HSBC quan ngại tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam

HSBC quan ngại tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam

Trong một báo cáo ngắn vừa công bố, Ngân hàng HSBC cho rằng, nỗ lực nhằm thiết lập lại sự cân bằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã thành công nhất định, nhưng sự suy giảm của tốc độ tăng trưởng tín dụng và nhu cầu báo hiệu rằng, lãi suất còn giảm trong thời gian tới.

Chuyên gia của HSBC cho rằng, các nhà chức trách Việt Nam đã phát tín hiệu sẵn sàng làm những việc cần thiết để đưa nền kinh tế tiến lên phía trước.

Năm ngoái, các biện pháp thắt chặt tín dụng đã được áp dụng nhằm hạn chế nhu cầu. Kết quả, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 vừa qua chỉ tăng hơn 5%, từ mức đỉnh 23% vào tháng 8 năm ngoái. Thâm hụt thương mại trong 7 tháng đầu năm chỉ còn 58 triệu USD, so với mức khoảng 6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Tỷ giá VND/USD đã ổn định từ đầu năm đến nay.

HSBC quan ngại tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam ảnh 1

Theo nhận định của HSBC, Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng tín dụng (dưới 1% tính từ đầu năm) phải ánh các vấn đề bao gồm nhu cầu nội địa suy yếu, một triệu chứng của những yếu kém về cơ cấu, cũng những yếu tố bên ngoài

Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng nhờ thâm hụt thương mại giảm và dòng vốn giải ngân FDI mạnh. Chính phủ gần đây cũng thông qua các nghị quyết nhằm tăng cường tính hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước và ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, theo nhận định của HSBC, Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng tín dụng (dưới 1% tính từ đầu năm) phản ánh các vấn đề bao gồm nhu cầu nội địa suy yếu, một triệu chứng của những yếu kém về cơ cấu, cùng những yếu tố bên ngoài - báo cáo nhận xét.

Kể từ giữa thập niên 2000 đến nay, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến tỷ lệ vay nợ cao và nhiều vốn đầu tư được rót vào những hoạt động kém hiệu quả. Việc thắt chặt tín dụng đã làm “lộ” sự phụ thuộc của Việt Nam và nguồn vốn tín dụng để duy trì tăng trưởng, một chiến lược mà HSBC đánh giá là không bền vững vì làm gia tăng rủi ro hệ thống và làm tăng áp lực lạm phát.

Bên cạnh đó, hoạt động thắt chặt tín dụng cũng phản ánh cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu. Tỷ lệ dư nợ tín dụng so với GDP của Việt Nam đã giảm từ mức 121% vào năm 2010 xuống còn 108% vào năm 2011, nhưng vẫn còn cao so với mức 48% vào năm 2003. Quá trình giảm nợ này được HSBC dự báo sẽ còn tiếp tục trong những năm tới.

HSBC nhận định, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nhu cầu thấp ở cả trong và ngoài nước. Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Việt Nam trong tháng 7 do HSBC thực hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi được công bố lần đầu vào tháng 4/2011.

Theo HSBC, điều này phản ánh thực trạng người tiêu dùng không còn sẵn sàng chi tiêu do mức nợ cao hoặc do triển vọng tăng trưởng kinh tế kém. Sự thận trọng trong chi tiêu của cả các doanh nghiệp lẫn người dân, cùng với sự giảm tốc của lạm phát là cơ sở để HSBC tin rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh tiến trình nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, báo cáo của ngân hàng này không đưa ra một con số lãi suất dự báo cụ thể nào.

Báo cáo cho rằng, Việt Nam hiện không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với sự suy giảm của nhu cầu tại thị trường nội địa. Ngay cả những nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới như Mỹ, Eurozone và Trung Quốc cũng đang trông chờ các biện pháp nới lỏng tiền tệ để kích thích tiêu dùng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng được HSBC dự báo có thể còn ở trong tình trạng trì trệ trong thời gian tới, trong khi những cải cách mang tính cơ cấu cần được thực hiện để giải quyết những vấn đề đã ăn sâu trong nền kinh tế. Mà công việc này sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện toàn diện, vì tái cơ cấu một hệ thống kinh tế là việc khó khăn và phức tạp.