương mại tại Tây Âu đã công ty hoá và mô hình này đang được nhân rộng tại châu Á, Trung Đông và Canada.
Nhiều sân bay đã thành lập các bộ phận thương mại và bất động sản để phát triển các khu vực phụ cận và ngoài sân bay.
Chẳng hạn, China Capital Airport Holdings, một doanh nghiệp nhà nước hoạt động giống như tư nhân đang phát triển đô thị sân bay Bắc Kinh.
Tại sân bay quốc tế Hồng Kông, cả 2 bộ phận thương mại và bất động sản đều hoạt động theo mô hình doanh nghiệp để tăng cường bán lẻ sân bay và phát triển khu phức hợp thương mại SkyCity liền kề cùng với các bất động sản sân bay khác.
Tập đoàn sân bay quốc tế Incheon đang thành lập nhiều liên doanh với khu vực tư nhân để phát triển đô thị sân bay AirCity, bao gồm các khách sạn, toà nhà văn phòng, khu hậu cần, mua sắm, giải trí, du lịch, cũng như nhà ở và dịch vụ. Công ty cổ phần Hàng không (DACC) được thành lập tại Dubai để phát triển và quản lý Dubai World Central (DWC), một khu phức hợp 140 km2, trị giá 34 tỷ USD gồm 6 khu thương mại.
Hay Cơ quan hàng không Ấn Độ đã giao cho các tập đoàn lớn của khu vực tư nhân như GMR và tập đoàn GVK để lãnh đạo tổ hợp vận hành và mở rộng sân bay quốc tế Delhi và sân bay quốc tế Mumbai, cũng như xây dựng và quản lý sân bay quốc tế New Hyderabad và New Bangalore.
Tổ hợp Sân bay quốc tế Trịnh Châu (Trung Quốc) năm 2018 đã sản xuất hơn 100 triệu iphone, trở thành khu công nghiệp sản xuất smartphones lớn nhất thế giới.
Tổng giá trị giao dịch của khu ngoại quan năm 2018 đạt 48 tỷ USD, đóng góp 11,3 tỷ USD cho GDP Trung Quốc.
Có thể thấy, việc công ty hóa các sân bay giúp linh hoạt trong các quyết định đầu tư và vận hành, đáp ứng nhu cầu thị trường và khách hàng một cách nhanh chóng, giảm ảnh hưởng của yếu tố chính trị, tăng hiệu quả hoạt động.
Hiện tại, vấn đề của dự án Sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 111.000 tỷ đồng không phải là nguồn vốn từ đâu, mà là lựa chọn mô hình đầu tư thích hợp và phân rõ trách nhiệm để phát huy hiệu quả.