HSBC lạc quan về kinh tế Việt Nam

HSBC lạc quan về kinh tế Việt Nam

(ĐTCK) Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô các nước châu Á nói chung và của Việt Nam nói riêng trong quý II/2015. Theo đó, kinh tế Việt Nam được nhìn nhận tăng trưởng và gây được tiếng vang.

Báo cáo của HSBC nhận định, trong khối ASEAN đang phải xử lý các thử thách do đồng USD mạnh lên, thì Việt Nam vẫn vững vàng với dự báo GDP năm 2015 ở mức 6,1%, cao hơn các nước Singapore (2,6%), Thái Lan (3,6%), Malaysia (4,8%), Indonesia (5,5%) và Philippines (6%). Sang năm 2016, mức tăng trưởng này dự báo vẫn được duy trì và tiếp tục cao hơn các quốc gia trên.

HSBC cho rằng, chỉ số PMI tháng 2 phản ánh sản lượng đang tăng, dù các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đang giảm. Mặc dù nhu cầu toàn cầu đang chậm dần, HSBC vẫn kỳ vọng, xuất khẩu sẽ nổi trội nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp tăng trưởng bền vững. Nhu cầu nội địa cũng đang có khuynh hướng hồi phục nhẹ và dự đoán tiêu dùng cá nhân sẽ tăng từ mức 5,4% trong năm 2014 lên 5,6% trong năm 2015.

“Giá dầu giảm thúc đẩy sức mua người tiêu dùng một cách trực tiếp do giá dầu và chi phí vận chuyển thấp hơn. Một cách gián tiếp, các nhà sản xuất cũng chuyển cho người tiêu dùng một khoản tiết kiệm nhờ giảm giá bán đầu ra”, Báo cáo HSBC nhận định.

HSBC cũng cho rằng, Việt Nam là nước nhập khẩu ròng về xăng dầu (khoảng gần 0,5 tỷ USD/năm), do đó, việc giá dầu giảm sẽ hỗ trợ vị thế thương mại. Việt Nam cũng là nước chú trọng giao thương các sản phẩm không phải dầu mỏ, có nghĩa rằng các nhà sản xuất và xuất khẩu sẽ được lợi từ chi phí đầu vào thấp.

Bên cạnh đó, HSBC vẫn giữ quan điểm, lạm phát tăng thấp cũng tạo cơ hội cho Chính phủ tăng các loại chi phí dịch vụ xã hội cũng như giá điện. NHNN chính vì thế cũng sẽ dễ dàng cắt giảm lãi suất thị trường mở OMO thêm 50 điểm ở mức 4,5%.

Tuy nhiên, Báo cáo cho rằng, trong năm 2012, thu từ xuất khẩu dầu mỏ chiếm 19% trong tổng thu cả nước, vì vậy, thu ngân sách giảm sẽ ảnh hưởng đến cán cân tài chính. Dù Việt Nam đã tích lũy dự trữ ngoại hối khoảng 36 tỷ USD, nhưng có một nguy cơ khi NHNN không đáp ứng các điều kiện thị trường một cách kịp thời sẽ dẫn đến thanh khoản trong nước bị o ép.

Một nguy cơ khác là những cải cách của Chính phủ còn khá chậm chạp, đặc biệt là giải quyết các khoản nợ xấu và tư nhân hoá các tài sản Nhà nước. Những chính sách quan trọng vẫn bị trì hoãn bao gồm việc nâng mức trần sở hữu nước ngoài ở một số lĩnh vực từ 49% lên 60% hay cơ chế cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được bán các khoản nợ.

“HSBC kỳ vọng vào những nỗ lực quan trọng về chính sách tự do hóa thương mại, những chương trình nghị sự về thương mại trọng điểm như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định thương mại tự do khu vực châu Âu đang trong tiến trình thảo luận sẽ hỗ trợ quá trình cải cách trong nước được thúc đẩy mạnh mẽ”, Báo cáo nhấn mạnh.

Tin bài liên quan