Chỉ số PMI ngành sản suất tháng 10

Chỉ số PMI ngành sản suất tháng 10

HSBC: Suy giảm sản xuất ở Việt Nam tiếp tục kéo dài

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 do HSBC công bố tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm so với tháng 9, cho thấy sức sản xuất của doanh nghiệp tiếp tục yếu đi trong khi cầu nội địa và quốc tế chưa được cải thiện.

Cụ thể, PMI tháng 10 của các ngành sản xuất giảm xuống mức 48,7 điểm trong tháng 10, so với con số 49,2 của tháng 9. PMI phản ánh sự thay đổi về số lượng đơn hàng tại doanh nghiệp, với 50 điểm là mốc cân bằng. Việc chỉ số ngày càng lùi xa (thấp hơn) mốc này cho thấy số đơn hàng đang giảm xuống và ngược lại. Tính đến nay, PMI sản xuất của Việt Nam đã giảm liên tiếp trong 7 tháng, cho thấy các điều kiện vĩ mô của Việt Nam vẫn trong tình trạng xấu đi.

 

Theo khảo sát của HSBC, các doanh nghiệp cho biết sản lượng và số đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm khi nhu cầu yếu đi trong bối cảnh thị trường nội địa thu hẹp, trong khi thương mại quốc tế giảm. Riêng số đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đã giảm liên tục trong 6 tháng, đặc biệt từ các thị trường lớn như Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), Nhật Bản…

 

Sự suy giảm của lĩnh vực sản xuất tiếp tục ảnh hưởng mức độ mua hàng và hàng tồn kho trong tháng 10. Số lượng mua hàng đầu vào đã giảm 7 tháng liên tiếp, với gần 31% nhóm khảo sát báo cáo giảm. Dữ liệu của tháng 10 cũng phù hợp với việc tiếp tục thu hẹp biên lợi nhuận hoạt động của các nhà sản xuất, khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng vào thời điểm năng lực định giá giảm sút. Giá mua hàng trung bình đã tăng tháng thứ ba liên tiếp cho thấy chi phí cho thực phẩm, nhiên liệu và vận tải đã tăng cao hơn. Trong khi đó, giá cả đầu ra trung bình đã giảm 6 tháng liên tiếp. Tốc độ giảm giá đầu ra vẫn nhanh, nhưng đã chậm hơn đáng kể so với mức độ giảm mạnh trong tháng 6 và tháng 7 năm nay.

 

Điều này cũng ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp, khi chi phí đầu vào tiếp tục nhưng nhà sản xuất không thể tăng giá bán. “Mặc dù chi phí đầu vào tăng nhưng doanh nghiệp không thể chuyển gánh nặng này sang người tiêu dùng do cầu yếu”, Trinh Nguyen - Chuyên viên kinh tế của HSBC nhận định.

 

Một vấn đề khác là chỉ số thể hiện thời gian giao hàng của các nhà sản xuất Việt Nam đã không thay đổi trong vòng 10 tháng qua. Điều này cho thấy mặc dù “ít việc” nhưng năng suất lao động không có dấu hiệu được cải thiện. Tuy vậy, điểm đáng mừng, theo HSBC là số lượng việc làm vẫn tăng nhẹ, chủ yếu tại các doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất.

 

Chỉ số PMI ngành sản xuất là kết quả các cuộc khảo sát định kỳ của HSBC tại các thị trường. Tại Việt Nam , chỉ số này được xây dựng dựa trên dữ liệu phản hồi của 400 nhà quản trị mua hàng ở các doanh nghiệp sản xuất. Nhóm khảo sát được phân theo khu vực địa lý và theo Tiêu chuẩn Phân Ngành (SIC) dựa trên sự đóng góp của ngành vào GDP của Việt Nam .