VN-Index từng thiết lập mức cao nhất tại 1.420,2 điểm ngày 2/7/2021, sau đó điều chỉnh giảm rồi hồi phục và đi ngang dưới ngưỡng 1.400 điểm.
Yếu tố được cho là có ảnh hưởng tích cực tuần qua là thông tin về gói kích cầu kinh tế có quy mô 800.000 tỷ đồng, chỉ số đã bật tăng từ ngày 27/10 và đến cuối tuần qua lập kỷ lục mới, với thanh khoản tăng vọt.
Thực tế, thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với thông tin và phản ứng mạnh mẽ khi có những thông tin mới tác động, đặc biệt là gói kích cầu kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tương tự như các thị trường khác trên thế giới.
Đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 7/1, bởi khả năng chính phủ nước này sẽ thông qua gói kích cầu trị giá 1.900 tỷ USD nhằm đưa nền kinh tế vượt qua đại dịch.
Cả 3 chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều thiết lập đỉnh cao mọi thời đại. Các nhóm cổ phiếu có liên hệ mật thiết với tăng trưởng kinh tế như tài chính, công nghiệp, nguyên vật liệu… có mức tăng giá mạnh hơn nhiều nhóm khác.
Chuyên gia tài chính Tom Martin thuộc Globalt Investments nhận định: “Bất kỳ khi nào nền kinh tế được bơm thêm tiền thì thị trường chứng khoán đều hưởng lợi”.
Theo PGS.TS. Cao Đinh Kiên, giảng viên Bộ môn Quản trị tài chính, Trường đại học Ngoại thương, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua gói kích cầu trị giá 1.900 tỷ USD, các nhà nghiên cứu tính toán rằng, GDP nước này sẽ tăng 2% trong 2 năm tiếp theo, nếu tăng chi tiêu 1.000 tỷ USD. Điều này sẽ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và đưa lạm phát về mức mong muốn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Với các gói kích cầu của Chính phủ, dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh.
Ông Kiên cho biết, khảo sát của Betterment tại Mỹ cho thấy, 46% số người nhận được tiền từ gói kích cầu chọn đầu tư một phần tiền vào thị trường chứng khoán. Trong 46% số người này, có đến 70% đầu tư hơn một nửa những gì họ nhận được để mua chứng khoán. Từ đó đến nay, thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức tăng gần 20%, dù có những đợt điều chỉnh giảm do nhiều yếu tố như dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng bị gián đoạn…
Một nghiên cứu của Passion Investment mới đây về dòng tiền các ngân hàng trung ương cho biết, tại Fed, tuần từ 14/10 - 21/10/2021, tổng giá trị tài sản tăng 84 tỷ USD; tính tổng 4 tuần gần nhất (22/9 - 21/10/2021) tăng 75 tỷ USD, thấp hơn 45 tỷ USD so với mục tiêu là 120 tỷ USD/tháng. Cụ thể hơn, tổng tài sản của Fed trong 4 tuần gần nhất lần lượt là giảm 42 tỷ USD, tăng 16 tỷ USD, tăng 17 tỷ USD, tăng 84 tỷ USD.
Tương tự, tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tuần từ 8/10 - 15/10/2021, tổng tài sản tăng khoảng 22,43 tỷ EUR. Tổng 4 tuần gần nhất (17/9 - 15/10/2021), tổng tài sản của ECB tăng khoảng 92,14 tỷ EUR (xét theo tuần, tổng tài sản lần lượt tăng 28,63 tỷ EUR, 15,94 tỷ EUR, 25,14 tỷ EUR, 22,43 tỷ EUR).
Tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), trong 10 ngày từ 12/10 - 22/10/2021, tổng tài sản giảm khoảng 21 tỷ USD; trong 40 ngày từ 10/9 - 22/10/2021, tổng tài sản của BoJ giảm khoảng 50 tỷ USD (xét từng 10 ngày, giá trị tài sản lần lượt tăng 11 tỷ USD, giảm 49 tỷ USD, tăng 10 tỷ USD, giảm 21 tỷ USD).
Những dữ liệu trên cho thấy, các ngân hàng trung ương nhìn chung duy trì tốc độ bơm tiền, chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy nhiên, Fed có thể sẽ giảm quy mô bơm tiền (tapering) trong thời gian tới.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng đánh giá, thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm mạnh trong suốt giai đoạn dịch bệnh Covid-19 nhờ các gói kích cầu không giới hạn.
Nhiều thị trường liên tiếp lập đỉnh mới, ngay cả khi ngân hàng trung ương sau đó có động thái nâng lãi suất, hoặc “siết” lại chính sách tiền tệ khi nhận thấy kinh tế được cải thiện.