HTI: “Chú gà” BOT tiếp tục đẻ trứng vàng

HTI: “Chú gà” BOT tiếp tục đẻ trứng vàng

(ĐTCK) Năm 2013, HTI dự kiến tổng giá trị sản xuất – kinh doanh 231,5 tỷ đồng, doanh thu 201 tỷ đồng, LNTT 36,84 tỷ đồng và tổng giá trị đầu tư là 358,38 tỷ đồng, cổ tức 10 - 12%.

Mặc dù doanh thu có xu hướng giảm từ mức 156,9 tỷ đồng (năm 2010) còn 151,2 tỷ đồng (năm 2012), nhưng dự án BOT mở rộng QL1A đoạn An Sương - An Lạc của CTCP Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO (HTI) vẫn được xác định là “con gà đẻ trứng vàng” của HTI khi trong năm 2012 đã thu về 151,2 tỷ đồng chiếm 95,57% tổng doanh thu, LNTT là 36,66 tỷ đồng chiếm gần 92% tổng LNTT của Công ty.

Lý giải nguyên nhân giảm thu, ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc HTI phân tích, cầu Phú Mỹ, hầm chui Thủ Thiêm và đại lộ Võ Văn Kiệt từ khi đi vào hoạt động đến nay vẫn chưa thu phí và nhiều khả năng sẽ được miễn thu phí. Như vậy, lượng xe lưu thông qua trạm An Sương - An Lạc sẽ bị chia bớt. Thêm vào đó, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhiều DN ngừng hoạt động nên lượng xe lưu thông có xu hướng giảm và nhiều phương tiện thường sử dụng các tuyến đường nhánh mới dọc tuyến để “né” trạm.

Để hạn chế tình trạng này, HTI đã đưa 2 trạm thu phụ vào hoạt động tại giao lộ QL1A với đường số 7 vào KCN Vĩnh Lộc và đường M1 vào KCN Tân Bình. Kết quả là trong quý I/2013, doanh thu từ thu phí của Công ty tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 38,6 tỷ đồng.

Trước ĐHCĐ, nhiều cổ đông lo ngại về việc hàng loạt các dự án thu phí sử dụng đường bộ ngừng hoạt động như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, mặc dù với dự án BOT không nằm trong danh sách này. Bởi trước đó, dự án BOT Liên tỉnh lộ 15 của Công ty cũng đã có quyết định dừng thu phí.

Theo hợp đồng đã ký, dự án BOT An Sương - An Lạc có tổng mức đầu tư 831 tỷ đồng sẽ kết thúc vào năm 2017, nhưng HTI đã ký tiếp dự án đầu tư bổ sung một số hạng mục giao thông trên QL1A đoạn An Sương - An Lạc với tổng mức đầu tư 704 tỷ đồng. Hợp đồng này đã nâng thời gian thu phí cho toàn bộ dự án thêm 16 năm nữa. Theo thống kê, hiện dự án An Sương - An Lạc có mệnh giá phí thấp nhất nhưng việc thu phí vẫn vượt so với hợp đồng BOT đã ký, nên HTI gần như đã nắm trong tay “con gà BOT tiếp tục đẻ trứng vàng” bất kể việc “đàm phán” để tăng mệnh giá phí của HTI với các ban ngành có thành công hay không. Trên thực tế, HTI khó điều chỉnh tăng mệnh giá phí lúc này vì nguyên tắc của hợp đồng phải có mức cao hoặc thấp hơn 10% mới được điều chỉnh.

Về vấn đề cổ tức, thay mặt HĐQT, ông Ninh giải thích, sở dĩ Công ty giữ lại 9/39,88 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế mà không chia hết là vì số tiền này được dự phòng cho phần vốn đối ứng (15%) của Hợp đồng 704 tỷ đồng đã ký. Hơn nữa, phương án tăng vốn (nếu trả cổ tức bằng cổ phiếu thưởng) sẽ không có lợi cho DN vào lúc này, bởi với vốn điều lệ hơn 249 tỷ đồng thì DN thuộc diện vừa và nhỏ sẽ được hưởng cơ chế ưu đãi hơn so với DN lớn.

Căn cứ trên những dự án đang đầu tư, năm 2013, HTI dự kiến tổng giá trị sản xuất – kinh doanh 231,5 tỷ đồng, doanh thu 201 tỷ đồng, LNTT 36,84 tỷ đồng và tổng giá trị đầu tư là 358,38 tỷ đồng, cổ tức 10 - 12%.